Bà là một trong 4 cảm tử quân đã tham gia trận tập kích vào rạp chiếu bóng Majestic năm 1948 lừng lẫy, bị tòa án binh Pháp tuyên án tử hình vào năm 16 tuổi và sau đó được đích thân Tổng thống Pháp Vincent Jules Auriol ký lệnh hủy án.

Tôi tới thăm bà vào một ngày cuối năm. Căn bệnh thoái hóa hệ thần kinh ngày càng nặng khiến giọng nói của bà run run. Nhưng trí nhớ của bà vẫn tốt. Bà vẫn nhớ rõ từng sự việc xảy ra trong quá khứ.

Bà Nguyễn Thị Kim Dung thời trẻ. Ảnh do nhân vật cung cấp 

Bà Dung sinh ra ở Cao Lãnh, Sa Đéc (nay là Đồng Tháp). Mười hai tuổi, bà theo gia đình tản cư sang Campuchia, rồi trở về Sài Gòn đi học tại trường Lương Bá Cang. Tháng Giêng năm 1948, đang đi học, bà trốn nhà lên Chiến khu Láng Le-Bàu Cò gia nhập Ban Công tác 10. Sau khi hoàn thành lớp học bí mật nội thành, bà được bổ sung vào Trung đội nữ Minh Khai, là trung đội nữ cảm tử quân đầu tiên ở Sài Gòn-Chợ Lớn.

Cuối tháng 3-1948, bà rời chiến khu trở về nội thành làm liên lạc viên chuyển tài liệu, vũ khí từ ngoại thành vào nội ô. Về thành, bà được bố trí ở trong một gia đình làm nghề thêu ren. Đó là căn nhà nằm trong con hẻm cạnh một ao nước, đối diện với thành Oma (bây giờ là trụ sở cơ quan thường trực phía Nam của Bộ Công an trên đường Nguyễn Trãi). Để thực hiện nhiệm vụ, bà phải tạo cho mình nhiều vỏ bọc. Khi giả làm học sinh trên đường đi học. Khi thì khệ nệ bê một rổ đầy thức ăn, rau củ, đóng vai cô bé đi chợ về.

Đầu tháng 6-1948, tin từ trinh sát của Ban Công tác 10 cho biết, ngày 10-6-1948, bọn sĩ quan Marine, là sĩ quan cao cấp hải quân Pháp, sẽ có một cuộc họp tại Sài Gòn và sau đó chúng sẽ tới xem phim tại rạp chiếu bóng Majestic. Nắm được thông tin, trung đội quyết định: Tập kích rạp Majestic. Lực lượng tham gia trận đánh gồm 4 người, trong đó có Kim Dung. Vũ khí trang bị có 3 trái lựu đạn là chiến lợi phẩm xin của Trung đoàn 120...

Bà Kim Dung ngồi trên xe lăn. Khi nghe tôi nhắc đến trận đánh Majestic, gương mặt bà giãn ra, tươi tỉnh, đôi mắt đẫm đầy những hoài niệm xa xưa như thể mới vừa từ trong quá khứ bước ra. Bà bồi hồi kể:

“Năm đó tôi 15 tuổi. Được tham gia trận đánh lớn như vậy, với tôi như là một giấc mơ. Tôi háo hức lắm. Majestic bấy giờ là rạp chiếu bóng thuộc vào hạng sang trọng bậc nhất Sài Gòn, là nơi lui tới của công chức và sĩ quan Pháp cùng các gia đình thuộc tầng lớp quý tộc thượng lưu thân Pháp, biết tiếng Pháp. Rạp chiếu toàn phim Pháp mà hồi ấy chưa có phụ đề. Vì thế, rạp được canh gác vòng trong vòng ngoài rất nghiêm ngặt. Sau khi điều nghiên kỹ địa hình, chuẩn bị đầy đủ vũ khí và các vật dụng cần thiết, chúng tôi có mặt tại nơi tập kết là một tiệm may nằm trong con hẻm tiếp giáp đường Garcerie và Mayer (nay là đường Võ Thị Sáu), chuẩn bị xuất phát.

Tôi vào vai một tiểu thư khuê các con nhà giàu. Tôi được hóa trang rất kỹ, trên người đeo đầy vòng vàng xuyến bạc (đồ giả), mang trên mình bộ quần áo bằng tơ lụa phẳng phiu, mặt đánh phấn, môi tô son màu hồng cánh sen, thêm mái tóc dài và mượt chấm tới ngang eo được “cố tình” tẩm sực nức loại nước hoa hảo hạng. Vì sao nói là cố tình? Tôi xin mở ngoặc nói một chút về thứ “vũ khí đặc biệt” không thể thiếu trong khi thực hiện nhiệm vụ, đó là nước hoa. Bởi vì, sau khi quăng lựu đạn, công việc đầu tiên của chúng tôi là phải vuốt thật kỹ tay lên tóc. Nước hoa có tác dụng làm bay mùi gang thép của lựu đạn trên tay.

Trong tư thế một tiểu thư đài các, tôi bước vào trận đánh. Tôi không một chút nào nghĩ trận đánh ấy sẽ ghi một dấu son vào trang sử oai hùng của đất nước. Tôi càng không nghĩ mình sẽ trở thành một nhân vật lịch sử. Tôi chỉ làm nhiệm vụ mà đơn vị đã tin tưởng giao cho. Đơn giản vậy thôi.

Tháng sáu, Sài Gòn chiều hôm ấy bầu trời xanh trong thoáng đãng, không khí mát mẻ thật dễ chịu. Tôi cùng một đồng đội đi bộ ra đầu hẻm, ngoắc xích lô, leo lên. Ngồi trên xe, tôi ôm chặt cái bóp đầm trong tay, chốc chốc lại mân mê quả lựu đạn được giấu kỹ dưới đáy bóp. Giờ phút này, tôi biết, mình phải hết sức bình tĩnh để hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt nhất. 

Xuống xe cách rạp hát một đoạn, tôi men theo vỉa hè, hòa vào dòng người đi tản bộ thong dong. Phố đã bắt đầu lên đèn. Bảng hiệu các cửa hàng ăn uống, mua sắm cũng dần sáng choang ánh điện, khách khứa ra vào tấp nập. Dưới lòng đường, ngoài xe lửa điện, còn lại là xe ngựa và xích lô đạp. Mặc dù bên trong đang sôi sục các cuộc đấu tranh nhưng bộ mặt Sài Gòn vẫn mang đậm chất phồn hoa đô hội, nhịp sống náo nhiệt, xa hoa.

Bà Nguyễn Thị Kim Dung năm 75 tuổi. 

Rạp có 3 cửa. Tôi còn nhớ, phía trên cửa chính gắn một tấm pa-nô lớn ghi tựa đề phim bằng tiếng Pháp: Adieu Chérie (Vĩnh biệt em yêu) cùng với hình cô đào Danielle Darrieux-minh tinh đóng vai nữ chính của phim.

Theo phân công, tôi và một đồng đội nữa vào cửa phía bên phải. Tôi cầm chiếc bóp đầm trên tay. Trong bóp, trái lựu đạn được bọc giấy, đặt dưới đáy, bên trên phủ một chiếc mùi soa, thêm một ít son phấn, mấy tờ tiền và vài viên kẹo. Ngang qua tên lính gác, tôi bình tĩnh một tay bợ bên dưới bóp nắm chặt quả lựu đạn, một tay mở khóa đưa ngang mặt hắn, cố ý cho thấy bên trong chỉ có mấy viên kẹo, đồng thời nở một nụ cười rất duyên. Tên lính gác gương mặt sắc lạnh, hất đầu ra hiệu cho tôi vào.

Bước vào bên trong rạp, tôi cố nén tiếng thở phào nhẹ nhõm. Theo số ghi trên vé, vị trí ngồi của tôi ở sát vách bên phải, gần giữa rạp. Khi tôi vừa ngồi vào ghế cũng đúng lúc đèn trong rạp phụt tắt mở đầu cho buổi chiếu (điều này đã được tính toán sẵn). Theo thông lệ, trước khi vào phim chính, 15 phút đầu là dành cho phim phụ. Theo kế hoạch, tôi sẽ ném lựu đạn vào thời khắc chuyển đổi giữa hai phim.

Dưới hàng ghế, Tây trắng, Tây đen ngồi đầy kín. Khán giả im phăng phắc, chỉ có âm thanh phát ra từ màn ảnh. Không gian như sánh lại. Màn hình trước mặt tôi nhòe đi. Tôi chỉ cảm nhận ở đấy những hình ảnh trăng trắng đen đen chớp tắt, qua lại. Mọi thứ âm thanh đều bị tiếng đập thình thịch liên hồi của trái tim tôi lấn át. 

Trong lúc mọi người đang dán mắt lên màn bạc, tôi mở bóp, lấy lựu đạn ra cầm trên tay và rút chốt. Cần lựu đạn được ép sát giữa hai ngón tay cái và trỏ. Bàn tay tôi dần dần tê cứng. Chỉ cần run tay một chút, cần lựu đạn bật ra, chẳng những trận đánh thất bại, mà tôi sẽ hy sinh. Mười lăm phút chờ đợi với tôi là khoảng thời gian dài nhất mà tôi từng trải qua. Hai mắt tôi căng ra, đếm ngược từng giây chờ đợi cái tích tắc sinh tử ấy. Và nó đã đến.

Phim phụ kết thúc. Màn hình chớp một cái. Trong thời khắc rạp hát bao trùm bóng tối ấy, tôi bậm môi, tung quả lựu đạn ngược về phía sau, xéo vào trong, nơi có nhiều sĩ quan Pháp ngồi tập trung, rồi đưa tay vuốt nhiều lần lên tóc. Một tiếng nổ đanh gọn vang lên. Liền theo đó là hai tiếng nổ nữa của đồng đội nối tiếp theo. Tôi thở phào. Vậy là cả 3 quả lựu đạn đều nổ. Đèn trong rạp vụt sáng lên.

Quang cảnh thật hỗn độn, mọi người mạnh ai nấy tràn ra cửa rạp. Trong tích tắc, cánh cửa rạp bị kéo sập xuống. Tôi bị kẹt lại nên lo tìm cách đối phó. Tôi nghĩ cách làm sao chứng minh mình không liên quan. Nhờ nói thạo tiếng Pháp, tôi trả lời trôi chảy các câu hỏi của cảnh sát và được cho về. Nhưng không lâu sau, tôi bị chỉ điểm và bị bắt. Trận đánh đã làm 50 sĩ quan, binh sĩ Pháp chết và bị thương, trong đó có hai quan năm và tên mật thám Albert”.

Câu chuyện trải qua hơn 72 năm, vẫn vẹn nguyên trong ký ức của nữ chiến sĩ cảm tử. Tôi chào bà ra về với lời cầu nguyện, bà sẽ còn mạnh khỏe thêm nhiều năm nữa, để tôi còn được nghe bà kể về những ngày tử tù ở xà lim Khám lớn, về sự kiện được trao trả tù binh ra Bắc, về những năm tháng vừa nuôi con vừa đi học để trở thành một giảng viên đại học. Đặc biệt là về một mối tình. Đó là tình yêu đầu đời trong trẻo mà theo bà: “Nó đủ sức mạnh để chiến thắng khoảng cách, chiến thắng thời gian. Nhưng vì thời cuộc đẩy đưa nên cả đời này, cả kiếp này chúng tôi đã lạc mất nhau trong vô vọng...”.

NGÔ THỊ THU VÂN