Năm nào cũng vậy, vài tuần trước Tết, ở những thành phố lớn trên nước Đức như: Berlin, Leipzig, Dresden, Hamburg... trong các trung tâm thương mại của người Việt luôn đông đúc hơn những ngày thường rất nhiều. Ở đây, ta có thể cảm nhận không khí đón Tết sôi động không kém gì so với quê nhà. Mọi người rủ nhau mua lá dong, lá chuối, gạo nếp, đậu xanh, thịt, nấm, gia vị để gói bánh. Các loại bánh, kẹo, mứt Tết... liên tục được bổ sung trên các quầy hàng. Ở các cửa hàng của người châu Á, mọi người cũng có thể mua các loại bánh chưng, bánh tét gói sẵn. Đặc biệt, trong những năm gần đây còn bán cả gà trống còn sống để cúng vào mồng Một Tết. Cành đào, cây quất và dưa hành là những thứ không bao giờ thiếu trên các quầy hàng. Rồi cũng từ đây, không khí Tết theo về tận gia đình người Việt trên khắp các miền quê nước Đức. Trong những ngày Tết Việt Nam, mọi người ở Đức vẫn phải đi làm nên sau giờ làm, họ mới tranh thủ gói bánh, sửa sang, làm đẹp bàn thờ tổ tiên để chuẩn bị đón năm mới.

Ở thủ đô Berlin vào chiều Ba mươi Tết, các gia đình đổ về Trung tâm thương mại Đồng Xuân. Tại đây, có một nhà hàng rộng, bố trí cả sân khấu để tổ chức đón Tết tập thể. Năm nào cũng vậy, Đại sứ Việt Nam tại CHLB Đức đều đến chúc Tết bà con ta. Ngoài những món ăn theo truyền thống Tết của người Việt Nam, mọi người còn được thưởng thức những tiết mục văn nghệ, đa phần là tự biên tự diễn. Cũng nhiều dịp đón Tết, bà con ta mời cả các nghệ sĩ trong nước sang biểu diễn. Những cuộc vui xuân như vậy luôn kéo dài quá Giao thừa (theo giờ địa phương), có khi đến gần sáng mồng Một mới kết thúc. Tết Nguyên đán luôn được các hội đoàn tổ chức rất chu đáo. Để có tiết mục văn nghệ đón xuân mới, mọi người hăng say tập luyện trước đó hàng tháng trời.

leftcenterrightdel
 Đêm liên hoan đón Tết Canh Tý 2020 ở Berlin, Đức. Ảnh: NGUYỄN CẢNH

Nơi tôi ở, một hội gia đình Việt Nam đã hình thành gần 20 năm nay. Đến bây giờ đã có 15 gia đình. Chúng tôi thường gặp nhau trong những ngày nghỉ cuối tuần hoặc vào dịp các ngày nghỉ lễ trong năm. Tết Nguyên đán năm nào chúng tôi cũng tổ chức cuộc gặp của hội gia đình nhưng không khi nào có mặt đầy đủ các thành viên, vì có những gia đình về Việt Nam đón Tết. Tôi nhớ cách đây chừng 7, 8 năm, Tết Nguyên đán đúng vào dịp nghỉ cuối tuần. Sau khi phá cỗ, chúng tôi ngồi lại với nhau hàn huyên tới tận khuya, ôn lại kỷ niệm về những cái Tết trên quê nhà. Trong số chúng tôi có người từng là bộ đội. Anh Chu Văn từng chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị vô cùng khốc liệt năm 1972. Anh thường nói với vẻ lạc quan đến lạ: “Khi vào trận, bom đạn tránh mình, chứ không phải mình tránh bom đạn được!”. Vào dịp Tết năm đó, anh kể cho chúng tôi nghe về những lần chết hụt. Có hôm, vào một buổi trưa ở trong Thành cổ, anh không tham gia trực chiến mà phải giúp anh nuôi chuẩn bị bữa ăn. Đúng giờ Ngọ, địch pháo kích vào thành, anh chạy trở lại đơn vị thì cả tiểu đội của anh đã trúng loạt đạn pháo địch của địch và hy sinh. Lại chuyện của Hoàng Vân, đại úy, phục vụ trong một đơn vị vận tải, tham gia trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979. Anh lái xe chở đạn. Có một lần đang xuống dốc, xe bị hỏng phanh cứ thế lao đi, tưởng rằng sẽ lăn xuống vực. Nhưng rất may, xe lao vào tảng đá và đứng sững lại... Cứ như thế, những ngày Tết xa quê của chúng tôi trôi qua với nhiều vui buồn lẫn lộn.

Theo truyền thống, trước Tết, các gia đình người Việt Nam ở CHLB Đức vẫn duy trì lễ tiễn ông Táo về chầu trời vào tối 22, hoặc ngày 23 tháng Chạp. Mỗi khi xem những đoạn clip ghi lại cảnh người Việt trong nước thả cá chép về ao, hồ, người Đức khen ta văn minh. Riêng nếp đi lễ chùa vào ngày Tết thì người Việt ở Đức vẫn duy trì. Vào mồng Một Tết hoặc rằm tháng Giêng, tại các nhà chùa rất đông người Việt  mang hương, lễ đến cúng và xin lộc. Ở Đức có rất nhiều chùa do bà con ta đóng góp tiền để xây dựng, chẳng hạn chùa ở các thành phố: Berlin, Hannover, Frankfurt, Leipzig.

Người Việt Nam đến nước Đức theo nhiều con đường khác nhau. Hàng chục năm trôi qua, những người Việt Nam ở Đức đã có thế hệ thứ hai, thứ ba. Họ được người bản địa đánh giá là một trong những người nước ngoài có sự hội nhập tốt vào nước Đức nhờ sự cần cù chịu khó, nhất là sự chăm chỉ học tập của các học sinh Việt Nam trong các trường ở Đức. Điều đáng nói là con em Việt Nam dù được sinh trưởng ở trong nước hay trên nước Đức, hầu hết đều thông thạo tiếng Việt, biết sống hòa hợp giữa hai nền văn hóa Việt-Đức. Hiện nay, có khoảng 170.000 người Việt ở Đức. Họ đều có điểm chung nhất là luôn hướng về cội nguồn. Điều này được thể hiện rõ nét trong mỗi dịp người Việt Nam ở Đức đón Tết Nguyên đán của dân tộc ta.

TS NGUYỄN CẢNH NHU (từ Cộng hòa Liên bang Đức)