Người trẻ hiện có giữ được những kết nối để gìn giữ các giá trị, quan niệm tốt đẹp của người Việt? Nhân dịp đầu xuân, PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã chia sẻ với phóng viên Báo Quân đội nhân dân để có cái nhìn đa chiều về vấn đề này.

Phóng viên (PV): Việt Nam có một nền văn hóa lâu đời, tạo nên nét đẹp rất đa dạng, phong phú. Tuy nhiên, có những phong tục, tập quán chưa được nhiều bạn trẻ quan tâm. Để duy trì sự đặc sắc trong văn hóa Việt Nam, điều gì là cốt lõi mà giới trẻ cần phải giữ gìn, thưa ông?

PGS, TS Bùi Hoài Sơn: Đây là vấn đề rất quan trọng nhưng cũng hết sức khó khăn vì giới trẻ phải hiểu về phong tục, về những sinh hoạt văn hóa này. Trên cơ sở hiểu biết một cách đầy đủ, sâu sắc, họ mới có lựa chọn chính xác. Hiện chúng ta chưa trang bị hiểu biết đầy đủ cho giới trẻ về các giá trị văn hóa, sinh hoạt nghi lễ, tập tục truyền thống. Khi người trẻ không có đầy đủ thông tin, kiến thức để cân nhắc liệu những điều đó có ích cho bản thân mình hay không, khi ấy họ thường lựa chọn theo hướng phù hợp với lối sống, với xu thế thời đại. Do đó, công tác tuyên truyền, giới thiệu, làm sống lại di sản hoặc làm cho di sản trở nên hấp dẫn hơn, phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của khán giả hôm nay, đặc biệt là khán giả trẻ, sẽ quyết định sức sống của các di sản. Từ câu chuyện người trẻ hiểu vấn đề, họ bắt đầu yêu những phong tục, tập quán và mong muốn có những sáng tạo mới dựa trên những giá trị văn hóa của dân tộc, làm nên chu kỳ sống mới cho các di sản, cho các phong tục, tập quán.

Học sinh trải nghiệm in tranh giấy dó hình ảnh hoa văn trong Văn Miếu-Quốc Tử Giám (ảnh chụp trước ngày 27-4-2021). Ảnh: XUÂN KIÊU. 

 

PV: Không ít người cho rằng, giới trẻ quan tâm đến các ngày lễ của nước ngoài hơn những ngày truyền thống của Việt Nam. Ông nghĩ sao về điều này?

PGS, TS Bùi Hoài Sơn: Giới trẻ hiện sinh hoạt khá nhiều trên không gian mạng. Họ tìm hiểu thông tin rất nhiều từ môi trường mạng, từ công nghệ hiện đại. Trong khi đó, chúng ta lại thiếu vắng việc giới thiệu di sản văn hóa, phong tục, tập quán trên các phương tiện truyền thông mới. Khi thông tin không đến được với giới trẻ, đương nhiên họ sẽ không để ý, thậm chí quay lưng lại với di sản văn hóa. Điều đó rất nguy hại, bởi trong thế giới hội nhập như ngày nay, nơi mà không có bản lĩnh văn hóa, bản sắc văn hóa sẽ khiến con người ta trở nên nhạt nhòa, mất định hướng trong thế giới toàn cầu hóa. Chúng ta cũng có một phần lỗi khi để các sự kiện truyền thống thành hoạt động đơn điệu, không hấp dẫn, không phù hợp với tâm lý, lối sống ngày nay của thanh niên.

PV: Có người lo lắng giới trẻ tiếp cận truyền thống theo cách rất hiện đại sẽ làm “biến dạng” những giá trị văn hóa của dân tộc. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

PGS, TS Bùi Hoài Sơn: Văn hóa truyền thống có thể bảo vệ, phát huy bằng nhiều cách khác nhau. Bảo vệ nguyên vẹn như trong bảo tàng hay các nhà hát truyền thống, nhưng cũng có thể bảo vệ thông qua sáng tạo, sử dụng chất liệu truyền thống để tạo ra những sản phẩm mới phù hợp hơn với giai đoạn hiện tại. Chỉ khi người ta hiểu, thích truyền thống thì mới mong muốn tìm hiểu thêm truyền thống. Như vậy, truyền thống mới có thể tiếp diễn và được giữ gìn.

PV: Theo ông, các bạn trẻ ngày nay nên làm thế nào để gìn giữ cũng như quảng bá văn hóa truyền thống Việt Nam tới bạn bè quốc tế nhiều hơn, mạnh mẽ hơn?

PGS, TS Bùi Hoài Sơn: Trước hết, phải nâng cao nhận thức về di sản, để di sản có thể tiếp cận nhiều hơn đối với giới trẻ. Hiểu biết rõ hơn di sản của đất nước, họ có thêm động lực, quyết tâm gìn giữ di sản. Đây là yếu tố quan trọng nhất. Bên cạnh đó, hình thành hệ thống cơ chế, chính sách hỗ trợ cho hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản và hoạt động giáo dục di sản. Chúng ta cũng cần có những ví dụ thực hành tốt về bảo vệ và phát huy giá trị di sản, từ đó lan tỏa cách thực hành tốt cho toàn xã hội.

PV: Theo ông, Tết Nguyên đán có thể coi là “thời gian vàng” để giáo dục, tuyên truyền những giá trị truyền thống với giới trẻ?

PGS, TS Bùi Hoài Sơn: Những sinh hoạt truyền thống bao giờ cũng cần có một không gian và thời gian cụ thể để thể hiện hết giá trị của mình. Vì thế, thời điểm Tết Nguyên đán là một khoảng không gian, thời gian rất phù hợp để cùng nhau nghĩ về truyền thống, cùng nhau thực hành truyền thống. Khi tiến hành những nét văn hóa truyền thống ở một thời điểm thiêng liêng, có ý nghĩa với cộng đồng, gia đình và mỗi cá nhân, hoạt động đó có thêm sức sống, ý nghĩa.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

THU HÀ (thực hiện)