Hồi bé, những ngày áp Tết, tôi thường lon ton theo mẹ đi chợ. Chợ đông người lắm! Tôi phải đứng nép bên cổng chợ, ngậm mấy chiếc kẹo vừng hay nhai chiếc bánh gai ngọt lừ, chờ mẹ. Với tôi, chợ Rưng to nhất đời!

Chợ họp bên đầm Rưng, nước xanh ngăn ngắt. Chợ bán nhiều gạo. Đứng trên đường nhìn xuống, gạo đựng trong thúng, gạo khảo trên nia, gạo hé trên miệng bao tải... nối liền nhau trắng lóa một vầng. Lớn lên đôi chút, tôi mới rõ chợ Rưng là chợ quê nổi tiếng trong vùng, to chẳng kém chợ Giang trên phố huyện. Ở chợ Rưng, hàng bày bán hầu hết là của nhà nông làm ra. Từ gạo, ngô, khoai ngồn ngộn đến gà, lợn, cá, rồi chuối, na, đu đủ... bộn bề; hiếm lắm mới có một vài người buôn. Vì thế, cái chân chất, cái thật thà đầy ắp các nẻo đường về chợ. Chợ không chao chát, ồn ào như chợ huyện. Chợ đông là thế mà đứng xa chỉ nghe những tiếng rào rào... ồn ã đấy mà không nhốn nháo.

Tôi nghe người ta nói: “Bỏ con bỏ cháu, không thể bỏ mồng sáu, chợ Rưng”.

Hỏi bà ngoại, bà cười rồi bảo:

- Nói thế là nói vống lên cho thấy cái vui của phiên chợ đầu xuân của chợ Rưng, chứ có ai bỏ con bỏ cháu đâu? Mồng 6 là mồng 6 tháng Giêng, tức là sau Tết Nguyên đán. Ngày ấy, người đi chợ Rưng chính là đi hội, bởi ngoài mua bán ra, chợ mở nhiều hội vui lắm. Nào bịt mắt bắt vịt, nào đánh đu, chọi gà... lại còn bịt mắt đập niêu, bắt chạch trong chum nữa, rồi cờ người, rồi thi hát, thi đấu vật... cuộc thi nào cũng có thưởng, phần thưởng chỉ là dải lụa đào hay một tệp bánh giầy. Nhưng ai thắng thì vui cả năm, vì tin rằng cả năm sẽ may mắn!

Tôi gặp em trong phiên chợ ngày đầu xuân năm ngoái.

leftcenterrightdel
Minh họa: MẠNH TIẾN. 

Tôi vừa học hết trung học phổ thông, đang chờ ngày nhập ngũ. Theo giấy báo thì ngày 20 tháng Giêng, chúng tôi sẽ tập trung ở sân vận động của thị trấn phố huyện để lên đường. Với tâm lý xả hơi cho thỏa, lại có cái ngông nghênh của trai mới lớn nên tôi rủ thằng bạn thân vào chơi chợ Rưng ngày hội. Cũng để xem và thử sức mấy trò chơi, hy vọng trong sự đùa vui ấy, biết đâu mang một niềm tin may mắn để bước vào quân ngũ!

Tôi nhảy vào đăng ký chơi trận cờ người. Thằng bạn xung phong chơi bịt mắt đập niêu, một trò chơi dân gian có từ lâu đời. Cờ người ít người chơi, nhiều người xem, khác hẳn với trò chơi của thằng bạn. Sân cờ lập trên sân lát gạch của ngôi đền lớn, sát bên chợ. Các quân cờ là những nam thanh nữ tú được chọn ở 4 làng của xã. Họ mặc áo hai màu đỏ và vàng. Áo quần được thiết kế theo trang phục cổ. Quần quấn xà cạp, áo nẹp xanh có đệm vai mang họa tiết hoa leo. Trước ngực và trên lưng áo có chữ rất to viết tên quân cờ. Tướng ông là chàng trai lực lưỡng, da ngăm đen, trông uy nghi một cách ngượng ngập. Tướng bà phía đối diện là cô gái ngồi trên ngai, đang cúi mặt, bối rối sửa chiếc mũ hơi quá khổ nên tôi chưa nhìn rõ mặt.

Tôi vốn biết chơi cờ từ bé, do ông ngoại dạy, lại có tính hiếu thắng nên tôi ham đấu cờ lắm. Mùa xuân nào, ở đâu có chơi cờ là tôi tìm đến. Chơi có trận thắng, trận thua nhưng tôi càng ngày càng "lên tay".

Hôm đó, tôi đấu ngay trận đầu. Đối phương là một bác làm xã đội trưởng xã bên. Thấy bác mở thế cờ được vài nước đã cúi nhìn bàn cờ gỗ của ban tổ chức, tôi bắt thóp ngay bác này chắc chỉ quen chơi cờ trên bàn gỗ, quân ngà, ít chơi trên sân. Mọi người cần biết, chơi cờ người trên sân, không gian rộng, thời gian hẹp, các quân cờ ăn mặc sặc sỡ, người chơi dễ lóa mắt, đối phương được cầm cờ lệnh đi lẫn vào sân để điều quân, người không có kinh nghiệm càng rối. Phía ngoài thì người xem bàn luận mách nước ầm ầm. Lại nữa, trống khẩu của ban tổ chức sẽ giục “tom tom...” ngay sau lưng, không có kiểu ngồi suy ngẫm rồi hoãn đi hoãn lại như ngồi ở bàn uống nước. Giữa không khí ấy, nhiều kỳ thủ sẽ choáng ngợp, rất dễ đi những nước cờ chệch choạc. Tôi thấy bác bên kia có vẻ ngập ngừng ở nước pháo chậm, chuyển pháo hai bình năm, tôi đẩy mã bảy tấn sáu lên hà, quyết tâm tốc hành, tạo sức ép liên hoàn song mã, đôi xe. Chỉ qua 22 nước đi, tôi đã hoàn toàn làm chủ trận đấu. Vài nước tiếp theo chỉ là thủ tục để tôi chiếu hết. Lúc đó, tôi mới có dịp nhìn kỹ tướng bà. Người đâu mà trắng, mà xinh đến thế! Tôi chợt mỉm cười, dâng lên niềm thích thú là mình vừa chinh phục được một tướng bà xinh đẹp, kiêu sa bằng trí tuệ của mình!

Sáng đó, tôi chơi ba trận, thắng hai ở vòng ngoài. Vào chung kết, tôi đoạt giải nhì, chịu thua một bác cán bộ quân đội về hưu. Biết tôi sắp nhập ngũ, bác ôm vai tôi, bắt tay rất chặt và nói: “Chiến binh trẻ có lối đánh thần tốc rất hiện đại. Chúc đồng chí lên đường lập nhiều thành tích trong quân ngũ!”. Lần đầu được một cựu chiến binh cấp tá, huân chương đầy ngực, gọi là “đồng chí”, tôi sướng run người. Nhưng tôi còn một niềm vui sướng chưa bao giờ có!

Ấy là như có bàn tay sắp đặt vô hình. Tôi chơi tổng số tám ván cờ thì cả tám ván đều cầm quân đỏ. Tức là quân sĩ là nam giới dưới trướng của tướng ông ngăm đen. Và nghĩa là ván nào tôi cũng cầm quân tấn công vào cung của quân sĩ có tướng bà. Lạ nữa, mỗi lần tấn công, dù thế trận “mã pháo liên công” hay “xảo pháo quan xa” (pháo giỏi chặn xe) khi lướt qua cung đối phương, tôi đều nhận được ánh mắt khích lệ đầy tươi trẻ của tướng bà. Có lần tôi dùng thế “liệt pháo thần tốc”-đánh nhanh thắng nhanh, và chính ván đó tôi thắng bác thượng tá về hưu. Mắt tướng bà sáng long lanh...

Có lúc, tôi đứng gần em, à quên, gần tướng bà, một hương thơm khó tả tỏa ra từ cơ thể em. Trong tấm áo lụa màu vàng kiêu sa kia có một đóa hoa chăng? Hít hà thật sâu làn hương thơm đó, tôi như được tiếp thêm sức mạnh, quyết định những nước đi mà các cụ, các bác đứng ngoài đều ồ lên kinh ngạc. Rồi đến ván cuối với bác cựu chiến binh, tôi thua và chấp nhận về nhì là khi tôi dùng thế “pháo vũ long xà” (pháo múa rồng rắn) chính là để được ngắm tướng bà ở nhiều góc khác nhau. Tôi thua vì ngắm em nhiều quá! Thấy cờ tôi sắp tàn, mắt tướng bà rưng rưng, thẫm lại...

Tôi nhận giải thưởng là cặp bánh giầy và bằng chứng nhận của trung tâm văn hóa huyện. Đứng lên bục vinh quang rồi, tôi cứ quay lại tìm. Một lát sau mới thấy em trong trang phục hiện đại áo phông, quần jeans, ra giúp ban tổ chức trao giải. Tôi nhét vội vào tay em mẩu giấy có mấy chữ nguệch ngoạc: “Làm quen nhau nhé. Anh là Tân ở Hoàng An, sắp nhập ngũ, số máy của anh 098234...”.

Trên xe, tôi hát suốt dọc đường về. Thằng bạn thân bảo: “Thắng giải nhì chưa cao lắm đâu!”.

Tôi ra vẻ kiêu hãnh: “Tao thắng trên cả giải nhất!” và cười như thằng ngớ ngẩn. Trong lòng tôi tràn lên niềm hy vọng-niềm hy vọng chỉ một mình mình có, chỉ một mình mình hay!

Thế rồi, ba ngày sau, bốn, năm, sáu ngày sau... tôi chờ đợi trong phấp phỏng.

Lại đến đêm rằm rồi mấy đêm sau nữa... lòng tôi như có lửa, tôi cứ cầm chiếc điện thoại trên tay, đến nóng bỏng lên, sợ em gọi hay nhắn tin mà mình không biết... Có lúc tôi tự trách: “Mình ngốc thế! Hôm đó sao không xin số điện thoại cầm tay của em?”.

Mãi đến chiều 19 tháng Giêng, tôi đang vui liên hoan ở nhà ông bác thì có số máy lạ gọi vào. Tôi run run bật máy. Đầu bên kia có tiếng nói nhẹ: “Số máy anh Tân phải không ạ?”. Tôi nhận ra em ngay, hấp tấp nói: “Ôi, tướng bà... à, em gái chợ Rưng. Em làm anh mong đỏ mắt. Sao hôm nay mới gọi cho anh?”.

Im lặng! Rồi trong máy vang lên tiếng em như thanh minh: “Em mới vào lớp 12, bố mẹ không cho dùng di động. Hôm nay em phải ra bưu điện gọi cho anh đấy!”.

- Ôi, khổ em tôi!

- Sao, anh bảo sao?

Tôi lấp liếm: "À... anh bảo khổ thân anh, lúc nào cũng thấy “Gió đâu gió mát sau lưng/ Dạ đâu dạ nhớ người dưng thế này”.

- Này, anh đừng nhầm! Quê em là kẻ Rưng, chợ xã em là chợ Rưng, chứ không phải Dưng, để anh ám chỉ người dửng dưng đâu nhé!

Tôi cười làm lành và chớp thời cơ vội hẹn:

- Mai là chủ nhật, em sẽ đưa bọn anh lên huyện tập trung chứ?

- Em có!

- Em đứng ở cuối hàng thanh niên nhập ngũ của xã cho anh dễ tìm nhé!

- Vâng ạ!-Tiếng vâng ngọt ngào làm tim tôi thắt lại. Tôi hít thở thật sâu, cảm giác có làn hương hôm nào vấn vít quanh đây.

Buổi giao quân ồn ào. Tôi chỉ gặp được em chừng ba phút. Hai đứa chẳng nói được gì. Em cứ quay mặt vào hàng cây, sợ người làng nhìn thấy. Tôi đứng lặng, bối rối không dám cầm tay em, chỉ biết bâng khuâng hít hà hương thơm mà tôi biết, xa nó, tôi sẽ rất nhớ. Tôi ngập ngừng nói nhỏ:

- Cho anh biết tên và địa chỉ lớp, để anh thường xuyên liên lạc. Em hãy cho anh luôn có một nơi thân mến để nhớ về!

Em mím môi, nguýt nhanh qua mắt tôi như làn gió xuân vẫy nhẹ. Rồi như chuẩn bị từ bao giờ, em rút trong xắc ra một cuốn sổ nhỏ, dúi vào tay tôi cùng lời nói như nghẹt thở:

- Tối anh mới được đọc đấy nhé! Anh đi nhớ giữ gìn sức khỏe! Nếu có làm việc gì cũng phải mạnh mẽ như hôm đánh cờ ở sân đền làng em!

Rồi em nhón gót chạy nhanh theo mấy chị, mấy cô cùng làng.

Sổ tay em viết gì, chỉ mình tôi được uống nó như uống liều thuốc bổ dành cho những ngày đầu huấn luyện đầy vất vả. Mấy tháng sau, trong một lá thư, em viết: “Bố em đồng ý cho em dùng điện thoại di động rồi. Anh gọi hay nhắn vào số này nhé...”.

Ôi, em thân quý ơi, em được dùng điện thoại thì anh đang trong thời kỳ huấn luyện, không được dùng nó. Tôi viết thư về: “Bố em làm nghề gì mà quản em chặt thế? Chặt chẽ chả khác mấy chỉ huy đơn vị quản anh trong thời kỳ huấn luyện thế này”.

Tôi thật sự sửng sốt khi em cho biết: Bố em chính là bác thượng tá, cựu chiến binh đã thắng tôi trận cờ chung kết hôm nào...

Hôm nay, viết thư cho em, tôi chợt thấy lại cảm giác ấm áp từ cái ôm vai của bố. Tôi nắn nót: “Em nhắn với bố, sau hai năm anh ra quân, sẽ về đấu cờ lại với bố. Anh sẽ quyết dùng “diệu chước liên châu” cho cả xe, pháo, mã liên hoàn vây cung cấm của bố, chiếu hết luôn và bắt tướng bà của nhà em về làm tướng bà của nhà anh đấy nhé!”.

Tôi mường tượng ra nét mặt em khi đọc đến đây. Không biết em sẽ nguýt lá thư như nguýt tôi hôm nhập ngũ hay em sẽ đăm đắm nhìn ra đầm Rưng mà lặng lẽ tỏa hương.

Cái hương tướng bà, chỉ mình tôi có!

Truyện ngắn của ĐỖ HÀN