Phát triển kinh tế bền vững gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh (QPAN) vững chắc là quan điểm xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta. Thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương trong cả nước cơ bản đã làm tốt việc kết hợp hai mục tiêu này nhưng vẫn còn một vài địa phương, có nơi, có lúc chưa thực sự quán triệt tốt, còn hiện tượng chỉ coi trọng phát triển kinh tế.
Thực tế những năm qua có một số dự án phát triển kinh tế làm ảnh hưởng đến công tác QPAN đã phải dừng lại hoặc điều chỉnh; có trường hợp làm sai nhưng khó xử lý do chưa có chế tài, do kẽ hở của pháp luật...
Vì vậy, cử tri mong muốn trong nhiệm kỳ tới, Quốc hội hết sức lưu ý vấn đề này. Các đại biểu Quốc hội cần phát huy hơn nữa trách nhiệm và trí tuệ, tập trung nghiên cứu, đề xuất với Quốc hội luật hóa những vấn đề liên quan đến chủ trương phát triển kinh tế-xã hội gắn với bảo đảm QPAN để các bộ, ngành, địa phương có cơ sở xây dựng, điều chỉnh, xác định các quy hoạch, kế hoạch sao cho bảo đảm vừa phát triển kinh tế-xã hội vừa giữ vững, củng cố QPAN. Để kết hợp phát triển kinh tế với bảo đảm QPAN thì các bộ, ngành, địa phương phải quan tâm xem xét, đưa vào trong từng quy hoạch, kế hoạch, đề án, dự án và xây dựng chương trình phát triển, trong đó quy hoạch rất quan trọng. Trong quy hoạch lại phải lưu ý đến các địa bàn chiến lược như: Các thành phố lớn, trung tâm chính trị, kinh tế, các vị trí có giá trị về QPAN... Đối với những địa bàn chiến lược phải ưu tiên bảo đảm QPAN trước. Tuy nhiên, trường hợp có những dự án cần thiết, có tính chất đột phá cho phát triển kinh tế đất nước thì cần nghiên cứu điều chỉnh bố trí quốc phòng nhưng vẫn phải bảo đảm không ảnh hưởng đến QPAN, nhất là khả năng phòng thủ quân sự, bảo vệ Tổ quốc.
Thiếu tướng NGUYỄN NHƯ HUYỀN (nguyên Cục trưởng Cục Tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu)