Phố núi, một buổi sáng, chúng tôi đến vùng biên giới huyện Đức Cơ để tìm hiểu về những ngôi làng giàu có của bà con đồng bào DTTS, cùng những tỷ phú người Gia Rai tiêu biểu.

Gặp ông Rơ Ma Bum (67 tuổi), già làng Gron ngay từ đầu làng, ông dẫn chúng tôi đi tham quan một số công trình mới xây dựng theo chương trình nông thôn mới. Già làng Gron cho biết: “Làng Gron hiện có 181 hộ với hơn 640 khẩu, tất cả đều là người Gia Rai. Mừng là bà con mình đã biết tận dụng điện, đường, trường, trạm Nhà nước đầu tư xây dựng để phát triển kinh tế". 

Già làng Gron cười vui: "Cây trồng mà không có nước như con người không có nắng mặt trời vậy. Khi có điện, bà con khoan giếng lấy nước tưới và tập trung san đất, trồng cây. Đến nay, dân làng đã trồng được gần 210ha cao su tiểu điền, 150ha điều, gần 300ha mì, hàng nghìn trụ tiêu. Riêng tỷ phú Chel đã trồng 6ha cao su, 2ha điều, 2ha mì, 400 trụ tiêu. Nhiều hộ dân, nhất là thanh niên đã biết nghe theo đài, báo để trồng, chăm sóc, khai thác, thu hoạch cà phê, cao su, điều; thu nhập trung bình đạt từ 70 đến 100 triệu đồng/năm/hộ. Hơn 10 năm trở lại đây, bà con Gia Rai đã biến làng nghèo khó này trở nên giàu có”.

leftcenterrightdel
  Niềm vui của tỷ phú Kpui Chel khi gặp cán bộ Binh đoàn 15.

Trong cái nắng như rang của mùa khô vùng biên giới, chúng tôi tìm gặp tỷ phú Chel như lời già làng Gron giới thiệu. Nắm chặt tay nhau như người thân lâu ngày gặp lại, Kpui Chel (hiện là Đội phó đội 10, Công ty 75, Binh đoàn 15) cho biết: “Thương bà con dân làng cả năm "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời", mùa về chỉ được dăm ba tạ lúa, chưa đến mùa thu hoạch thì các chòi lúa đã trống trơn, vợ chồng tôi vừa phát quang đất trồng cây mở rộng diện tích canh tác, vừa vận động bà con cùng làm theo.

Gia đình nào thiếu cây giống thì mình hỗ trợ, cho mượn. Bà con dân làng chưa quen đi làm sớm, về muộn, chưa biết cách trồng, chăm sóc cây giống... nên mình phải cầm tay chỉ việc, phải giới thiệu, hướng dẫn, minh chứng cụ thể về cách trồng, chăm sóc, khai thác...

Giờ nhiều hộ nghèo, hộ khó đã vươn lên thành hộ khá giả. Riêng gia đình mình, tiền thu từ các vườn cây giúp vợ chồng mình xây nhà, mua ô tô đi làm, đưa con cái đi học. Các hộ gia đình trong làng như hộ Rơ Lan Linh, Rơ Châm Thin, Rơ Châm Tel... hằng năm thu được từ 150 đến 200 triệu đồng tiền lãi”.

Đi qua những ngôi làng, những vườn cà phê, cao su xanh tốt bạt ngàn, chúng tôi đến làng Poong, xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ (Gia Lai). Cũng giống như bao ngôi làng khác, làng Poong tọa lạc trên một ngọn đồi cao và bằng phẳng. Bà con người Gia Rai ở đây đã làm nên điều kỳ diệu là tận dụng thế mạnh của đất đai màu mỡ trồng các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao để làm giàu.

Từ 30 hộ ban đầu, đến nay, làng Poong đã phát triển lên 251 hộ, hơn 1.140 khẩu. Ngoài nhận khoán từ 2 đến 3 suất cạo (khoảng 2-3ha cao su) của Công ty 75, trung bình mỗi gia đình ở đây còn trồng khai thác từ 3 đến 5ha cây các loại như: Điều, cà phê, cao su và chăn nuôi thêm heo, bò. Riêng hộ gia đình tỷ phú Rơ Mah M’rao mỗi năm thu về từ 500 đến 600 triệu đồng. 

Theo ông Ksor Joih, Trưởng thôn, đến nay, tất cả hộ dân làng Poong đều có nhà xây mái ngói, gần 1/2 số hộ xây nhà mái thái rất đẹp, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 20 triệu đồng/năm. Trong làng, 100% trẻ em đủ tuổi đến trường học tập. Làng Poong được công nhận là làng nông thôn kiểu mẫu trong đồng bào DTTS ở Gia Lai.

Nếu ở làng Gron có tỷ phú Chel, làng Poong có tỷ phú M’rao thì làng Chan (Đức Cơ) có Ksor Găn, làng Tung Chúc (Ia Grai) có Ksor Uân... 

Danh sách những ngôi làng giàu có, những tỷ phú chân đất ở vùng biên này cứ nối dài thêm. Không chỉ có cuộc sống sung túc, giàu có, nhận thức về lao động của bà con đồng bào DTTS nơi đây đã thay đổi, những hủ tục cũng không còn, người dân đoàn kết, phát huy nét văn hóa dân tộc, có nếp sống văn minh, tiến bộ.

Bài và ảnh: LÊ QUANG HỒI