Thông qua PTTĐ yêu nước, các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương đã kịp thời phát hiện, tôn vinh nhiều điển hình tiên tiến, nhân lên động lực thi đua trong giai đoạn mới.

Đòn bẩy cho sự phát triển toàn diện

Tháng 4-2020, cán bộ, đảng viên, nhân dân huyện Cam Lộ hân hoan trong niềm vui về đích nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Quảng Trị. Theo đồng chí Ngô Quang Chiến, Bí thư Huyện ủy Cam Lộ, với sự nỗ lực vượt bậc và quyết tâm cao, cấp ủy, chính quyền, nhân dân huyện Cam Lộ đã vượt qua khó khăn, đạt được thành tựu toàn diện trên các lĩnh vực, trở thành điểm sáng trong PTTĐ “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, tạo ra nhiều giá trị mới trên miền quê vốn chịu nhiều đau thương, mất mát trong chiến tranh.

leftcenterrightdel
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Chi Ma (Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn) phối hợp cùng nhân dân tuần tra bảo vệ biên giới. Ảnh: MAI PHƯƠNG

Không chỉ ở Cam Lộ, trong 5 năm qua, PTTĐ “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” được triển khai sâu rộng, nội dung phong phú và hình thức đa dạng, trở thành phong trào quần chúng rộng khắp, góp phần mang lại nhiều thành tựu to lớn trong xây dựng nông thôn mới. Đến tháng 6-2020, cả nước có 5.177 xã (chiếm tỷ lệ 58,2%) đạt chuẩn nông thôn mới; 9 tỉnh, thành phố có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; bình quân cả nước đạt 16,2 tiêu chí/xã, không còn xã dưới 5 tiêu chí; có 127/664 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm khoảng 19,1%); 2 tỉnh được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020.

Cùng với PTTĐ nêu trên, trong 5 năm qua, các PTTĐ do Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương phát động và chỉ đạo tổ chức triển khai trong cả nước đã được các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ, với nhiều biện pháp, giải pháp cụ thể, phù hợp, mang lại hiệu quả thiết thực, tạo không khí thi đua sôi nổi, được các cơ quan, tổ chức, đơn vị và nhân dân tích cực hưởng ứng, tham gia.

Cụ thể, PTTĐ “Cả nước chung tay vì người nghèo-Không để ai bị bỏ lại phía sau” đã góp phần tích cực trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo của cả nước: Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 3%; thu nhập bình quân hộ nghèo tăng gấp 1,6 lần so với năm 2015. Trong cộng đồng doanh nghiệp, PTTĐ phát triển mạnh mẽ trên các phương diện: Đổi mới quản lý, quản trị doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động, sức cạnh tranh, tăng doanh thu, lợi nhuận. Giai đoạn 2016-2019, trung bình mỗi năm có khoảng 126,5 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp tăng hơn 1,8 lần so với năm 2015. Phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” đạt kết quả tích cực, tạo chuyển biến tốt trong nhận thức và hành động của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; phong cách giao tiếp, ứng xử, thái độ hợp tác, tương trợ đồng nghiệp trong công việc và tinh thần phục vụ người dân, doanh nghiệp có những tiến bộ rõ rệt.

Theo đồng chí Phạm Huy Giang, Trưởng ban Thi đua-Khen thưởng Trung ương, bên cạnh 4 PTTĐ trọng tâm do Thủ tướng Chính phủ phát động, các bộ, ngành, địa phương đã triển khai các PTTĐ theo đợt, chuyên đề, thi đua cao điểm, thi đua đặc biệt để giải quyết những khó khăn, cấp bách của từng ngành, từng địa phương, cơ quan, đơn vị. Thông qua các PTTĐ, nhiều vấn đề quan trọng, bức xúc đã được giải quyết; nhiều công trình, mô hình được xây dựng; đời sống nhân dân được nâng cao, bảo đảm an sinh xã hội và phát huy dân chủ ở cơ sở. Tiêu biểu như các PTTĐ trong lĩnh vực kinh tế đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tăng thu ngân sách nhà nước và bảo đảm an sinh xã hội; tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2016-2020 ước đạt khoảng 5,9%, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới. Đặc biệt là PTTĐ phòng, chống dịch Covid-19 đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân; huy động sự đóng góp, ủng hộ bằng tiền và hiện vật trị giá 2.105 tỷ đồng... Các PTTĐ đã tạo động lực to lớn thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và là đòn bẩy cho sự phát triển toàn diện của đất nước.

Không ngừng hướng tới những đỉnh cao

Theo đánh giá của Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương, trong 5 năm qua, từ các PTTĐ yêu nước đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu xuất sắc, điển hình tiên tiến, nhân tố mới trên các lĩnh vực.

Ở lĩnh vực công nghiệp, giao thông, xây dựng, có nhiều doanh nghiệp, doanh nhân, công nhân đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả cao trong lao động, sản xuất, kinh doanh, góp phần hoàn thành nhiều công trình trọng điểm quốc gia, phục vụ đời sống nhân dân và phát triển kinh tế-xã hội, như: Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) đã không ngừng phấn đấu trở thành doanh nghiệp viễn thông đa quốc gia, năm 2020 được công ty tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới-Brand Finance đánh giá là doanh nghiệp viễn thông số một của Đông Nam Á; anh Nguyễn Trọng Thái, Công ty cổ phần Than Hà Lầm, đã cùng tổ sản xuất tổ chức thi công đào hàng nghìn mét lò trong lòng đất ở độ sâu từ -50m đến -300m dưới mực nước biển, góp phần giúp công ty đạt sản lượng hơn 2 triệu tấn than/năm...

Từ các PTTĐ, đặc biệt là phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, đã xuất hiện ngày càng nhiều nông dân đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi; nhiều mô hình có quy mô sản xuất lớn, thu hút hàng trăm lao động, thu nhập hàng chục tỷ đồng mỗi năm, tiêu biểu như: Bà Bùi Hường Bích (Hà Nội) với mô hình nông nghiệp đô thị hiện đại trồng hoa lan công nghệ cao, doanh thu 25 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm thường xuyên cho 40 lao động; bà Trần Thị Thục (tỉnh Ninh Bình) thành công với mô hình trang trại tổng hợp, đạt doanh thu hằng năm gần 10 tỷ đồng...

Với tinh thần học hỏi, cầu tiến, không ngừng hướng tới đỉnh cao khoa học, công nghệ, nhiều tập thể, cá nhân đã ngày đêm miệt mài nghiên cứu, thử nghiệm, thực hiện thành công nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, sáng tạo ra nhiều sản phẩm phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân, như: Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương nghiên cứu, phân lập thành công virus SARS-CoV-2, góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong bốn nước trên thế giới phân lập thành công virus, là tiền đề tiên quyết để phát triển các sinh phẩm chẩn đoán cũng như phát triển vaccine phòng bệnh; Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 phát triển nhiều kỹ thuật mới mang tính đột phá, thực hiện thành công ca ghép chi lấy từ người cho sống đầu tiên trên thế giới; Bệnh viện Phụ sản Hà Nội là bệnh viện công đầu tiên trong cả nước mổ can thiệp y học bào thai-can thiệp kỹ thuật trong buồng ối cho thai phụ mang song thai có chung bánh nhau nhằm điều trị hội chứng truyền máu song thai, là kỹ thuật cao nhất trong lĩnh vực sản khoa hiện nay trên thế giới.

Để bảo vệ chủ quyền đất nước, vì cuộc sống bình yên của nhân dân, các chiến sĩ lực lượng vũ trang đã xả thân, quên mình để hoàn thành nhiệm vụ. Các đơn vị, cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ bảo vệ vùng trời, biên giới, biển, đảo, nhất là lực lượng cảnh sát biển, biên phòng, hải quân đã vượt qua gian khổ, ngày đêm kiên cường bám trụ, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc...

Các điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực, với những nhiệm vụ, hoàn cảnh, độ tuổi khác nhau, song đều sống có lý tưởng, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, giàu lòng nhân ái, làm sáng ngời truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam. Đó là những bông hoa tươi thắm trong vườn hoa thi đua của cả nước trong 5 năm qua.

BOX: Từ sau Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX đến nay, Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng 7 Huân chương Sao Vàng; 30 Huân chương Hồ Chí Minh; 9.826 Huân chương Độc lập; 317 Huân chương Quân công; 13.912 Huân chương Lao động; 17.956 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc; 875 huân, huy chương Hữu nghị; 55 danh hiệu Anh hùng Lao động; 28 danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân thời kỳ đổi mới; 3.674 danh hiệu nhà giáo, thầy thuốc, nghệ nhân, nghệ sĩ nhân dân, ưu tú, cùng nhiều huân, huy chương tặng thưởng các cá nhân đạt thành tích tiêu biểu, xuất sắc.

KHÁNH MINH