Trường hợp tôi đang nói tới đây thì hoạt động của họ (youtuber Vi Văn Tú ở tỉnh Yên Bái và youtuber Nguyễn Tất Thắng ở tỉnh Hà Giang) có xu hướng vượt ra khỏi giới hạn thiện nguyện để vươn tới mục tiêu phát triển cộng đồng. Điều đáng lưu ý nhất ở mô hình này là quá trình huy động nguồn tài trợ để phát triển sản xuất, xây dựng nhà ở, nhà cộng đồng, trường học, làm đường, làm cầu cống cho thôn, bản của các youtuber. Các hoạt động này đều xuất phát từ cộng đồng, được lãnh đạo thôn, bản (trưởng thôn và bí thư chi bộ) tham góp và chính quyền xã chấp thuận, tạo điều kiện giúp đỡ. Hàng chục gia đình ở hai thôn Lũng Cán (Yên Bái) và Đán Dầu (Hà Giang) đã được giúp làm nhà ở, mua sắm đồ dùng, quần áo, hỗ trợ cây, con giống để thoát nghèo. Đặc biệt, từ chương trình này, nhiều đường bê tông thôn, bản, cầu cống và nhà sinh hoạt cộng đồng được xây dựng. Tôi nhận thấy ưu điểm của mô hình này là: (1) Được đề xuất từ chính người dân; (2) Người hỗ trợ cung cấp kinh phí và người dân trong cộng đồng bỏ công sức thực hiện; (3) Mọi sự trợ giúp về tài chính và hiện vật đều được công khai và minh bạch thông qua mạng xã hội; (4) Được sự giúp đỡ và tạo điều kiện của chính quyền địa phương. Cách làm này có giá thành rẻ, không bị thất thoát, lại huy động được nguồn lực văn hóa của cộng đồng, tạo sự kết nối giữa chính quyền với người dân và không tạo ra sự phụ thuộc vào nguồn lực Nhà nước. Nói cách khác, mô hình này cho thấy tầm quan trọng của việc sử dụng vốn văn hóa như một nguồn nội lực trong phát triển cộng đồng. 

leftcenterrightdel

Lễ hội xăng khan mang đậm bản sắc văn hóa tâm linh trong đời sống cộng đồng của dân tộc Thái. Ảnh: THANH TÙNG 

2. Từ thập niên 1980 trở lại đây, các nhà nghiên cứu đã khám phá ra rằng, chính vốn văn hóa-được đặc trưng bởi mạng lưới xã hội, kinh nghiệm, kỹ năng, hệ giá trị, các quy tắc ứng xử-đóng vai trò quan trọng trong phát triển. Vậy làm thế nào để biến văn hóa thành “động lực của phát triển”, đưa hoạt động văn hóa tham gia tích cực hơn nữa vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội và những hoạt động nào có tính đột phá để làm cho văn hóa tham gia sâu hơn vào quá trình phát triển bền vững ở cộng đồng?

Khi chúng ta đưa văn hóa vào quá trình phát triển cũng có nghĩa là chúng ta chấp nhận hoặc sử dụng các thành tố văn hóa của một nền văn hóa nào đó hoặc sử dụng các ý tưởng, các biểu tượng, các khía cạnh văn hóa vật thể và phi vật thể khác của nền văn hóa ấy.

Chúng ta thường bắt gặp một cách tiếp cận chung là tạo ra một mô hình cho tất cả, trong đó kế hoạch phát triển cho cộng đồng nhưng lại ít dựa trên truyền thống văn hóa, tri thức địa phương. Thực ra, quan niệm về mục tiêu phát triển cũng như nhu cầu của các cộng đồng đôi khi không giống như cách nghĩ của người ngoài. Cách nhìn nhận và tư duy của cộng đồng dân cư thường gắn chặt với văn hóa của họ. Do đó, quan điểm của cộng đồng về các vấn đề phát triển sẽ không thể tách rời hệ thống giá trị của họ. Vì vậy, vấn đề cốt yếu trong tiếp cận, phát triển dựa vào văn hóa là: Tôn trọng tính đa dạng về quan điểm phát triển; khai thác và sử dụng các nguồn lực văn hóa vào kế hoạch phát triển; bảo đảm sự tham gia của các bên trong quá trình xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển. Một mô hình phát triển cộng đồng thành công sẽ là mô hình đạt được 3 yếu tố: (1) Tận dụng được tri thức địa phương trong việc khai thác hệ tự nhiên để sinh tồn và là yếu tố cấu thành bản sắc văn hóa của họ; (2) Xác định và tận dụng được nguồn lực của địa phương, phát huy được năng lực sáng tạo của người dân và vai trò của những người có uy tín trong cộng đồng; (3) Sử dụng vốn văn hóa, mạng lưới xã hội, kinh nghiệm và hệ giá trị của địa phương vào quá trình phát triển.

leftcenterrightdel

Lễ hội Gióng đền Sóc (Hà Nội) được cộng đồng gìn giữ và phát huy. Ảnh: CHÂU XUYÊN

 

3. Chúng ta vẫn thường bắt gặp đâu đó quan điểm về sự đánh đổi trong phát triển, cho rằng muốn đạt được tăng trưởng kinh tế phải chấp nhận đánh đổi sự mất mát về môi trường. Cũng có ý kiến cho rằng, muốn tạo được động lực phát triển cần tập trung đầu tư cho tầng lớp tinh hoa, mà trước hết là giáo dục tinh hoa. Những cách nghĩ như vậy đi ngược lại với quan điểm phát triển dựa vào văn hóa của thế giới và quan điểm của Đảng về phát triển bền vững và bao trùm. Chiến lược phát triển của Đảng nhấn mạnh, sự phát triển của ngày hôm nay không được làm tổn hại đến phát triển của các thế hệ tương lai; phát triển kinh tế phải đi đôi với phát triển xã hội và bảo vệ môi trường, đồng thời, mọi người dân đều được tạo cơ hội bình đẳng như nhau để phát triển, để không ai bị bỏ lại phía sau. Tư tưởng này cho thấy có một sự gặp gỡ giữa chiến lược phát triển bền vững của thế giới thể hiện trong Chương trình nghị sự 2030 của UNESCO và quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về phát triển (Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII), trong đó xác định văn hóa không chỉ là nền tảng tinh thần xã hội mà còn là động lực phát triển kinh tế-xã hội bền vững; đặt văn hóa vào vị trí trung tâm, tham gia đầy đủ vào nền kinh tế-xã hội và môi trường. Trong chiến lược phát triển này, bản sắc văn hóa, công bằng xã hội, cân bằng môi trường và tinh thần tự lực cánh sinh được xem là những ưu tiên hàng đầu.

Chúng ta thường lấy các con số tăng trưởng GDP để mô tả phát triển mà ít khi đặt câu hỏi mục đích cuối cùng của sự tăng trưởng là gì? Đó chính là văn hóa. Nếu tăng trưởng cao nhưng lối sống và đạo đức suy đồi, không làm cho con người hạnh phúc hơn thì tăng trưởng ấy vô nghĩa. Phát huy vốn văn hóa vào phát triển chính là nhấn mạnh tầm quan trọng và vai trò chủ thể của người dân, tìm kiếm và sử dụng hệ giá trị, vốn văn hóa của mỗi địa phương vào các chương trình phát triển để tăng trưởng đạt được hiệu quả, mang lại ý nghĩa hơn cho cuộc sống của con người.    

PGS, TS NGUYỄN VĂN CHÍNH, Đại học Quốc gia Hà Nội