Nhận thức sâu sắc vấn đề này, những năm qua, cùng với hệ thống giáo dục quốc gia và quân đội, Trường Sĩ quan Chính trị đã quán triệt và thực hiện hiệu quả các chủ trương, giải pháp của Trung ương, Quân ủy Trung ương (QUTƯ), Bộ Quốc phòng (BQP) về đổi mới đồng bộ, toàn diện giáo dục-đào tạo (GD-ĐT).

Theo đó, quán triệt, thực hiện Chiến lược phát triển GD-ĐT trong quân đội giai đoạn 2011-2020 của BQP, Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới đồng bộ, toàn diện, tạo sự chuyển biến cơ bản, vững chắc về chất lượng, hiệu quả GD-ĐT và nghiên cứu khoa học. Nhà trường tập trung quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng và của QUTƯ, BQP, nhất là Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; kịp thời cụ thể hóa, triển khai thực hiện sát với chức năng, nhiệm vụ và thực tiễn của nhà trường. Nhà trường đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm trong tham mưu, đề xuất với QUTƯ, BQP các chủ trương, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo cán bộ chính trị cấp phân đội, giáo viên khoa học xã hội và nhân văn (KHXH&NV) quân sự trình độ đại học; đào tạo sau đại học; đào tạo cán bộ chính trị cho Quân đội nhân dân Lào và Quân đội Hoàng gia Campuchia.

Nói chuyện truyền thống động viên bộ đội trên bãi tập. Ảnh: qdnd.vn

Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và thực hiện nghiêm quy chế, quy định, quy trình đào tạo đại học và sau đại học. Đồng thời, triển khai thực hiện hiệu quả khâu đột phá về nâng cao chất lượng GD-ĐT gắn với thực hiện Chỉ thị số 89/CT-BQP ngày 4-4-2018 của BQP về việc tăng cường tổng kết thực tiễn công tác huấn luyện SSCĐ và chiến đấu gắn với công tác GD-ĐT của các nhà trường quân đội đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; tập trung chỉ đạo hoàn thiện mô hình, mục tiêu đào tạo, nâng cao năng lực tham mưu, quản lý, điều hành, ứng dụng công nghệ thông tin. Chương trình, nội dung, phương pháp, hình thức đào tạo được đổi mới, chuẩn hóa, hiện đại hóa theo hướng lấy người học làm trung tâm, chú trọng phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; khắc phục cơ bản sự trùng lặp về nội dung giữa các môn học. Kịp thời sửa đổi, ban hành hệ thống văn bản quản lý GD-ĐT; điều chỉnh kế hoạch đề bài, đề cương chi tiết môn học, bảo đảm cân đối giữa lý thuyết với thực hành theo hướng giảm lý thuyết, tăng thời gian thực hành và hoạt động sau bài giảng, gắn lý luận với thực tiễn, nhà trường với đơn vị. Triển khai thực hiện có hiệu quả huấn luyện liên kết môn. Các hội thi, hội thao, tập huấn, thực tập, diễn tập được tổ chức chặt chẽ, đạt chất lượng tốt.

Đặc biệt, thực hiện Chỉ thị số 89 của Bộ trưởng BQP về một số nhiệm vụ cấp bách nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ, Đảng ủy nhà trường ban hành nghị quyết chuyên đề lãnh đạo nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ đến năm 2020 và những năm tiếp theo, xác định những chủ trương, biện pháp vừa cơ bản, vừa có tính đột phá nhằm nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ. Nhà trường tổ chức kiểm tra ngoại ngữ đối với cán bộ, giảng viên khi xét các tiêu chuẩn nhà giáo, đề bạt nâng lương, quân hàm; phân loại đối tượng, trình độ học viên để giảng dạy. Nhiều mô hình mới, cách học mới được các khoa, cơ quan, đơn vị và cá nhân áp dụng đã mang lại hiệu quả tích cực.

Bên cạnh đó, Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác tuyển sinh quân sự, tuyển sinh sau đại học và tuyển chọn học viên đào tạo giáo viên KHXH&NV quân sự, tạo được uy tín cao trong quân đội; số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển hằng năm tăng cao. Sự phối hợp, hiệp đồng giữa các cơ quan và cải cách hành chính được chú trọng; kịp thời áp dụng có hiệu quả quy trình quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn ISO 9001:2008 vào quản lý GD-ĐT của nhà trường.

Nhà trường tích cực, chủ động thực hiện đề án kiện toàn, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; quan tâm bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ, giảng viên; thực hiện nghiêm quy định tổ chức huấn luyện môn học; gắn trách nhiệm của cán bộ quản lý, giảng viên với kết quả học tập của học viên. Từng bước chuẩn hóa trình độ ngoại ngữ, tin học của giảng viên; số giảng viên giỏi cấp BQP ngày càng tăng. Công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện học viên của nhà trường có nhiều đổi mới, đội ngũ cán bộ quản lý các cấp cơ bản phát huy tốt tinh thần trách nhiệm, tích cực tổ chức tốt các hoạt động ngoại khóa cho học viên. Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường kịp thời chỉ đạo bổ sung, hoàn thiện chuẩn đầu ra các ngành đào tạo và ban hành tiêu chí đánh giá năng lực thực hành của người học; tiến hành chặt chẽ việc đánh giá đồng cấp và tự đánh giá chất lượng giáo dục đại học. Nhà trường thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động dạy, học; tích cực đổi mới hình thức, phương pháp tổ chức thi và đánh giá kết quả học tập; hình thức và nội dung thi tốt nghiệp được mở rộng; có nhiều giải pháp phòng, chống tiêu cực trong thi, kiểm tra và phòng, chống “bệnh thành tích” trong GD-ĐT, bảo đảm “học thực chất, thi thực chất, đánh giá kết quả thực chất”.

Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường luôn quan tâm chỉ đạo, bảo đảm đầy đủ cơ sở vật chất cho GD-ĐT; tích cực, chủ động khai thác các nguồn lực phục vụ nhiệm vụ huấn luyện. Chú trọng đầu tư có chiều sâu, có trọng điểm; ưu tiên đầu tư trang thiết bị đào tạo ngoại ngữ, huấn luyện thể lực, huấn luyện thực hành, hiện đại hóa các phòng chuyên dùng, phòng phương pháp tại cơ sở mới. Nhà trường đầu tư hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu xây dựng mô hình “Nhà trường thông minh, tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0”; kịp thời có giải pháp khắc phục khó khăn về trường bắn, thao trường huấn luyện quân sự.

Với những chủ trương, giải pháp đồng bộ trong GD-ĐT, đội ngũ sĩ quan chính trị, giảng viên KHXH&NV quân sự tốt nghiệp ra trường ngày càng hòa nhập nhanh với thực tiễn, tự tin trong thực hiện chức trách ban đầu, có thể tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng để phát triển cao hơn; sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, góp phần nâng cao uy tín, vị thế của nhà trường trong hệ thống các học viện, nhà trường quân đội. Những phản hồi ngày càng tích cực từ các đơn vị trong toàn quân về chất lượng sĩ quan chính trị ra trường là minh chứng sinh động, khẳng định tư duy và cách làm đúng đắn, sáng tạo trong đổi mới, nâng cao chất lượng GD-ĐT của nhà trường những năm qua, góp phần xây dựng Đảng bộ TSVM tiêu biểu, nhà trường chính quy, tiên tiến, mẫu mực, tiêu biểu. Những kết quả trên là cơ sở, động lực quan trọng để cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ nhà trường tiếp tục đoàn kết, nỗ lực thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ nhà trường nhiệm kỳ 2020-2025, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI và lập thành tích chào mừng kỷ niệm 45 năm Ngày truyền thống Trường Sĩ quan Chính trị (14-1-1976 / 14-1-2021).

Trung tướng TRẦN QUANG TRUNG, Bí thư Đảng uỷ, Chính ủy Trường Sĩ quan Chính trị