Đau đáu vì thương hiệu Việt Nam

Năm 1989 là cột mốc đáng nhớ của gạo Việt Nam khi bắt đầu hành trình “bước qua lãnh thổ” để có mặt tại hơn 150 quốc gia, vùng lãnh thổ, chiếm khoảng 15% tổng lượng gạo xuất khẩu của thế giới. Song, có một thực tế là nói đến gạo Việt Nam lại ít người biết tới. Chỉ đến khi hiệu ứng gạo ST25 đoạt giải “Gạo ngon nhất thế giới” cuối năm 2019 mới tạo được cột mốc quan trọng giúp gạo Việt Nam cất tiếng nói mạnh mẽ hơn trên thị trường gạo thế giới.

Nhìn sang lĩnh vực dệt may, da giày, dù liên tục đứng vị trí thứ hai, thứ ba thế giới về xuất khẩu giày dép nhưng suốt nhiều năm qua, DN Việt Nam chỉ nổi tiếng việc gia công. Có nghĩa là, để sở hữu được sản phẩm mang thương hiệu Calvin Klein, Nike, Adidas, New Balance... người tiêu dùng Việt Nam phải trả một số tiền rất cao nhưng kỳ thực nhiều công đoạn hay toàn bộ quá trình sản xuất lại diễn ra ngay tại đất nước mình, giá trị thặng dư của sản phẩm chủ yếu tới từ thương hiệu.

leftcenterrightdel
Xây dựng thương hiệu để nâng tầm giá trị hàng hóa Việt Nam. Ảnh: TRỌNG HẢI. 

Yếu tố cốt lõi vẫn là chất lượng

Sở dĩ DN Việt Nam cần phải xây dựng thương hiệu bởi thương hiệu không đơn thuần chỉ là cái tên mà còn chứa đựng nhiều thông điệp, ý nghĩa. Thông qua thương hiệu, người tiêu dùng sẽ quyết định lựa chọn, tiêu dùng sản phẩm hàng hóa và dịch vụ của DN. Chính vì vậy, thương hiệu là tài sản vô hình nhưng có giá trị rất lớn của DN. Thậm chí, tại nhiều DN, tài sản thương hiệu lớn hơn tài sản vật chất. Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay, xây dựng và phát triển thương hiệu không chỉ là câu chuyện dành cho các “ông lớn”, DN nhỏ và vừa muốn phát triển thành công phải ưu tiên đặt việc xây dựng và phát triển thương hiệu lên hàng đầu.

Liên quan tới câu chuyện xây dựng thương hiệu, ông Nguyễn Chánh Trung, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Long, đơn vị thâm nhập thị trường nước ngoài thành công bởi thương hiệu gạo Tân Long và gạo có xuất xứ từ Việt Nam, cho rằng: "Để giới thiệu các loại gạo ngon mang thương hiệu Việt Nam ra thế giới, trước hết cần phải xây dựng thương hiệu gạo nội địa bài bản và cốt lõi vẫn là chất lượng. Phải quản lý chặt chẽ chuỗi sản xuất, từ khâu bao tiêu, đặt hàng sản xuất lúa của nông dân tới khâu xử lý sấy, dự trữ; chế biến để có thể đóng gói tiêu chuẩn gắn thương hiệu ngay tại nhà máy. Khi sản phẩm gạo của Việt Nam tại các thị trường quốc tế có tín hiệu tốt, DN cần mạnh dạn xây dựng kênh phân phối gạo mang thương hiệu Việt Nam”.

Trong những năm qua, ngành dệt may đã nhận thức rõ, muốn phát triển bền vững và tăng giá trị phải chuyển đổi phương thức sản xuất từ gia công sang tự chủ; từ thiết kế, sản xuất đến bán hàng hay sở hữu nhãn hàng riêng. Một trong những vấn đề cốt lõi phát triển thương hiệu ngành dệt may là phải có tiềm lực về tài chính để cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, đầu tư máy móc, trang thiết bị. Tuy nhiên, phần lớn DN Việt Nam hiện nay đều thuộc loại vừa và nhỏ, hạn chế cả về quy mô lẫn tiềm lực tài chính... Do vậy, theo ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10: Trước hết, các DN phải tìm được lợi thế cạnh tranh, không xây dựng thương hiệu tràn lan, sử dụng lợi thế của DN để xây dựng sản phẩm mũi nhọn và tạo dựng thương hiệu.

Hiện nay, chiến lược cạnh tranh bằng thương hiệu đang diễn ra rất mạnh mẽ và sâu rộng, không chỉ dừng lại ở cấp độ DN mà đã phát triển lên mức độ địa phương, ngành hàng và ở cấp quốc gia. Để thương hiệu của Việt Nam mạnh hơn nữa, mở thêm nhiều cơ hội cho sản phẩm, dịch vụ của Việt Nam vươn tầm quốc tế không chỉ phụ thuộc vào nỗ lực của DN mà cần chiến lược sâu rộng, sự vào cuộc của Chính phủ, tất cả các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng DN.

VŨ DUNG