Tấm bia được dựng ngay bên cổng vào khu di tích khiến du khách đến tham quan Trường Dục Thanh như cảm thấy thầy giáo Nguyễn Tất Thành vẫn đang giảng bài trong lớp học thân thương.

Dẫn các em học sinh tham quan Di tích Dục Thanh học hiệu và những hình ảnh, tư liệu triển lãm với chủ đề “Học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trưng bày trong khuôn viên di tích, thầy Đỗ Minh Hòa, Phụ trách Đội (Trường THCS Trần Phú, TP Phan Thiết) giới thiệu tỉ mỉ từng hiện vật còn lưu lại vẹn nguyên như thời thầy giáo Nguyễn Tất Thành dạy học năm xưa. Cây khế Người chăm sóc hằng ngày, giếng nước trong mát, bộ trường kỷ Người ngồi, bộ ván gỗ nơi Người ngủ mỗi đêm, chiếc án thư, tủ đựng tư trang cá nhân, tráp văn thư, nghiên mài mực, khay và ly uống nước Người dùng... Tất cả hiện vật, cây cối được chăm sóc, bảo tồn cẩn thận, tạo cho ngôi trường cảm giác thân thương, gần gũi...

leftcenterrightdel
Học sinh Trường THCS Trần Phú (TP Phan Thiết) tham quan Khu di tích lịch sử Trường Dục Thanh. 

Thầy Đỗ Minh Hòa cho biết: “Theo sử liệu, khoảng tháng 2-1911, tức đầu Xuân Tân Hợi 1911, thầy giáo Nguyễn Tất Thành đón cái Tết đầu tiên ở miền Nam trước khi vào Sài Gòn bắt đầu hành trình bôn ba tìm đường cứu nước. Quá trình dạy học ở Trường Dục Thanh, ngoài dạy chữ, rèn thể chất cho học sinh, Người còn truyền đạt những kiến thức văn hóa, tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức bảo vệ tổ tiên, giống nòi... Tưởng nhớ công lao của Người, cứ vào dịp Tết hằng năm, Trường THCS Trần Phú đều tổ chức cho học sinh tham quan cụm di tích Trường Dục Thanh - Bảo tàng Hồ Chí Minh-Chi nhánh tỉnh Bình Thuận để giáo dục tinh thần hiếu học, tình yêu quê hương, đất nước và bồi đắp lý tưởng cách mạng cho các em”. Chăm chú quan sát từng hiện vật, nhiều học sinh ghi chép tỉ mỉ những chi tiết bổ ích vào sổ tay để làm tư liệu. Em Trần Nhật Tiến, học sinh Lớp 8A2, Trường THCS Trần Phú bộc bạch: “Được chiêm ngưỡng những kỷ vật vô giá một thời gắn liền với Bác Hồ kính yêu, chúng em càng hiểu sâu sắc hơn về phong cách sống giản dị, tấm gương đạo đức ngời sáng và nhân lên niềm tôn kính Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại”.

Với giá trị lịch sử và vị trí thuận lợi cả về giao thông đường bộ, đường thủy, kết nối với Bảo tàng Hồ Chí Minh-Chi nhánh tỉnh Bình Thuận cùng nhiều danh thắng trên địa bàn, nhiều năm nay, Khu di tích lịch sử Trường Dục Thanh trở thành trung tâm sinh hoạt chính trị, văn hóa, điểm đến du lịch của tỉnh Bình Thuận. Xuân này, ngành văn hóa tỉnh Bình Thuận tổ chức triển lãm, trưng bày hình ảnh, tư liệu về “Những tấm gương bình dị mà cao quý” và những tác phẩm văn học nghệ thuật, sáng tác, quảng bá việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ngay trong khuôn viên di tích, gần tấm bia đá khắc chân dung Bác Hồ kính yêu. Đồng chí Nguyễn Văn Quỳ, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bình Thuận cho biết: "Đầu xuân du khách đến Bình Thuận khá đông, trong đó Khu di tích lịch sử Trường Dục Thanh là một trong những điểm đến lý tưởng. Bởi vậy, chúng tôi kết hợp tu bổ, chỉnh trang di tích với trưng bày hình ảnh, tư liệu về Người để tăng hiệu quả tuyên truyền, lan tỏa tấm gương, việc làm theo Bác; đồng thời tạo cho du khách có thêm điểm tham quan bổ ích để kỳ nghỉ Tết thêm ý nghĩa".

Bài và ảnh: HOÀNG THÀNH