Tàu cũ rồi, thua xa các tàu của Trung đoàn 171 mà tôi đã được phối thuộc trong những đợt rà phá thủy lôi, bom, mìn của quân Mỹ phong tỏa cảng Hải Phòng. Nhưng chúng tôi yêu con tàu thực sự của mình. Tôi so sánh và hãnh diện: Tàu T-620 cũng là tàu 100 tấn như tàu của Trung đoàn 171, có 4 máy M-50, mỗi máy 300 mã lực, tổng cộng là 1.200 mã lực. Đó là một con tàu cao tốc hẳn hoi (thời điểm năm 1972 ấy), nghĩa là vượt xa các loại tàu 79 tấn của đơn vị khác mà lính Hải quân hay gọi “bàn là” (vì tàu giống hình chiếc bàn là); càng vượt hẳn những “con nghé”-những chiếc ca nô nhỏ, chạy xé nước trên sông, trên vịnh đấy, song không thể đi biển và vũ khí, trang bị chiến đấu thì chỉ có súng nhỏ. Đằng này, tàu chúng tôi có súng máy 14,5mm hai nòng, súng 12,7mm, lại còn khẩu ĐKZ đặt ở mũi tàu cùng các loại súng B40, B41, tiểu liên...

Minh họa: Phạm Hà 

Vậy mà tàu đang phải nằm sửa chữa, lính mới binh nhì là tôi chẳng thể làm gì. Là lính mặt boong-pháo thủ, thứ tôi làm được chỉ là quăng dây mồi, xách đệm va khi tàu cập bến và ngày ngày gõ gỉ sét, sơn vỏ tàu, mặt boong, chứ máy móc, hàng hải... quả là nên tránh xa cho đỡ vướng. Mấy lần tôi lọ mọ xuống khoang máy đều bị anh em thợ quát đi lên. Quát vậy nhưng sau khi trút bộ quần áo công tác, tắm táp sạch gương mặt bê bết dầu mỡ, họ lại sà vào mâm cơm, vừa ăn vừa trêu đùa. Và tối đến, chúng tôi lại hòa cùng tiếng hát: “Dạt dào biển mênh mông/ Sóng vỗ nhịp thân tàu/ Đoàn ta ra khơi tiếng máy reo vang...”.

Bên cạnh bài mà chúng tôi gọi là “Hải quân ca” ấy, còn rất nhiều ca khúc về biển, về lính biển của Việt Nam và nước ngoài. Trong đêm, bờ sông vắng ngắt mà chúng tôi vẫn nghêu ngao hát... “Và cô gái đang còn đứng bên sông/ Và bên sông rực ánh đèn...”. Rồi lời hát như trong mơ: “Trên bờ khăn xanh thắm vẫy chào ta”. Thời chiến thì làm gì có cô gái nào đưa tiễn. Máy bay và tên lửa của địch có thể đến bất cứ lúc nào. Ít tháng trước, một chiếc tàu mới của đơn vị bạn đã bị tên lửa địch bắn trúng... Nhưng mơ thì cứ mơ. Sẽ có một ngày con tàu cất tiếng còi chào hải cảng lướt đi và chúng tôi xếp hàng ngay ngắn trên boong tàu, những dải mũ lính thủy bay bay theo gió...

Người lính trẻ trong chúng tôi cứ háo hức, mộng mơ, nhưng tri thức của một sinh viên đã học xong đại học ngành sử học trong tôi lại níu mình về thực tế. Chiến đấu cần mũ sắt, không phải mũ dải làm "lính cảnh" lúc này. Mà chiến sự tới đây sẽ ác liệt lắm. Chiến trường miền Nam đang đỏ lửa quyết chiến, đặc biệt là ở Quảng Trị-nơi nhiều bạn bè sinh viên của chúng tôi đang chiến đấu. Từ giữa tháng 4-1972, đế quốc Mỹ đã ném bom bắn phá Hải Phòng, cuộc leo thang "Chiến tranh phá hoại" bằng không quân, hải quân của chúng đã chuyển sang giai đoạn mới tàn bạo hơn. Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, chúng tôi đã được các thầy và các nhà nghiên cứu, các cán bộ Quân đội giảng dạy, phân tích nhiều về chiến cuộc. Xu thế tất thắng đã rõ nhưng gian nan, khốc liệt là hiển nhiên. Vậy mà con tàu vẫn đang phải sửa chữa. Mà có chạy được tốt thì bom, mìn, thủy lôi còn dày đặc khắp vùng cửa biển, sao có thể ra khơi?

Khi đám lính mới chúng tôi đã bắt đầu quen việc, mấy chàng thợ máy thậm chí còn say sưa, thì chúng tôi được lệnh lên bờ. Hội thao cuối năm, các đội bóng đá, bóng chuyền của tiểu đoàn tôi thắng đội trung đoàn bộ. Cá nhân tôi vô địch bóng bàn. Xong hội thao là chuẩn bị hội diễn đón Tết. Cái Tết của lính vui nhất là được ăn tươi, được hát, múa, diễn kịch. Chẳng hiểu sao tôi cũng được triệu tập. Ờ thì hát hay không bằng hay hát. Vậy là tôi cứ hồn nhiên xông vào. Tối biểu diễn, bộ đội và nhân dân đến xem đông lắm, vỗ tay rầm rầm. Riêng tôi nghe được lời chê của các cô gái: "Tốp ca toàn anh to cao, đẹp trai, lại xen vào một anh bé nhỏ. Xấu cả đội hình!". Mặc kệ, được lên sân khấu là thích rồi. Nhưng để mang tiết mục này diễn Tết và nhất là dự Hội diễn văn nghệ Quân chủng tại Nhà hát Lớn Hải Phòng thì tôi không được tham gia. Oái oăm là tôi lại được giao viết lời cho hoạt cảnh chèo. Đã biết gì về chèo? Có viết “văn vần” thể lục bát hay song thất lục bát hai câu bảy, hai câu sáu, tám là được...

Viết xong lời cho chèo thì việc khó hơn lại đến: Cùng viết lại kịch bản cho kịch ngắn. Số là hôm chúng tôi diễn thử lần đầu có đồng chí Chính ủy Trung đoàn đến dự. Xem xong, đồng chí động viên vài lời rồi góp ý. Đồng chí bảo kịch của chúng tôi đơn giản quá. Để làm chuyển biến tư tưởng anh em, nhất là những đồng chí lừng chừng, thì không thể vài lời của chính trị viên là đủ... Hôm ấy, lần đầu tiên chúng tôi được nghe một bài nói chuyện đâu ra đấy về công tác chính trị-tư tưởng ở đơn vị cấp đại đội. Những điều Chính ủy Trung đoàn nói gợi cho chúng tôi hoàn thành kịch bản mới kịch tính hơn. Riêng tôi rất tâm đắc với những phân tích về chiến cuộc, về nhiệm vụ sắp tới. Mong mỏi ra khơi, ra trận trong chúng tôi càng thêm nóng bỏng.

Việc tập văn nghệ đang vào nhịp thì chúng tôi được lệnh trở về tàu. Chuẩn bị chiến đấu chăng? Chính trị viên lại nói đến câu: “Nuôi quân ba năm đánh giặc một giờ”. May mà tàu T-620 đã sửa chữa xong, lướt đi êm ả trong gió mùa Đông Bắc rét căm căm. Tuy nhiên, lệnh của Trung đoàn xuống: Nhiệm vụ của chúng tôi là liên tục cho tàu cơ động, không để lộ mục tiêu cho máy bay địch. Và rồi liên tục mấy đêm của tháng 12-1972, trong những cơn mưa bom B-52 và tên lửa địch đánh phá Hải Phòng, tàu chúng tôi ngược xuôi vùng cửa biển nhưng tuyệt đối an toàn.

    *   *  *

“Chiến thắng rồi! Hòa bình sắp đến rồi!”. Khi vừa nhận tin Hiệp định hòa bình Paris đã được ký (ngày 27-1-1973), lập tức những tiếng súng nổ ra tứ phía từ các trận địa phòng không, từ các con tàu trên sông, trên biển. Tiếng súng pháo mừng chiến thắng. “Thuyền trưởng ơi, cùng nổ súng đi”-chúng tôi hò reo đề nghị và rồi các cỡ súng trên tàu đều phóng những loạt đạn hòa cùng các đơn vị bạn, đường đạn bay đỏ cả vùng trời thành phố cảng.

Rồi sự yên ắng trở lại. Tết đã về trong niềm hân hoan thắng trận, song nhiều dãy phố, khu dân cư, cả Nhà máy Xi măng và cảng Hải Phòng đã bị địch không kích tan hoang. Một cái Tết không bình thường, cả thành phố lo chăm sóc, dọn dẹp cho những gia đình, những ngôi nhà, con phố bị thiệt hại. Tàu chúng tôi vẫn được lệnh sẵn sàng chiến đấu, không ai lên bờ, nhưng tôi và mấy anh em được nhận nhiệm vụ mà ai cũng thèm muốn là đi chợ mua thực phẩm Tết. Chúng tôi mua thật nhiều rau, có cả bắp cải, su hào để anh em ăn sống thoải mái sau nhiều ngày chỉ ăn thịt hộp, lương khô. Thấy bóng lính hải quân, các bà, các chị ở chợ Cột Đèn mừng lắm: Các chú còn nguyên vẹn cả chứ? Tàu ta có bị sao không? Đây, chị tặng các chú thêm nắm ớt, bó hành. Đây, riêng hôm nay mớ cá đối này, cô chỉ lấy nửa giá...

Sau cái Tết thời chiến đầu đời bộ đội ấy, chúng tôi được lệnh chuyển sang sửa chữa con tàu kéo. Lúc này, việc rà phá bom, mìn ở vùng cửa biển được đẩy mạnh hơn hẳn. Cảm giác ngày sắp được ra biển đã gần lắm. Đúng thời điểm tàu mới của chúng tôi đã ổn thì tôi được lệnh chuyển về công tác tại Báo Quân đội nhân dân. Và rồi ngày ra trận thật sự đã đến với tôi. Mùa xuân 1975, trong nhiệm vụ phóng viên chiến trường, tôi đã được vượt Trường Sơn, theo bước chân đại quân ta giải phóng Huế, Đà Nẵng... Đặc biệt, trưa 30-4-1975, tôi đã được đi cùng Trung đoàn 66 Bộ binh, Lữ đoàn 203 Tăng thiết giáp trong đội hình Quân đoàn 2 tiến vào dinh Độc Lập. Tiếp đó là chuyến ra khơi đúng nghĩa cùng con tàu của Đoàn 125 (nay là Lữ đoàn 125) Hải quân ra đón các đồng chí tù chính trị tại Côn Đảo vừa nổi dậy, tự giải phóng vào ngày 1-5-1975.

MẠNH HÙNG