“Khi bước tới cột mốc 108 nằm trên biên giới Việt-Trung (thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng), Người xúc động đứng lặng hồi lâu”... Giây phút thiêng liêng ấy đã được nhà thơ Tố Hữu miêu tả:

Ôi sáng xuân nay, Xuân 41

Trắng rừng biên giới nở hoa mơ

Bác về... Im lặng. Con chim hót

Thánh thót bờ lau, vui ngẩn ngơ...

Mới ngày nào, 30 năm về trước, Người ra đi từ một thanh niên yêu nước, có chí hướng nhưng chưa rõ con đường, nay trở về đã trở thành một chiến sĩ cộng sản quốc tế, một lãnh tụ dân tộc thần tượng với “Đường Kách mệnh” soi sáng lối đi lên.

Bốn tháng sau khi về nước, từ ngày 10 đến 19-5, tại Pác Bó (Cao Bằng), Bác đã chủ trì Hội nghị lần thứ tám của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương. Hội nghị xác định nhiệm vụ giải phóng dân tộc là nhiệm vụ bức thiết của cách mạng Đông Dương. Bác nói: “Trong lúc này, quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này, nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được...”.

Theo sáng kiến của Bác, hội nghị đã thành lập mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi mang tên Việt Nam Độc lập Đồng minh (gọi tắt là Việt Minh) “nhằm liên hiệp hết thảy các giới đồng bào yêu nước không phân biệt giàu nghèo, trẻ già, gái trai, không phân biệt tôn giáo và xu hướng chính trị, đặng cùng nhau mưu cuộc dân tộc giải phóng và sinh tồn”.

Hội nghị Trung ương 8 thực sự là một mốc son chói lọi, dẫn đến thắng lợi huy hoàng của Cách mạng Tháng Tám và việc thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa năm 1945.

leftcenterrightdel
Tác phẩm “Bác Hồ về nước”. Tranh sơn dầu của Trịnh Phòng 

Dấu ấn Bác Hồ năm 1941 mà tôi muốn nói rõ thêm trong bài viết nhỏ này là dấu ấn của Người Cha, người sáng lập và rèn luyện các lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam.

Sau Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ tám, ngay tại Pác Bó, Bác đã tổ chức lớp huấn luyện chính trị-quân sự ngắn hạn cho cán bộ địa phương... Trong các buổi huấn luyện quân sự, Bác giảng về chiến thuật du kích, các hình thức đánh du kích. Cuối tháng 6, Bác yêu cầu các đồng chí Dương Hoài Nam (Võ Nguyên Giáp), Lâm Bá Kiệt (Phạm Văn Đồng) chọn một số thanh niên của tỉnh Cao Bằng đi học lớp vô tuyến điện ở Liễu Châu (Trung Quốc).

Đầu tháng 7, Bác viết bài “Hoan nghênh thanh niên học quân sự” theo kiểu lục bát, trong đó có đoạn:

      Vì giặc Nhật, vì giặc Tây

Thanh niên ta phải ra tay học hành

       Một là học việc nhà binh

Hai là học biết tình hình nước ta

      Thanh niên là chủ nước nhà

Phải cho oanh liệt mới là thanh niên

Tháng 10-1941, đánh dấu một bước chuyển mới.

Tại Pác Bó, Bác gặp đồng chí Lê Thiết Hùng vừa ở Trung Quốc về nước. Sau một thời gian ngắn, Bác giao cho đồng chí Lê Thiết Hùng và Lê Quảng Ba, Hoàng Sâm cùng cộng tác mở lớp huấn luyện quân sự. Sau đó, một buổi trưa, Bác yêu cầu các đồng chí Lê Thiết Hùng, Lê Quảng Ba báo cáo việc thành lập đội vũ trang. Người chỉ định Lê Quảng Ba làm Đội trưởng, Lê Thiết Hùng làm Chính trị viên, Hoàng Sâm làm Đội phó và căn dặn: Huấn luyện xong, toàn đội đi hoạt động ngay. Bác nói thêm với đồng chí Lê Thiết Hùng: “Trước chú quen chỉ huy hàng nghìn người, bây giờ chú thử chỉ huy hàng chục người xem khác nhau ở chỗ nào”.

Tháng 11, ngày 1, Bác viết bài “Ca binh lính” đăng trên Báo Việt Nam độc lập, mở đầu bằng câu:

      Hai tay cầm khẩu súng dài,

Nhắm đi nhắm lại, bắn ai thế này?

Và kết thúc:

      Trong tay đã sẵn súng này,

Quyết quay đánh Nhật, đánh Tây mới đành.

      Tiếng thơm sẽ tạc sử xanh:

“Việt binh cứu quốc” rạng danh muôn đời!

Sau khi quyết định thành lập đội vũ trang đầu tiên ở Cao Bằng, Bác đã biên soạn “Mười điều kỷ luật” và “Chiến thuật cơ bản của du kích” cho các đội viên học tập và trực tiếp huấn luyện họ.

Xin nói thêm một điều: Trong năm 1941, mặc dù bộn bề công việc, Bác vẫn dành công sức hoàn thành cuốn “Cách đánh du kích” gồm 13 chương, một trong những tác phẩm đầu tiên của Bác về quân sự. Tác phẩm được phổ biến trong các đoàn thể cách mạng thời kỳ 1941-1945. Tháng 5-1944, “Cách đánh du kích” được Tổng bộ Việt Minh xuất bản và phát hành rộng rãi, ngoài bìa sách ghi “Chiến thuật du kích”. Cuốn sách được dùng làm tài liệu huấn luyện tại các trường quân-chính ở Việt Bắc trong những ngày chuẩn bị cuộc Cách mạng Tháng Tám.  

Nhà báo HÀ ĐĂNG