Người bạn của tờ báo chiến sĩ

Đúng 10 năm trước, lần đầu tiên gặp PGS, TS Bùi Hoài Sơn (khi đó là Phó viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam-VICAS) tại một hội thảo liên quan đến công nghiệp văn hóa, ấn tượng của tôi về ông, đó là một chuyên gia rất am tường về những vấn đề quản lý, phát triển văn hóa thời kỳ hội nhập.

Đó là cơ duyên để tôi quen rồi đặt bài ông về lĩnh vực văn hóa. Trái ngược với vẻ ngoài tưởng chừng khô khan, khó gần của một nhà nghiên cứu hàn lâm, PGS, TS Bùi Hoài Sơn vui vẻ, nhiệt tình, viết rất đúng phong cách báo chí và nhất là luôn gửi bài đúng hạn. Ông trở thành chuyên gia “bấm nút” của Báo QĐND, sẵn sàng cộng tác viết bài cũng như cho ý kiến chuyên môn sâu sắc. Một số loạt bài của Báo QĐND có trả lời phỏng vấn trực tiếp hoặc ý kiến của PGS, TS Bùi Hoài Sơn đã giành được các giải thưởng như: Giải báo chí quốc gia; Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng); Giải báo chí về phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh...

Trung tá Đặng Vũ Hoàng Thái (ngoài cùng bên trái) đang tác nghiệp tại bản Chà Lấu, xã Nậm Giải, huyện Quế Phong (Nghệ An) 

Từng có quãng thời gian học tập ở cả trong và ngoài nước về lĩnh vực quản lý di sản và nghệ thuật, phát triển văn hóa, văn nghệ nên ông rất am tường lĩnh vực này, nhất là những tư duy mới trong quản lý. Đến khi trở thành Viện trưởng VICAS, một trong những dấu ấn của ông là đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển nghệ thuật đương đại (VICAS Art studio) hoạt động thử nghiệm nhằm khắc phục tình trạng sáng tác nghệ thuật đương đại tự phát; hỗ trợ nghệ sĩ trên con đường sáng tạo nhọc nhằn; đồng thời tránh bị các nhà tài trợ nước ngoài chi phối tư tưởng, thẩm mỹ... Sau 4 năm hoạt động thử nghiệm, thành tích của Trung tâm rất đáng ghi nhận, từ đó, Bộ đã quyết định công nhận VICAS Art studio là tổ chức chuyên môn trực thuộc Viện.

Năm 2021, PGS, TS Bùi Hoài Sơn trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, trở thành Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội. Ở cương vị mới, công việc bận rộn song ông vẫn dành thời gian cộng tác với báo chí. Mới nhất, khi nhóm phóng viên Báo QĐND thực hiện loạt bài phỏng vấn “Quyền con người-đích đến trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội” nhân sự kiện Việt Nam trúng cử Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, ông đã dành trọn ngày nghỉ để góp ý giúp nâng tầm bài viết. Đó là lý do vì sao chúng tôi luôn gọi ông là người bạn của tờ báo chiến sĩ.

HÀM ĐAN

----------------

Quả ngọt từ đam mê

Chúng tôi tình cờ gặp lại Trung tá Đặng Vũ Hoàng Thái (Hoàng Thái), phóng viên Báo Quân khu 4 tại huyện miền núi Quế Phong, Nghệ An khi anh đang tác nghiệp trong những ngày chính quyền, đoàn thể các cấp chung tay kiến thiết và chăm lo cho bà con sau đợt mưa lũ gây thiệt hại lớn. Vai vác camera, trước ngực đeo máy ảnh, anh chia sẻ: “Về với bà con vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn luôn để lại trong tôi nhiều cảm xúc, trăn trở để phản ánh qua mỗi bài viết”. Hằng năm, Hoàng Thái và các đồng nghiệp thường có nhiều đợt đi công tác dài ngày đến với bộ đội và nhân dân vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Những lúc ấy, phóng viên phải đảm nhận nhiều việc như vừa viết bài, vừa quay video, chụp ảnh, làm phóng sự... và thường phải làm nhanh để đáp ứng yêu cầu thời sự nhưng anh luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Phóng viên Hoàng Thái sinh năm 1980, tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Chia sẻ về cơ duyên đến với nghề, Hoàng Thái cho biết, anh trở thành CTV của Báo QĐND sau Lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí toàn quân khóa 11 do Báo tổ chức. Cũng như nhiều người, anh gặp không ít khó khăn, bỡ ngỡ những ngày đầu chập chững vào nghề. Anh học cách viết tin, bài của các phóng viên, CTV đi trước bằng cách đọc Báo QĐND. Ban đầu là viết những tin ngắn rồi đến tin sâu, khi đã quen với việc viết tin, Hoàng Thái bắt đầu viết dạng bài phản ánh, ghi chép... và tranh thủ học thêm chụp ảnh, quay phim, làm phóng sự truyền hình. Hoàng Thái có thuận lợi khi từng là cán bộ tuyên huấn của Lữ đoàn Công binh 414 (Quân khu 4), có cơ hội sát cánh cùng cán bộ, chiến sĩ giúp dân vượt qua bão lũ, cháy rừng, dịch bệnh... Hay những đợt làm công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa... giúp anh có thêm trải nghiệm, cảm xúc, tích lũy tư liệu, viết nên những tác phẩm có chất lượng, được Báo QĐND chọn đăng trên các ấn phẩm.

Đam mê, chịu khó lăn lộn với nghề và không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn nên mặc dù chỉ mới 3 năm tuổi nghề nhưng phóng viên Hoàng Thái đã gặt hái được nhiều quả ngọt. Anh đoạt giải Nhì Giải "Búa liềm vàng" tỉnh Nghệ An và giải Ba Giải báo chí tỉnh năm 2021; giải C Cuộc thi viết về “Xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang Quân khu 4” năm 2021... Hoàng Thái chia sẻ: “Nghề báo phải thích nghi với mọi điều kiện hoàn cảnh, phải đi nhiều mới có những bài viết hay. Thông tin nhanh, kịp thời; viết đúng, ngắn gọn, dễ hiểu là bài học sâu sắc tôi rút ra qua một thời gian cộng tác với Báo QĐND”.

ĐỨC HUY 

------------------------

Những điều chưa kể khi tác nghiệp trong bão lũ miền Trung

Trung tá Nguyễn Việt Hùng, phóng viên Báo Quân khu 5 cộng tác với Báo QĐND ở nhiều mảng, nhưng nổi bật nhất là những bài viết mỗi khi miền Trung xảy ra thiên tai, nhất là bão lũ, sạt lở. Cùng với phóng viên Báo QĐND tại miền Trung-Tây Nguyên, Việt Hùng đã có nhiều tin, bài, ảnh, video clip gửi về tòa soạn để kịp thời cập nhật tình hình thiên tai cũng như phản ánh nỗ lực của chính quyền, LLVT, nhất là các đơn vị bộ đội đứng chân trên địa bàn thực hiện nhiệm vụ cứu giúp nhân dân trong hoạn nạn.

Hơn hai năm trước, vào đêm 28-10-2020, phóng viên Nguyễn Việt Hùng được lệnh tháp tùng đoàn công tác của Bộ tư lệnh Quân khu 5 hành quân lên thôn 1, xã Trà Leng (Nam Trà My, Quảng Nam)-nơi vừa xảy ra vụ sạt lở đất kinh hoàng khiến hàng chục người chết và mất tích-để chỉ đạo công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn. Gần đến nơi, những hình ảnh tang thương của vụ sạt lở đất dần hiện ra trước mắt khi đoàn liên tục bắt gặp những nhóm người hối hả cáng, khiêng, đưa các nạn nhân đi cấp cứu. Sau khi chụp ảnh, viết tin gửi Báo QĐND, anh rất sốt ruột vì điện thoại liên tục báo không có sóng. Bí quá, anh quyết định gửi hết qua ứng dụng tin nhắn Zalo, Facebook để đến đoạn nào có mạng, máy sẽ tự tải và gửi đi. “Ở những địa bàn hiểm trở, vùng sâu, vùng xa, mỗi vạch pin, cột sóng hiển thị trên màn hình điện thoại đều trở nên vô cùng quý giá đối với chúng tôi. Hằng ngày, các phóng viên thường phải có mặt từ rất sớm tại hiện trường để quay phim, chụp hình, phỏng vấn rồi nhanh chóng băng rừng, vượt suối hàng chục cây số ra các khu vực có điện lưới, có internet xử lý tin, bài”, Trung tá Nguyễn Việt Hùng tiết lộ.

Sau chuyến đi Trà Leng, hơn hai năm qua, Nguyễn Việt Hùng vẫn cùng đồng nghiệp đi tác nghiệp, đưa tin tại nhiều điểm nóng về mưa lũ, đắm tàu, sạt lở đất, cháy rừng... Mới đây nhất, ngày 14-10-2022, do ảnh hưởng của bão số 5, trên địa bàn TP Đà Nẵng liên tục xảy ra mưa lớn, nước lũ bất ngờ dâng cao nhấn chìm hàng vạn nhà dân sinh sống tại các địa bàn trũng thấp thuộc các quận Thanh Khê, Liên Chiểu, Cẩm Lệ và huyện Hòa Vang. Gần 23 giờ đêm, nhận được thông tin về việc cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Đặc công 409 (Bộ Tham mưu Quân khu 5) đang khẩn trương sơ tán người dân đến nơi an toàn, anh vội báo cáo, xin phép chỉ huy cơ quan rồi khoác áo mưa, áo phao lao đến hiện trường. Nguyễn Việt Hùng chia sẻ: “Trong ánh đèn pin loang loáng, tôi được Thiếu tá Lê Quang Hiệp, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Đặc công 409 và các chiến sĩ dùng thuyền cao su dẫn thẳng vào vùng lũ để chụp ảnh, quay phim, phỏng vấn, viết bài. Chứng kiến hành động, việc làm vì dân, không quản ngại hy sinh, gian khổ của các anh đã tạo động lực cho tôi quyết tâm bằng mọi giá có được những hình ảnh chân thực, sống động để chuyển tải đến bạn đọc. Một điều cảm động nữa là các đồng nghiệp ở Báo QĐND luôn cảm thông, chia sẻ với những vất vả mà chúng tôi phải trải qua và nâng niu, gọt giũa từng mẩu tin, tấm ảnh, đoạn video clip, ghi âm phỏng vấn thừa câu, thiếu chữ gửi qua Zalo, Facebook để đăng tải. Đó là nguồn động viên giúp tôi không ngừng nỗ lực, phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.

ĐỨC TUẤN

----------------------

Từ mẩu tin nhiều lỗi...

Tôi thường xuyên trao đổi, đặt bài Thiếu tá Phan Hữu Tài, phóng viên Báo Quân khu 9 từ vài năm nay vì sự nhiệt tình, trách nhiệm và đúng hẹn của anh. Hơn nữa, hai anh em “xêm xêm” tuổi nên dễ trao đổi thẳng thắn. Gần đây, tôi mới có dịp nghe anh giãi bày về thời gian hơn 10 năm cộng tác với Báo QĐND.

Tin đầu tiên anh gửi Báo QĐND cách đây đã hơn 10 năm, khi còn là Trợ lý Tuyên huấn Trung đoàn 9, Sư đoàn 8 (Quân khu 9). “Đó là tin phản ánh hoạt động hưởng ứng ngày hội hiến máu nhân đạo của đơn vị. Lần đầu tiên tôi gửi tin cộng tác nên có nhiều lúng túng trong cách viết, câu từ chưa gọn, không những vậy, tôi còn nhầm lẫn cách tính đơn vị máu, không ghi rõ thông tin liên hệ... Tôi còn nhớ, lúc đó anh Lê Ngọc Long (nay là Đại tá, Phó tổng biên tập Báo QĐND) gọi điện thoại hỏi kỹ lại về đơn vị máu, hướng dẫn tôi vài điều cơ bản về cách viết. Ngày hôm sau, tin gửi đi được đăng trên báo, tôi rất vui vì sự cố gắng của mình đã đạt được kết quả. Đến nay, tôi vẫn giữ tờ báo biếu có tin đầu tiên được đăng làm kỷ niệm”-Thiếu tá Phan Hữu Tài nhớ lại.

Năm 2015, Phan Hữu Tài nhận quyết định trở thành phóng viên Báo Quân khu 9. Từ đó, anh cộng tác với Báo QĐND thường xuyên hơn. Biết anh từng công tác ở đơn vị cơ sở nên nhiều lúc bí ý tưởng, nhất là từ khi đảm nhận chuyên trang "Ý kiến chiến sĩ" (đăng tải trên ấn phẩm Báo QĐND hằng ngày vào thứ hai hằng tuần), tôi lại nhờ anh tư vấn để có những đề tài sát với thực tế đời sống, nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ. Phan Hữu Tài cho biết, anh rất thích những bài viết thuộc thể loại chính luận trong các chuyên mục “Làm thất bại chiến lược “diễn biến hòa bình” và “Phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trên Báo QĐND. Những bài viết này thôi thúc anh học tập, nghiên cứu để có những bài viết hay, chặt chẽ, khoa học hơn nữa, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đăng trên Báo Quân khu 9, hướng tới là có thể cộng tác với Báo QĐND.

NGUYỄN ĐỨC