Năm ấy, Hồ Thị Kim Thanh vừa tròn 25 tuổi, đang công tác tại Hội Phụ nữ tỉnh Quảng Nam, phụ trách vùng địch hậu. Tham gia Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, bà được phân công trực tiếp chỉ huy lực lượng chính trị và binh vận, hỗ trợ cho LLVT tấn công vào quận lỵ Lý Tín, vành đai diệt Mỹ ở Chu Lai (Núi Thành, Quảng Nam). Thực hiện nhiệm vụ, bà cải trang thành dân thường, dẫn đầu hơn 3.000 người kéo về Lý Tín, đến Quốc lộ 1A thì có lệnh rút lui. Tuy nhiên, lực lượng nổi dậy không nhận được lệnh mới nên vẫn tiếp tục tiến về quận lỵ. Đến nơi, không có lực lượng đánh địch (như hiệp đồng ban đầu) nên đoàn người bất ngờ bị địch bao vây. Trước tình thế đó, để bảo vệ dân và cơ sở bí mật, bà Kim Thanh vận động nhân dân vây xung quanh và tổ chức cuộc họp nhanh với các đảng viên, cán bộ cốt cán tìm cách đối phó với địch. Sau khi họp bàn thống nhất, bà được phân công cải trang ở lại hoạt động hợp pháp. Bà và đội ngũ cán bộ cốt cán hướng dẫn nhân dân đồng loạt chạy theo nhiều hướng khiến địch bị bất ngờ, chớp thời cơ mở vòng vây cho hơn 2.500 người dân và cán bộ, đảng viên cốt cán thoát ra ngoài an toàn. Sau nhiều giờ bao vây, khống chế, địch bắt được gần 200 người, trong đó có bà đưa về nhốt tại nhà tù Lý Tín.

Anh hùng LLVT nhân dân Hồ Thị Kim Thanh. 

Với sự nhạy bén, sáng tạo trong chỉ huy, đồng chí Kim Thanh nhanh chóng quyết định thành lập chi bộ Đảng, chi đoàn thanh niên, phân công phụ trách trung đội du kích mật và thành lập 22 tổ binh vận là cơ sở cốt cán để đấu tranh chính trị, chống đánh đập, động viên tinh thần và hướng dẫn người dân cách trả lời khi bị địch tra khảo. Đồng thời, bà tập trung làm công tác binh địch vận, bảo vệ nhân dân khỏi sự khai thác, đánh đập của kẻ thù, động viên tư tưởng nhân dân và cán bộ kiên định lập trường, vững vàng trước đòn roi của kẻ thù. Nhờ đó, khi địch bắt một số người để tra tấn, hành hạ dã man, có người bị gãy tay, gãy răng, gãy xương sườn... bà Kim Thanh cũng bị đánh ngất xỉu nhiều lần, nhưng cán bộ và nhân dân vẫn nhất quyết giữ bí mật, tin theo cách mạng. Hiểu rõ vai trò quan trọng của bà Thanh, nhiều chị em trong hội phụ nữ muốn bà thoát ra ngoài để tiếp tục lãnh đạo phong trào. Thế nhưng, bà quả quyết: “Nếu tôi thoát được thì địch sẽ giết hết chị em. Tôi không bỏ dân, bỏ cơ sở trong lúc này được”.

Trong vòng kiểm soát chặt chẽ của địch, đồng chí Kim Thanh tiếp tục hướng dẫn chị em kiên trì đấu tranh với địch và vận động hai người lính là cơ sở của ta liên lạc ra ngoài, báo cáo tổ chức và mua thuốc, sữa để chăm sóc người bị đánh. Nắm được tình hình của lực lượng nổi dậy, các đồng chí cán bộ của ta ở bên ngoài đã vận động nhân dân các xã: Kỳ Xuân, Kỳ Hưng, Kỳ Khương thuộc huyện Nam Tam Kỳ (Núi Thành ngày nay) kéo về quận lỵ Lý Tín gây áp lực đòi thả những người bị bắt. Trước tình thế phải lo đối phó với cả bên trong lẫn bên ngoài, cộng thêm việc tra khảo nhiều ngày liên tiếp nhưng không có kết quả, địch đành trả tự do cho những người bị bắt giam. Toàn bộ gần 200 người đều được bảo vệ an toàn.

Năm ngày sau khi được trả tự do, bà Kim Thanh gặp đồng chí Võ Thứ, Phó bí thư Huyện ủy Nam Tam Kỳ thì được biết địch đang ráo riết truy lùng bà vì chúng nhận ra rằng “đã thả nhầm con Việt cộng nguy hiểm”. Sau sự kiện trên, bà được Tỉnh ủy Quảng Nam đánh giá cao ý chí và hành động cách mạng kiên cường; được cử đi dự đại hội thi đua toàn tỉnh và vinh dự nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh.

Những năm tiếp theo, đồng chí Hồ Thị Kim Thanh liên tục tham gia chiến đấu, tiêu diệt hàng chục tên địch, cứu sống nhiều thương binh; tham gia bẻ gãy nhiều trận càn, gây dựng lại hàng trăm cơ sở cách mạng bị phá trắng... Với những kết quả từ sáng kiến chỉ huy đấu tranh, các năm 1969-1971, bà được chọn đi báo cáo điển hình về công tác đấu tranh chính trị, binh vận trong lòng địch và diệt ác, phá kìm tại các hội nghị về đấu tranh chính trị của Khu ủy 5. Năm 1973, Quân khu 5 tặng bà khẩu súng K59. Bà đã dùng khẩu súng này cùng với các vũ khí khác tiếp tục tham gia nhiều trận đánh, diệt nhiều tên địch...

Giờ đây, ở tuổi gần 80, mỗi lần nhắc nhớ chuyện xưa, Anh hùng LLVT nhân dân Hồ Thị Kim Thanh không khỏi bồi hồi, xúc động. Với bà, lần vượt qua “cửa tử” trong mùa Xuân Mậu Thân 1968 trên quê hương Núi Thành là một hồi ức  nhiều cảm xúc. Ở đó, bà đã sống, chiến đấu trong sự đùm bọc, chở che của nhân dân, cùng nhân dân vượt qua đòn roi tàn khốc của kẻ thù; từ đó tiếp tục chiến đấu ngoan cường, anh dũng; vững tin vào tương lai tươi sáng của dân tộc.

Bài và ảnh: THANH THÚY