Tháng 10-2021, Thủ tướng Chính phủ quyết định tặng bằng khen 6 cá nhân kiều bào có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, trong số đó có Nguyễn Đức Cường. Khi thông tin này được đăng tải trên các phương tiện truyền thông, cộng đồng người Việt Nam ở Đức mới biết về những cống hiến thầm lặng của chàng trai trẻ này.
Nguyễn Đức Cường sinh năm 1991, là thế hệ người Việt sinh ra và lớn lên ở Đức. Sau khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành quản lý kinh tế quốc tế, Nguyễn Đức Cường được tuyển dụng làm Giám đốc quản lý nhân sự của Tập đoàn Amazon năm 2017, rồi chuyển sang làm cho Google tại Đức. Gần 3 năm làm việc trong các tập đoàn lớn, có nhiều cơ hội phát triển nhưng anh vẫn muốn tìm một hướng đi khác cho riêng mình. Nguyễn Đức Cường cho biết, trong thời gian làm ở Amazon hay Google, anh có nhiều ý tưởng giúp công việc vận hành nhanh hơn, tốt hơn. Tuy nhiên, giống như nhiều doanh nghiệp khác, để biến ý tưởng thành hiện thực cần phải chờ sự chấp thuận của lãnh đạo. Đôi khi thời gian chờ đợi kéo dài khiến nhiệt huyết của anh giảm sút. “Ngày còn đi học, tôi đọc, nghiên cứu nhiều sách viết về các ông chủ tập đoàn lớn. Khi đó, tôi tự hỏi: Tại sao họ làm được và phải làm gì để đạt được thành công như họ? Với tất cả lý do trên, tôi quyết định rời Google để khởi nghiệp”, Nguyễn Đức Cường chia sẻ.
 |
Doanh nhân kiều bào Nguyễn Đức Cường (giữa) nhận giấy khen của Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Liên bang Đức vì có thành tích hỗ trợ quê hương. |
Nhờ có kinh nghiệm trong thời gian làm ở Amazon và Google, Nguyễn Đức Cường quyết định kinh doanh nhà hàng. Đầu năm 2019, anh mở nhà hàng đầu tiên ở thủ đô Berlin và sau một thời gian ngắn, nhà hàng thứ hai, thứ ba lần lượt ra đời. Chỉ riêng năm 2019, 20 quán ăn, nhà hàng do anh làm chủ đã có mặt ở Berlin. Công việc đang tiến triển thuận lợi thì dịch Covid-19 bùng phát ở châu Âu, anh phải đóng cửa nhà hàng với tâm trạng đầy lo lắng: Làm gì để trả lương cho hàng trăm nhân công trong thời gian giãn cách xã hội? “Cái khó ló cái khôn”. Ở nhà nghiên cứu nhu cầu thị trường qua internet, anh nảy ra ý tưởng mua bán khẩu trang và bộ xét nghiệm nhanh Covid-19. Nghĩ và làm ngay khi chưa có nhiều người kinh doanh mặt hàng này, hiệu quả mang lại thật bất ngờ. Khi nhu cầu khẩu trang và bộ xét nghiệm Covid-19 tăng cao, thay vì mua đi bán lại, Cường bắt tay vào sản xuất. May mắn, khách hàng chủ yếu là các công ty lớn, nhờ đó, doanh thu của anh ngày một tăng. Đó cũng là lúc anh bắt đầu nghĩ đến việc hỗ trợ quê nhà, nơi đang hứng chịu làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư (từ tháng 4-2021).
Theo gợi ý của bố mẹ, Nguyễn Đức Cường quyết định gửi hơn 200.000 khẩu trang y tế N95 trị giá 90.000 euro (tương đương hơn 2 tỷ đồng) về Việt Nam. Khó khăn nhất là làm thế nào chuyển được số khẩu trang này về nước khi đường bay Berlin-Hà Nội đang bị gián đoạn. Với sự giúp đỡ của Đại sứ quán Việt Nam tại Đức và người quen, số hàng trên đã được chuyển về Việt Nam kịp thời, hỗ trợ hiệu quả vào công tác phòng, chống dịch trong nước. “Trong bối cảnh bà con kiều bào ở Đức đang phải đối mặt với khó khăn do dịch bệnh, sự ủng hộ của Nguyễn Đức Cường và gia đình là việc làm quý báu và có ý nghĩa, thể hiện truyền thống đoàn kết, lòng yêu nước, tương thân tương ái, giúp đỡ đồng bào ở trong nước”, Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Liên bang Đức Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh như vậy tại lễ tiếp nhận khẩu trang do gia đình Nguyễn Đức Cường trao tặng.
Nhiều người càng yêu mến Nguyễn Đức Cường hơn khi biết “tấm lòng vàng” của doanh nhân trẻ này được thắp lên bởi chính tình yêu với bố mẹ. Cường chia sẻ, sự nỗ lực, cố gắng của bố mẹ anh trong những năm mới lập nghiệp ở Đức là tấm gương để anh noi theo. Bố mẹ anh cũng chú trọng dạy anh tiếng Việt để giữ gìn bản sắc dân tộc. “Mẹ thường nói với tôi rằng, dù làm bất cứ công việc gì ở Đức cũng phải luôn hướng về quê hương bằng những việc làm thiết thực”, Nguyễn Đức Cường tâm sự.
Vượt qua khó khăn do tác động của đại dịch, đến nay, Nguyễn Đức Cường đang là chủ của hơn 40 nhà hàng, quán ăn ở Berlin với khoảng 400 nhân công. Trong năm 2022, anh có kế hoạch mở rộng kinh doanh nhà hàng tại Hamburg-thành phố lớn thứ hai ở Đức sau Berlin-và một số bang khác. Mong muốn của doanh nhân kiều bào trẻ này là công việc phát triển thuận lợi, từ đó có thể hỗ trợ đất nước nhiều hơn nữa. “Đã lâu tôi chưa được đón Tết ở Việt Nam. Hy vọng năm tới, tôi sẽ được hòa chung dòng người đi du xuân trên quê hương mình”, Nguyễn Đức Cường cho hay.
YÊN BÌNH