Những ngày giáp Tết Nhâm Dần 2022, trong những tổ ấm ấy lại càng đong đầy yêu thương, tràn ngập niềm vui, tiếng cười.
5 giờ sáng, tiếng kẻng báo thức trên đảo Sinh Tồn vang lên cũng là lúc mọi hoạt động của người dân trên xã đảo bắt đầu. Ngôi nhà cấp 4 kiên cố, rộng rãi của anh Nguyễn Đức Nhân và chị Lê Thị Thu hôm nay như rộn ràng, ấm cúng hơn mọi ngày. Anh Nhân và chị Thu sinh ra, lớn lên ở Nha Trang (Khánh Hòa) rồi nên duyên vợ chồng và tình nguyện ra Trường Sa sinh sống.
Như thường lệ, chị Thu luôn dậy sớm nhất, tất bật chuẩn bị bữa sáng cho cả nhà. Tiếp đó là “trận chiến” giữa anh Nhân với độ mè nheo của cậu con trai 4 tuổi để còn kịp thời gian đến trường. Chỉ đến khi anh Nhân bảo: “Bon mà không dậy, chú Minh (bộ đội hải quân trên đảo) biết sẽ chê cười. Sau này lớn lên, chú Minh không cho đi bộ đội hải quân đâu”, tức thì cu cậu bật dậy, mắt nhắm mắt mở nói: “Bố đừng mách chú Minh nhé!”. Xoa đầu con trai, anh Nhân hồ hởi: “Tôi nghĩ sau này con mình sẽ rất tự hào kể về Trường Sa, nơi cháu được sinh ra và lớn lên”.
 |
Sự mến khách của các hộ dân trên đảo Sinh Tồn. |
6 giờ 45 phút, chúng tôi đến nhà anh Bùi Văn Hưng và chị Lưu Thị Xuân cách đó không xa, thấy Trung úy Nguyễn Văn Thoan, Bệnh xá trưởng Bệnh xá đảo Sinh Tồn đã có mặt để giúp anh chị đưa con đến lớp. Rót nước mời khách, anh Hưng nét mặt hân hoan, kể: “Vợ chồng tôi quê ở Phú Yên, lập nghiệp ở Nha Trang và thời gian ở đảo chưa nhiều. Biết gia đình tôi còn lạ lẫm, lại phải đi làm sớm nên sáng nào chú Thoan cũng đến giúp đưa các cháu đi học. Các chú bộ đội ở bệnh xá vui tính và nhiệt tình lắm. Còn đây là chiếc tủ cấp đông mà gia đình tôi mới được nhận, nhờ nó mà thực phẩm của bọn trẻ và cả nhà được bảo quản tốt hơn”.
Niềm hạnh phúc cũng hiện lên trong đôi mắt của vợ chồng anh Ngân Văn Vĩnh, chị Thiều Thị Xoan và các hộ dân ở đảo Trường Sa Lớn bởi hơn một năm nay, do dịch Covid-19 nên đảo mới được đón đoàn công tác từ đất liền ra thăm. Cũng như đảo Sinh Tồn, mùa này một màu xanh trải dài trên khắp đảo Trường Sa Lớn. Trong mảnh vườn nhỏ trước sân của mỗi gia đình đều có giàn bầu, bí sai trĩu quả, lúc lỉu đung đưa trong gió biển; nhiều chậu rau xanh cùng giậu mồng tơi phủ kín bờ rào; phía sau nhà, tiếng đàn lợn, gà, vịt, ngan nháo nhác đòi ăn...
Anh Ngân Văn Vĩnh kể: “Tôi tham gia dân quân hai năm nay. Ở đảo, chúng tôi đều nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của cán bộ, chiến sĩ. Có việc gì, bộ đội sẵn sàng hỗ trợ ngay. Cháu đầu của tôi học hết tiểu học ở đảo, được chính quyền và bộ đội hỗ trợ đưa về đất liền học trung học cơ sở. Còn khi sinh cháu thứ hai, vợ tôi được tàu hải quân đưa vào bờ sinh nở an toàn. Con cứng cáp, tôi lại theo tàu hải quân vào đón vợ con ra đảo”.
Theo Thượng tá Lê Trọng Thông, Chính trị viên đảo Sinh Tồn, hiện nay, các hộ dân ở Trường Sa đều nhận được sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng về công việc, chế độ, chính sách đãi ngộ, điều kiện sống. Bên cạnh đó là sự chung tay giúp sức của bộ đội, nhân dân, các tổ chức, đoàn thể trong cả nước. Nhờ đó, cuộc sống của bà con nơi đây có nhiều thay đổi. Còn đồng chí Lê Đình Hải, Chủ tịch UBND huyện Trường Sa phấn khởi cho biết: “Những năm qua, bộ đội trên đảo thường xuyên phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương chăm lo đời sống cho nhân dân. Các hộ dân mới ra đảo, bộ đội và chính quyền xã đảo tổ chức thăm hỏi, tặng quà; kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn; phân công cán bộ, chiến sĩ tận tình giúp đỡ đến khi ổn định nơi ăn, chốn ở, nhờ đó, tình đoàn kết quân dân ngày càng bền chặt”.
Chúng tôi lên tàu rời đảo khi chiều đã nhạt nắng. Lẫn trong tiếng còi tàu hú chào đảo là giọng ca hồn nhiên cất lên lời bài hát “Quê em ở Trường Sa” vang trong gió, dội vào lòng đảo, nghe trầm bổng thân thương: Quê em ở Trường Sa/ Những đảo chìm, đảo nổi/ Quê em có biển trời/ Bốn mùa xanh bao la/ Sinh ra ở Trường Sa/ Em là con của biển...
Bài và ảnh: MẠNH HÙNG