Trong chuyến thăm Việt Nam cách đây hơn 11 năm, Thủ tướng Cộng hòa Liên bang Đức khi đó là bà Angela Merkel đã lựa chọn Văn Miếu-Quốc Tử Giám là nơi tham quan duy nhất trong những giờ phút thảnh thơi ở Hà Nội. 45 phút đi bộ trong không gian linh thiêng ở Văn Miếu-Quốc Tử Giám, bà Merkel đã nghe giới thiệu lịch sử trường đại học đầu tiên ở Việt Nam, được ngắm nhìn Khuê Văn Các-biểu tượng của Thủ đô Hà Nội, hay 82 tấm bia tiến sĩ-Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO).
“Văn Miếu-Quốc Tử Giám không chỉ là tài sản quý giá của Hà Nội, của Việt Nam mà còn là tài sản, di sản văn hóa của nhân loại”, bà Merkel trầm trồ. Trong sự xúc động, nữ Thủ tướng, đồng thời là Tiến sĩ Vật lý người Đức đã đánh trống tại đây. Tiếng trống vang lên gợi nhớ những mùa thi của gần 10 thế kỷ trước.
 |
Thủ tướng Angela Merkel đánh trống khi đến thăm Văn Miếu - Quốc Tử Giám năm 2011. Ảnh: DPA
|
Có lẽ, thăm Văn Miếu-Quốc Tử Giám là sự hữu ý của “người phụ nữ quyền lực nhất thế giới” khi đó. Bởi trước khi có những phút đi bộ thảnh thơi trong khuôn viên Văn Miếu-Quốc Tử Giám, bà Merkel và Thủ tướng nước chủ nhà đã ký Tuyên bố chung Hà Nội: Việt Nam và Đức-đối tác chiến lược vì tương lai, trong đó nhấn mạnh, giáo dục, văn hóa và bảo tồn di sản văn hóa là 3 trong những lĩnh vực hợp tác chiến lược giữa hai nước trong thời gian tới.
Nữ Thủ tướng hài lòng khi nói rằng, Đức là một trong những nước truyền thống trong quá khứ giúp Việt Nam đào tạo nhiều cán bộ. Tại thời điểm đó, có hơn 100.000 người Việt đang sinh sống, làm việc, học tập ở Đức và một số lượng tương tự người Việt Nam đã từng lao động, học tập tại nước này. Số lượng đông người nói tiếng Đức chính là tiềm năng vô cùng quý giá, là nhịp cầu hữu nghị trong quan hệ Đức-Việt. “Chúng ta còn rất nhiều tiềm năng phát triển!”, bà Merkel nói với nụ cười lạc quan.
Với Thủ tướng Đức đương nhiệm Olaf Scholz, Việt Nam không xa lạ, bởi ông cùng phu nhân từng đi du lịch Việt Nam, có chung sở thích về ẩm thực Việt. Ông Scholz thường xuyên ghé thăm các nhà hàng Việt Nam ở Hamburg để thưởng thức các món ăn Việt. Với một tình cảm đặc biệt, Thủ tướng Scholz luôn coi Việt Nam như một đối tác quan trọng, giàu tiềm năng mà Đức muốn tăng cường hợp tác.
 |
Thủ tướng Olaf Scholz được thầy đồ tặng bức thư pháp khi đến thăm đền Ngọc Sơn, tháng 11-2022. Ảnh: Bundesregierung |
Bởi vậy, sau những nghi thức ngoại giao không thể thiếu trong một chuyến thăm chính thức cùng với các hoạt động thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư song phương, ngày 13-11-2022, tranh thủ khoảng thời gian trống giữa hai sự kiện, Thủ tướng Scholz đã đi thăm hồ Hoàn Kiếm khi phố xá đã lên đèn. Đi bộ thư thái từ phố Hàng Gai qua Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục đến dọc tuyến phố Đinh Tiên Hoàng, cuối cùng, ông Scholz dừng chân trước Di tích quốc gia đặc biệt đền Ngọc Sơn-ngôi đền cổ có từ thế kỷ 19 và là một trong những di tích rất nổi tiếng của Hà Nội.
Không phải ngẫu nhiên Thủ tướng Scholz đến thăm và dâng hương tại ngôi đền linh thiêng của người Việt. Trong đền Ngọc Sơn có thờ anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo-người có công lao to lớn trong 3 lần chỉ huy quân và dân nhà Trần đánh tan các cuộc xâm lược của kẻ thù ở thế kỷ 13, giành lại hòa bình cho dân tộc Việt Nam. Chỉ trước chuyến thăm Hà Nội của Thủ tướng Scholz vài ngày, Bộ Quốc phòng hai nước Việt Nam và Đức đã ký Thỏa thuận hợp tác quốc phòng, trong đó, hai bên nhất trí chia sẻ các vấn đề chiến lược cùng quan tâm, tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực đào tạo, quân y, gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc...
Trong bối cảnh thế giới diễn biến phức tạp, Thủ tướng Scholz tin rằng, việc hai nước thúc đẩy hợp tác quốc phòng sẽ góp phần mang lại hòa bình, ổn định trong khu vực và quốc tế. Nhà lãnh đạo Đức cũng mong muốn hai nước mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực như kinh tế-thương mại, đầu tư, văn hóa, giáo dục, khoa học-công nghệ... “Với nước Đức, Việt Nam là một đối tác rất quan trọng”, Thủ tướng Scholz nói với Thủ tướng Phạm Minh Chính.
PHƯƠNG LINH