Tết đáng nhớ trên đất bạn

Hơn 40 năm quân ngũ đã trôi qua trong cuộc đời của Trung tướng Trần Quang Trung, nhưng như chia sẻ của ông thì cảm xúc của những ngày đầu khoác trên mình bộ quân phục màu xanh, rồi sang nước bạn làm nghĩa vụ quốc tế trong đội hình Quân đội nhân dân Việt Nam đến giờ ông vẫn nhớ như in.

Vốn là học sinh giỏi môn Toán của tỉnh Bình Trị Thiên (trước đây), Trần Quang Trung ôm ấp ước mơ sau này trở thành một nhà khoa học chuyên ngành tự nhiên. Ông kể: “Cơ duyên đến với quân đội của tôi rất tình cờ. Năm ấy, tôi đã cầm trên tay giấy báo trúng tuyển vào Trường Đại học Sư phạm Huế và Trường Đại học Tổng hợp Huế. Nhưng chiến tranh biên giới Tây Nam, rồi chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra, tình hình diễn biến phức tạp, cả nước sục sôi tinh thần chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Thế là tôi lên đường nhập ngũ”.  

Trung tướng Trần Quang Trung (hàng đầu, thứ sáu, từ trái sang) cùng các đồng đội từng công tác tại Tiểu đoàn 33, Sư đoàn 9, Quân đoàn 4 (tháng 12-2020). Ảnh:PHẠM TUỆ. 

Tháng 8-1980, chàng trai trẻ Trần Quang Trung chính thức vào bộ đội, được biên chế về Trung đoàn 19, Sư đoàn 968, Binh đoàn 678 (sau này Sư đoàn 968 trực thuộc Quân khu 4). Cùng đơn vị hành quân sang làm nhiệm vụ quốc tế ở nước bạn, Trần Quang Trung say sưa công tác với suy nghĩ kết thúc nghĩa vụ quân sự sẽ tiếp tục thực hiện ước mơ của mình. Ông cũng báo cáo ý định này với cấp trên. Làm việc cần mẫn, nghiêm túc, lại có tố chất nên các thủ trưởng động viên Trần Quang Trung yên tâm, khi có điều kiện sẽ cử đi đào tạo ở các trường trong quân đội. Đúng một năm sau, Trần Quang Trung được đơn vị cử đi đào tạo sĩ quan hậu cần. Từ đây, con đường binh nghiệp của ông được nối dài với biết bao thay đổi, thăng trầm, có những lúc đứng giữa lằn ranh sinh tử, nhưng kỷ niệm của năm đầu quân ngũ mãi là ký ức không phai mờ trong ông. Nhất là dịp Tết cổ truyền dân tộc năm ấy.

“Cuộc sống của chiến sĩ mới những ngày đó nhiều gian nan. Sau hơn một ngày hành quân đến điểm đóng quân của đơn vị, chúng tôi khi thì đi bộ, lúc ngồi trên xe tải vượt qua những đoạn đường xấu với cơ man là “ổ voi”, “ổ gà”. Cũng như nhiều bạn trẻ hồi ấy, đêm đầu tiên khi đơn vị vượt sông sang nước bạn, tôi đã rơi nước mắt vì nhớ nhà”-Trung tướng Trần Quang Trung nhớ lại.

Mục tiêu của Trung đoàn 19 là bảo vệ chính quyền nước bạn. Những đêm gác, đi tuần tra... đơn vị đã có không ít lần chiến đấu rất ác liệt với địch. Giữa bối cảnh ấy, bộ đội, nhất là những người lính trẻ luôn được động viên kịp thời. Và dịp Tết Nguyên đán Tân Dậu 1981, Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị sang biểu diễn phục vụ bộ đội. Đêm đoàn biểu diễn, Trần Quang Trung làm nhiệm vụ canh gác bảo vệ. “Vị trí được phân công của tôi ngay sau cánh gà. Lúc chuẩn bị biểu diễn, nghệ sĩ Tường Vy bước ra ngoài. Thấy tôi trẻ măng, đeo súng bên người, đứng gác nghiêm túc, cô lại gần hỏi thăm, xoa đầu tôi như người thân và dặn: “Cháu sắp xếp thời gian, lát ra xem các nghệ sĩ biểu diễn nhé!”. Mặc dù rất xúc động nhưng tôi vẫn chấp hành mệnh lệnh, nghiêm túc thực hiện cho đến khi kết thúc phiên gác. Chẳng ngờ kết thúc đêm diễn, nghệ sĩ Tường Vy vẫn quay lại tìm tôi. Dù không được ở phía trước sân khấu nhưng tôi nói với cô: “Cháu đã nghe hết ca khúc “Cô gái vót chông”, cô hát rất hay”-Trung tướng Trần Quang Trung kể.

Người lính trẻ Trần Quang Trung sau khi về nước học, tốt nghiệp sĩ quan hậu cần còn được đón 4 cái Tết cổ truyền của dân tộc ở nước bạn Campuchia trên cương vị là trợ lý hậu cần, rồi phó đại đội trưởng về chính trị của một đơn vị thuộc Sư đoàn 9, Quân đoàn 4. Campuchia là chiến trường ác liệt, khi mà địch luôn lẩn khuất quanh đơn vị của ta. Bộ đội tình nguyện Việt Nam rất vất vả, liên tục truy quét tàn quân Pol Pot trên nhiều địa bàn phức tạp. Việc thiếu nước và thiếu lương thực, thực phẩm khá phổ biến. Ban ngày, lính Khmer Đỏ có thể là những người lao động thuần túy, nhưng khi đêm xuống lại là những tên “khát máu”, tập kích bộ đội ta. Vì vậy, theo lời kể của ông, càng vào những dịp lễ, tết, bộ đội càng phải đề cao cảnh giác, tinh thần chiến đấu đẩy lên mức cao hơn. Trong trí nhớ của ông, không có hình ảnh Tết cổ truyền với các hoạt động mừng xuân mới như khi ở trong nước. “Tất nhiên chúng tôi vẫn cố gắng sắm đầy đủ theo khả năng cho phép của mình, tự bảo đảm và san sẻ cho nhau. Cũng có bánh chưng, một ít bánh kẹo, văn nghệ thì anh em tự biên tự diễn... Khó khăn, vất vả là thế nhưng đó lại là kỷ niệm mà tôi không bao giờ quên. Những năm sau này, mỗi dịp Tết đến, xuân về, tôi vẫn không khỏi xúc động nhớ về những mùa xuân mình từng trải qua trên nước bạn!”-Trung tướng Trần Quang Trung nói.

Lá thư hai màu mực và lần chết hụt

Trong câu chuyện với chúng tôi, Trung tướng Trần Quang Trung còn kể lại hai kỷ niệm khó quên.

Kỷ niệm thứ nhất là khoảng cuối năm 1984, khi ông tốt nghiệp Trường Sĩ quan Hậu cần, về Sư đoàn 9, Quân đoàn 4 nhận công tác và được điều sang làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia. Do điều kiện lúc bấy giờ việc đi lại khó khăn, phải chờ 2-3 tháng mới có xe của đơn vị đưa bộ đội sang nước bạn. Ông kể: “Ngày lên đường, anh em chúng tôi cứ thấy xe đến đón bộ đội là chủ động lên. Hôm ấy, tôi đang viết thư gửi về cho chú ruột là Trần Đức Thuẩn, công tác tại Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Trị Thiên thì bút hết mực, tôi đành viết tiếp bằng chiếc bút đỏ sẵn có để kịp lên chuyến xe cuối cùng. Không hiểu thế nào, đồng chí cán bộ phụ trách không kiểm tra đối chiếu danh sách đã gửi điện báo về quê nhà là tôi bỏ ngũ. Gia đình tôi bị một phen lao đao. Đã thế, chú tôi lại nhận được bức thư hai màu mực tôi viết vội gửi về nên càng hoang mang. Trong suy nghĩ của chú, tôi là người cẩn thận, chu đáo, nay viết lá thư như thế đúng lúc có điện của đơn vị báo về thì khả năng tôi bỏ ngũ rất cao. Mặc dù là gia đình cách mạng, bác tôi là liệt sĩ, bố và chú đều là thương binh, những người thân của tôi vẫn “bị cấm” mọi hoạt động, em gái tôi còn không được cho đi học đại học... Khi biết chuyện, tôi đề nghị cơ quan cán bộ, trực tiếp là đồng chí phụ trách đón nhận quân lần ấy cải chính, nhưng đồng chí này trù trừ không làm. Càng để sự việc kéo dài thì gia đình tôi càng khổ, may sao, tôi gặp được đồng chí Trần Đức Túy, Phó trưởng phòng Hậu cần Sư đoàn 9 đang thực hiện nhiệm vụ tại Battambang. Sau khi tìm hiểu kỹ ngọn ngành câu chuyện, ngay lập tức, anh Túy viết thư gửi về nước. Gần 6 tháng sau, thông báo làm rõ sự việc mới về tới địa phương. Tôi được minh oan, còn gia đình tôi “thoát nạn”.

Sau sự việc hy hữu ấy, trợ lý hậu cần Trần Quang Trung yên tâm công tác. Ông cùng đồng đội tổ chức bảo đảm hậu cần, lương thực, thực phẩm cho các đơn vị của sư đoàn. Có mặt ở nhiều chiến trường ác liệt, đi qua các tỉnh: Kampong Cham, Kampong Thom, Siem Reap, Paillin... là những địa bàn trọng yếu của quân Pol Pot, khắp nơi chúng đặt mìn. Và ông đã chết hụt trong một lần thực hiện nhiệm vụ vào mùa khô năm 1984-1985. Hôm ấy, cùng đi với ông có đồng chí lái xe và đồng chí nhân viên tên Uyên (quê Hải Phòng). “Tôi là sĩ quan nên Uyên đề nghị tôi vào trong ca bin ngồi cho thoải mái. Nhưng tôi từ chối và tiếp tục ngồi lên trên bao gạo xếp phía sau thùng xe. Chẳng ngờ khi xe chuẩn bị qua cầu thì vướng mìn, loạng choạng lật nghiêng. Do ngồi bên ngoài, tôi cùng bao gạo văng khỏi xe, rơi xuống hồ nước. Rất may bao gạo rơi xuống trước như tấm đệm đỡ tôi, còn đồng chí Uyên bật ra khỏi ca bin. Khi chúng tôi được nhân dân kéo lên, tôi còn nghe loáng thoáng tiếng đồng chí Uyên thì thào: “Chắc em chết mất!”. Lần ấy, tôi bị chấn thương cột sống. Di chứng để lại đến nay là mỗi khi trở trời, một bên chân trái vẫn bị tê. Còn đồng chí Uyên bị thương nặng hơn, được chuyển về đội điều trị”-Trung tướng Trần Quang Trung nhớ lại.

Sau lần chết hụt ấy, thương binh Trần Quang Trung phải nỗ lực nhiều hơn người khác để trở lại đội hình đơn vị. Trải qua các cương vị công tác, ông đã có nhiều đóng góp cho quân đội. Ông là người khởi xướng nhiều cuộc vận động, phong trào của ngành hậu cần quân đội khi công tác ở các đơn vị thuộc Tổng cục Hậu cần. Trong đó, đặc biệt ấn tượng là cuộc vận động hiến tặng kỷ vật kháng chiến ngành hậu cần quân đội. Ông từng trực tiếp tìm gặp các nhân chứng, “truy vết hiện vật” rồi kêu gọi các nguồn lực hỗ trợ đầu tư để phục hồi, bảo tồn nhiều hiện vật có giá trị. Hiện nay, trong bộ sưu tầm gồm hàng vạn kỷ vật đang lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Hậu cần có đóng góp không nhỏ của “người mở lối” là Trung tướng Trần Quang Trung.

BÍCH TRANG