Chính quyền đô thị đáp ứng sự phát triển

Với sự phát triển nhanh, bền vững, từ năm 2007, TP Hồ Chí Minh đã ấp ủ đề án chính quyền đô thị. Đến năm 2013, đề án được chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành và xu hướng phát triển của thành phố, của đất nước. Những năm tiếp theo, đề án chính quyền đô thị đã được lãnh đạo TP Hồ Chí Minh hoàn thiện chặt chẽ hơn, trên cơ sở đóng góp ý kiến từ các cơ quan chức năng của Quốc hội, Chính phủ và nhân dân.

 TP Hồ Chí Minh đang trên con đường hội nhập, phát triển, rất cần tổ chức chính quyền đô thị.

10 năm trở lại đây, TP Hồ Chí Minh đã có những bước phát triển rất mạnh mẽ. Tính đến nay, các hoạt động dịch vụ, công nghiệp-xây dựng, tài chính-ngân hàng, thị trường, nông nghiệp... đều chuyển biến nhanh chóng, giá trị ngày càng cao. Thành phố luôn xứng đáng với vai trò đầu tàu về kinh tế của cả nước. Và điều đáng quan tâm hơn cả là mức sống cũng như sự hài lòng của người dân đối với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP Hồ Chí Minh ngày càng cao.

Nếu như năm 2015, đầu tư nước ngoài của TP Hồ Chí Minh chiếm 13,4% so với cả nước, năm 2017 chiếm 14,2%, đến năm 2018 và 2019 đã chiếm 14,7%. Giai đoạn 2011-2019, kinh tế thành phố chiếm hơn 22% kinh tế cả nước. Nếu như giai đoạn 2001-2010, bình quân thành phố đóng góp khoảng 26,5% cho ngân sách nhà nước thì giai đoạn 2011-2019 đóng góp 27,5%. Ngay cả khi bị ảnh hưởng lớn bởi đại dịch Covid-19, kinh tế thành phố đạt mức tăng trưởng 1,39% so với cùng kỳ (không để tăng trưởng GRDP âm).

Tuy nhiên, một đô thị phát triển cần phải có mô hình chính quyền phù hợp. Đó là chính quyền đô thị để quản lý và điều hành mới bảo đảm tính năng động, hiệu quả và phát triển nhanh, nhất là trong giai đoạn xây dựng đô thị thông minh hiện nay ở TP Hồ Chí Minh. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 cũng khẳng định: TP Hồ Chí Minh sẽ cần một bộ máy chính quyền đô thị hiện đại. Đó là chính quyền tinh gọn, minh bạch, hoạt động hiệu quả dưới sự lãnh đạo của Đảng và bảo đảm phát huy quyền làm chủ của nhân dân.

Bộ máy phù hợp, giám sát chặt chẽ

Trong đề án chính quyền đô thị, TP Hồ Chí Minh đi sâu vào những nội dung sắp xếp lại các đơn vị hành chính; không tổ chức hội đồng nhân dân (HĐND) ở cấp quận, phường; có các cơ chế, chính sách đặc thù khi bộ máy được tinh gọn. Với chính quyền đô thị, TP Hồ Chí Minh sẽ tinh giản các đại biểu chuyên trách của HĐND cấp quận, phường, tiết kiệm cho ngân sách gần 1.200 tỷ đồng mỗi năm. Ngày 9-12-2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thành lập TP Thủ Đức. Điều này càng khẳng định tính đúng đắn, sáng tạo của TP Hồ Chí Minh trong xây dựng đề án chính quyền đô thị, trong đó có việc thành lập TP Thủ Đức theo mô hình “thành phố trong thành phố”.

Trao đổi với báo chi sau thành công của Đại hội Đảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho rằng: “Quá trình xây dựng đề án chính quyền đô thị được thành phố chuẩn bị kỹ lưỡng hơn 10 năm. Tới đây, bộ máy sẽ được tổ chức lại cho phù hợp. Chính quyền đô thị phải hoạt động hiệu quả, phải thực sự vì dân và vì sự phát triển của thành phố”. Bộ máy phù hợp ở đây phải thật tinh lọc, hợp lý, quản lý và điều hành tốt mọi hoạt động của thành phố. Chính quyền đô thị sẽ giúp thành phố tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và hướng đến tính minh bạch trong hoạt động quản lý, góp phần xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Bộ máy bao gồm những người ưu tú nhất, có đức, có tài, có trách nhiệm cao với công việc và tuyệt đối trung thành với Đảng, với nhân dân.

Tổ chức chính quyền đô thị, một đòi hỏi cấp thiết là phải tăng cường sự giám sát. Hiện TP Hồ Chí Minh đang tăng cường thêm 4 cơ chế mới để giám sát các hoạt động của chính quyền. Ngoài ra, Thành ủy cũng rà soát và đồng bộ hóa nhiệm vụ giám sát, thanh tra và kiểm tra của 4 cơ quan, gồm: Quốc hội, HĐND, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, thanh tra của chính quyền và kiểm tra của Đảng.

Một góc TP Hồ Chí Minh nhìn từ sông Sài Gòn. 

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, được Bộ Chính trị giao phụ trách theo dõi, chỉ đạo Thành ủy TP Hồ Chí Minh nhận định ngay sau khi Kỳ họp lần thứ mười, Quốc hội khóa XIV kết thúc: “Quốc hội đã có Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị ở TP Hồ Chí Minh và thành lập TP Thủ Đức, điều này rất thuận lợi cho thành phố chuẩn bị tốt nhất cho công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 vào năm 2021”. Hiện nay, thành phố đang phát triển nhiều kênh giám sát hoạt động của chính quyền. Đó là tăng cường công tác tiếp xúc cử tri, tiếp xúc với người dân; ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử để mọi vấn đề phản ánh của người dân sẽ được giải quyết kịp thời và người dân có thể kiểm tra, giám sát.

Cải thiện môi trường đầu tư

Cùng với xây dựng chính quyền đô thị, vấn đề cải thiện môi trường đầu tư là đòi hỏi cấp thiết ở TP Hồ Chí Minh. Những năm gần đây, chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của thành phố ngày càng giảm. Lựa chọn năm 2021 là năm “Xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư”, TP Hồ Chí Minh đặt quyết tâm tăng chỉ số PCI. Mục tiêu cao hơn là có nhiều dự án, nhất là các dự án trọng điểm trong xây dựng đô thị thông minh, công nghệ cao, xây dựng các công trình lớn... của thành phố sẽ hấp dẫn các nhà đầu tư. Theo Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong, muốn thu hút các nhà đầu tư, dứt khoát phải cải thiện môi trường đầu tư, phải tạo sự thông thoáng, bảo đảm lợi ích của Nhà nước và nhà đầu tư.

Vấn đề trước mắt, thành phố phải nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, sở, ngành trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; xây dựng kế hoạch cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư, sản xuất, trong đó đáp ứng các yêu cầu: Có thời hạn giải quyết, có người chịu trách nhiệm, có sự tham gia của doanh nghiệp trong xây dựng quy trình và đánh giá thực hiện quy trình quản lý, có sự giám sát của Mặt trận Tổ quốc, HĐND và có chế tài xử lý. Cùng với đó là tăng cường các giải pháp cải cách hành chính, tăng tỷ lệ giải quyết hồ sơ, chống nhũng nhiễu, phiền hà và thủ tục rườm rà. Rà soát, xử lý các dự án chậm triển khai, bảo đảm quyền lợi của người sử dụng đất. TP Hồ Chí Minh sẽ xây dựng và công bố các dự án kêu gọi đầu tư theo từng giai đoạn, từng lĩnh vực ưu tiên, có chính sách, cơ chế ưu tiên và hỗ trợ nhà đầu tư sử dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ mới...

Năm 2021 với nhiều hứa hẹn và hy vọng với những quyết tâm cao độ của lãnh đạo và nhân dân, TP Hồ Chí Minh sẽ có một năm đại thành công trong xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư. Thông qua đó, các chủ trương, quyết sách của chính quyền sẽ được nhanh chóng, hiệu quả, hợp với lòng dân và doanh nghiệp, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XI và Đại hội lần thứ XIII của Đảng, xứng đáng với tiềm năng, thế mạnh và truyền thống của TP Hồ Chí Minh “rực rỡ tên vàng”, Thành phố mang tên Bác kính yêu.

TP Hồ Chí Minh, tháng 12-2020

Bài và ảnh: LÊ PHI HÙNG