Tôi là một trong những người Mỹ bị Quân Giải phóng bắt trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, một sự kiện nổi bật theo nhiều nghĩa.

Ngày 7-2-1968, từ sân bay Đà Nẵng, chiếc trực thăng do tôi phụ trách thực thi nhiệm vụ ở Quảng Trị, khi quay về thì bị bắn rơi gần thị xã Quảng Trị, ở sát làng Hải Tân. Phi hành đoàn của tôi bị bắt cùng với hai sĩ quan Mỹ. Sau vài tháng hành trình ra Bắc theo Đường Hồ Chí Minh, chúng tôi đến địa phận Nghệ An và trú tại một làng nhỏ của tỉnh này trong suốt mùa hè và mùa thu. Sau đó, chúng tôi bị giải về tỉnh Hà Tây (nay đã sáp nhập vào Hà Nội). Chính tại đây, chúng tôi được trải nghiệm Tết Việt Nam lần đầu tiên.

leftcenterrightdel
Ông Robert Chenoweth (thứ tư, từ trái sang) và đồng nghiệp chụp ảnh lưu niệm cùng các cựu cán bộ quản giáo. Ảnh: Nguyễn Anh Tuấn 

Ở trại Sơn Tây vài tháng, chúng tôi được nghe người chỉ huy trại nói chuyện về ngày lễ mừng năm mới sắp tới. Chúng tôi được biết, Tết là một truyền thống dân gian quan trọng nhất ở Việt Nam. Đây là khởi đầu cho năm mới theo âm lịch. Có rất nhiều biểu tượng gắn với ngày Tết và hoạt động đón Tết bắt đầu khá sớm trước khi những ngày lễ chính bắt đầu. Tôi hiểu thêm đôi chút về vòng hoàng đạo theo âm lịch, loại lịch dùng các con vật để làm biểu tượng cho từng năm của một chu kỳ 12 năm (một giáp). Một người phiên dịch cho chúng tôi biết về tên con vật của năm mới. Đó là con gà (năm 1969-Kỷ Dậu). Điều này gợi cho tôi một ý tưởng.

Theo phân công, tôi và một số tù binh làm một tạp chí cho trại, gọi là tờ Cuộc sống mới (New Life). Trên tờ này, chúng tôi viết về những cảm xúc và những trải nghiệm trong chiến tranh. Chúng tôi cũng đăng các bài thơ, các bản nhạc tự soạn lên tờ báo. Tôi là người chịu trách nhiệm vẽ tranh minh họa và bìa cho tạp chí. Số Tết 1969 ấy, tôi quyết định làm tranh bìa với hình con gà đuổi con khỉ!

Hoạt động mừng lễ Giáng sinh của trại diễn ra một tháng trước đó. Cán bộ của trại đã thể hiện khả năng tổ chức khá cao trong chuẩn bị tiệc mừng Giáng sinh, khi chúng tôi được dự một số buổi liên hoan đặc biệt với một vài món ăn cầu kỳ. Đa số tù binh Mỹ xúc động mạnh, rất nhớ gia đình của mình. Chúng tôi không có điều kiện cho gia đình biết là mình vẫn còn sống. Chúng tôi hiểu rằng, ở Việt Nam vào dịp Tết Nguyên đán, ai ai cũng hy vọng được quây quần với gia đình mình. Cuộc chiến tranh của Mỹ làm cho cái Tết Việt khó khăn, chật vật hơn nhiều so với trí tưởng tượng của con người. Những ai may mắn được tạo điều kiện thì có thể về nhà một đôi ngày, nhưng nhiều người Việt đã không thể. Mỗi dịp xuân về, chúng tôi chuyện trò nhiều hơn với bộ đội cảnh vệ và những người phiên dịch về phong tục ngày Tết. Chúng tôi hiểu rằng, Tết tương tự như lễ Giáng sinh.

Đón Tết, các tù binh Mỹ quét dọn phòng mình, lau rửa mọi đồ dùng. Chúng tôi vẫn thường làm việc này nhưng cảnh vệ Việt Nam đề nghị chúng tôi làm đặc biệt kỹ, vì sẽ không quét dọn nhà vào mồng Một Tết. Chúng tôi được biết, tục dọn dẹp nhà cửa và nhất là bàn thờ gia tiên chính là để người Việt tỏ lòng tôn kính tổ tiên. Còn nếu anh quét dọn vào mồng Một Tết, thì về mặt biểu tượng, anh đang quét đi “lộc” của mình. Chúng tôi cũng được biết về sự tích ông Thần Bếp (Táo Quân), vị thần chủ trì việc quản gia trong mọi nhà, ngay trước Tết phải bay về trời để tâu với Ngọc Hoàng về những gì gia đình đã làm trong năm vừa qua.

leftcenterrightdel
Trước một chuyến thăm Việt Nam, ông Robert Chenoweth đã sửa soạn các đồ dùng thời kỳ ở trại tù binh để tặng Ban quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) làm hiện vật. Ảnh: The Washington Post 

Đêm Giao thừa, chúng tôi nghe các bản nhạc cổ điển qua hệ thống loa phóng thanh và được phát một phần quà Tết gồm kẹo, bánh, hoa quả. Sáng mồng Một, ông chỉ huy trại và các cảnh vệ tới gặp, thết các món ăn đặc sản Tết, gồm cả bánh chưng và nước mắm. Chúng tôi trước đó đã biết về sự tích bánh chưng và đã sẵn sàng để thưởng thức lần đầu tiên. Tôi tháo lạt, mở lớp lá gói bánh, gỡ miếng bánh chưng có màu xanh ra khỏi lớp lá. Chúng tôi đặt bánh lên đĩa, dùng dao cắt. Vừa nếm một miếng, tôi sửng sốt vì hương vị của nó và lập tức thích món ăn Việt này. Một số bạn tù không hân hoan như tôi, nhưng điều này là chấp nhận được vì mỗi người một khẩu vị. Một số người khác không chịu được hương vị nước mắm, nhưng riêng với tôi, chấm đẫm một miếng bánh chưng vào nước mắm rồi đưa lên miệng quả là tuyệt trần đời.

Đêm đó, chúng tôi tới hội trường của trại. Hội trường được trang hoàng những cành đào và những bức tranh Đông Hồ trên tường. Một bàn thờ được dựng ở mặt tiền. Chúng tôi ngồi nghe người chỉ huy trại nói về ý nghĩa của ngày Tết đối với người Việt. Ông cũng nhắc chúng tôi về những gian khó mà cuộc chiến tranh đem lại, không chỉ với người dân Việt mà cả những người Mỹ. Ông hiểu rằng các tù binh Mỹ đều muốn sum họp với gia đình mình. Chúng tôi vui vẻ tham dự tối giao lưu ấy, quay về phòng với nhiều hoa quả và các món ăn ngày Tết khác. Chúng tôi uống chút rượu cam, thưởng thức hương vị của nó.

Ngày Tết đầu tiên ấy tại một trại nhỏ ở phía tây Hà Nội trở thành ký ức sâu đậm trong tôi. Tôi học hỏi được nhiều điều về truyền thống Việt Nam và bắt đầu có cảm nhận sâu sắc về tình cảm gia đình cũng như những nét văn hóa mà người Việt chia sẻ với nhau. Điều này làm mạnh mẽ hơn trong tôi cảm nhận về những bi kịch gây ra bởi cuộc chiến tranh. Và nó còn khởi nguồn sự biết ơn với người Việt về những điều họ đã làm để giúp chúng tôi, san sẻ những điều kiện ít ỏi mà họ được trang bị để tăng cường sự hiểu biết cho chúng tôi, nhằm làm cho hoàn cảnh của những tù binh chúng tôi trở nên dễ chịu hơn. Mỗi khi ngẫm lại năm đầu tiên ấy trong thân phận tù binh chiến tranh ở Việt Nam, tôi lại thấy mình là một người may mắn.

Nay ở Mỹ, hằng năm tôi vẫn tổ chức đón năm mới kiểu Việt Nam. Tôi “ăn Tết” Việt với gia đình và bè bạn. Không chỉ tổ chức một bữa cỗ Tết tại nhà mình, tôi còn đặt làm tiệc Tết Việt tại một quán ăn gần nơi mình ở. Nhờ những dịp như thế, tôi có thể hồi tưởng những ngày ở Việt Nam và chia sẻ ký ức đó với những người mình yêu mến. Hiện nay, những thứ cần thiết để ăn Tết Việt ở Mỹ đã thuận lợi hơn. Bạn bè của tôi đi Việt Nam thường mang về cho tôi những đồ cần thiết để trang hoàng ngày Tết.

Khi được chuyển về Hà Nội, chúng tôi làm việc trong bếp ở 17 Lý Nam Đế (tù binh Mỹ gọi là Khu vườn cây-The Plantation). Ở đó, tôi đã học được cách làm bánh chưng và nem. Món này ngon tuyệt. Tôi phải nói rằng đã có những trải nghiệm thú vị với các món Việt, nhất là tại các nhà hàng ở Mỹ. Tôi thường cố tìm thời gian để đến các quán ăn mình dự định đặt tiệc Tết và bàn về những món tôi sẽ đặt. Trong trường hợp họ bảo không biết làm bánh chưng, tôi sẽ tự làm ở nhà rồi mang đến bàn tiệc để mọi người đều được thưởng thức. Thường thì các đầu bếp và chủ nhà hàng ở Mỹ ngạc nhiên với những món Việt tôi làm và đề nghị tôi làm thêm vài suất cho họ. Dĩ nhiên họ muốn biết tôi đã học cách làm các món Việt này ra sao, nhưng tôi chỉ đáp: “Chuyện này dài”.

Nhiều năm qua, tôi đã có những dịp để giới thiệu cho nhiều người về những tục lệ và truyền thuyết liên quan đến Tết Việt và hầu hết người nghe đều cảm thấy thú vị. Tôi luôn nghĩ rằng người Mỹ chúng tôi, đặc biệt là cựu binh, có nghĩa vụ phải nghiên cứu về những người một thời là “đối phương”. Một ước mơ của tôi cần được hiện thực hóa là sang ăn Tết ở nước Việt Nam hiện đại. Nhưng ăn Tết ở Việt Nam nếu chỉ đi một mình sẽ khó cảm nhận được trọn vẹn. Tôi muốn cùng đi với hai con trai của mình để các cháu cùng trải nghiệm...

LÊ ĐỖ HUY (trích dịch)