Khổ học để thành Trạng
Ngôi làng quê hương của Nguyễn Bỉnh Khiêm xưa là Trung Am thuộc huyện Vĩnh Lại, trấn Hải Dương, nay là xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng.
Địa danh Lý Học, thật ra và nguyên gốc vốn là tên gọi của một môn học, một thế giới những kiến thức mênh mông và cao siêu, nhiều khi huyền bí, từng được cố gắng gói lại trong bộ “Kinh Dịch”-khó học và khó hiểu nhất trong “Ngũ Kinh”-Nho giáo và Nho học của Khổng Tử, nhưng còn lan sang và liên quan đến Đạo giáo và Đạo học của Lão Trang, trở thành một trong 4 yêu cầu và giá trị, phẩm chất đối với những bậc trí giả đời xưa, thường vẫn được gọi nôm na là “Nho-Y-Lý-Số".
Lý Học trở thành địa danh, vì là nơi ra đi rồi trở về của chàng trai Văn Đạt-tên thật hồi còn trẻ của Nguyễn Bỉnh Khiêm-để tìm và có được những hiểu biết đúng đắn, sâu rộng nhất thời bấy giờ về môn lý học.
 |
Vườn tượng mô phỏng cảnh người dân đón Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm về làng trong khuôn viên quần thể Khu di tích danh nhân văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm tại xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng). Ảnh: VŨ DUY |
Người đời kể rằng, biết thầy Bảng nhãn khoa thi năm 1499 Lương Đắc Bằng-ở mãi xa trong xứ Thanh-là người độc nhất có trong tay pho sách “Thái Ất thần kinh” chủ về lý học, Nguyễn Văn Đạt đã đánh đường từ quê nhà Trung Am lặn lội vào tận Hội Trào quê thầy xin theo học. Cảm cái chí ấy, thầy Lương Đắc Bằng đã đem tất cả sở đắc từ “Thái Ất thần kinh” truyền cho Văn Đạt.
Học được “hết chữ” của thầy rồi, nhưng chỉ đến khi thầy Đắc Bằng quy tiên vào năm 1518, Văn Đạt mới trở về, vừa tiếp tục nghiền ngẫm sâu rộng tới bờ cùng đáy của môn lý học, trở thành người-như nhà bác học thế kỷ 19 Phan Huy Chú đã viết trong sách “Lịch triều hiến chương loại chí”: “Học rộng khắp các sách, hiểu sâu sắc nghĩa lý "Kinh Dịch", mưa nắng họa phúc, việc gì cũng biết trước”-vừa mở trường dạy học cho đến năm 1535.
Năm ấy, đã đến tuổi 44 “nhi bất hoặc”-không có điều gì phải nghi ngờ nữa-nhân triều đình Vua Mạc Thái Tông Đăng Doanh cho mở khoa thi Hội, Nguyễn Văn Đạt mới đi thi và đỗ ngay Trạng nguyên. Trở thành Trạng nguyên, lại là bậc thầy về môn lý học nên ông được các đời vua nhà Mạc trọng dụng, cất nhắc, vinh danh, hết phong chức Tả thị lang bộ Lại kiêm Đông các Đại học sĩ, rồi Thượng thư bộ Lại kiêm Thái phó, lại đến tước Trình Tuyền hầu, rồi Trình Quốc công...
Ở những tước hiệu cao quý này đều có chữ “Trình”, để ví sánh Nguyễn Bỉnh Khiêm với hai anh em Trình Di và Trình Hạo (tức Trình Y Xuyên và Trình Minh Đạo)-những bậc thầy về lý học ở phương Bắc. Và “Trạng Trình”-danh hiệu tôn xưng Nguyễn Bỉnh Khiêm trong ngôn ngữ phổ thông cũng bắt nguồn từ đó.
Làm thầy cả thiên hạ
Ngay từ trước ngày đỗ Trạng, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã mở trường dạy học. Trường dạy học của ông ở bên dòng sông quê, đến nay vẫn giữ tên gốc là sông Hàn, nhưng lại có thêm mỹ tự là "Tuyết Giang" (dòng sông trắng như tuyết). Do vang dậy danh tiếng trí tuệ sâu rộng và học vấn của người thầy nên trường lúc nào cũng rất đông học trò. Với tài đức của thầy, nhất là từ khi Nguyễn Bỉnh Khiêm-sau thời gian chỉ 8 năm làm quan lớn ở triều đình đã xin được trí sĩ, trở về quê hương tiếp tục việc dạy học-chính thức đặt tên ngôi nhà làm trường học của mình là am Mây Trắng (Bạch Vân am) thì sự mến mộ, tôn sùng thầy học của sĩ tử bốn phương càng lên cao. Vì thế đã ra đời danh hiệu tôn xưng thầy Nguyễn Bỉnh Khiêm, từ đây là “Tuyết Giang phu tử”.
Tuyết Giang phu tử có rất nhiều học trò thành đạt. Văn hay, thì như Nguyễn Dữ-tác giả sách “Truyền kỳ mạn lục”. Võ giỏi, thì như Nguyễn Quyện-Nam đạo tướng quân của triều đình nhà Mạc. Cả là chính khách cấp cao lẫn nhà văn hóa tài danh, thì như “Trạng Bùng” Phùng Khắc Khoan ở đầu thời Lê Trung Hưng. Và Lương Hữu Khánh cũng là một học trò đặc biệt trong số này.
Họ Lương chính là con trai sơ sinh của Bảng nhãn Lương Đắc Bằng. Vào lúc lâm chung, thầy Đắc Bằng đã cầm tay người học trò cưng Văn Đạt-Bỉnh Khiêm mà ký thác việc nuôi dạy con nhỏ Hữu Khánh. Và đạo lý cùng tình nghĩa thầy trò đã khiến Nguyễn Bỉnh Khiêm suốt đời vừa chăm nuôi Lương Hữu Khánh như con đẻ, vừa hết lòng dạy dỗ Hữu Khánh như một học trò cưng, cho đến khi người học trò-con nuôi này trở thành Thượng thư bộ Binh, mang tước Đạt quận công của triều đình nhà Lê Trung Hưng.
Sống trên đất “Bắc triều” của nhà Mạc, được các vua nhà Mạc-vẫn theo sách “Lịch triều hiến chương loại chí” chép: “Tôn kính như bậc thầy, khi trong nước có việc quan trọng, vẫn sai sứ đến hỏi; có khi còn triệu về triều để tham vấn mưu kế lớn”, nhưng vào lúc họ Trịnh ở “Nam triều” có ý muốn ngấp nghé ngôi vua của nhà Lê thì Nguyễn Bỉnh Khiêm vẫn răn dạy: “Giữ chùa, thờ Phật thì ăn oản”! Vào năm 1558, khi Nguyễn Hoàng-Tổ của 9 đời chúa Nguyễn ở xứ Đàng Trong-muốn thoát khỏi sự khống chế, sát hại của Trịnh Kiểm, cầu lời chỉ dẫn của Nguyễn Bỉnh Khiêm, đã nhận được và làm theo ngay, câu “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân”! Đến lúc nhà Mạc thất cơ lỡ vận vào cuối thế kỷ 16 thì chính lời “sấm Trạng Trình” đã chỉ cho họ con đường và cách thức kéo dài sự tồn tại thêm được ba đời nữa ở Cao Bằng: “Cao Bằng tàng tại, tam đại tồn cô”!
Tiên ông giữa đời thường
Thực ra, trong thâm tâm Nguyễn Bỉnh Khiêm, khi trong vai là “tôn sư” mà chỉ ra lối thoát nhiệm màu cho đủ các thế lực đang chấp chiếm hoặc tranh chấp quyền binh phải chịu cảnh “Núi xương, sông huyết, thảm đầy vơi”-như lời thơ than thở của ông-Tuyết Giang phu tử chỉ muốn tách đẩy giãn ra xa những thế lực đang cứ quẩn lấy nhau mà xung đột ấy.
Không ham quyền lực, chẳng màng danh lợi, nhưng lại vô cùng tha thiết với đạo lý cùng đời sống văn hóa của nhân dân và đất nước, Nguyễn Bỉnh Khiêm-đúng như lời tán thưởng của danh sĩ Vũ Khâm Lân ở thế kỷ 18: “Đời dùng đến thì làm, đời bỏ đi thì ẩn, đối với tiên sinh, dù chẳng đắc dụng cũng chẳng hề chi. Ta rất hâm mộ tiên sinh về chỗ đó”-đã luôn mượn thi ca, những lời thơ trác tuyệt để giãi bày tâm sự: “Lòng ta chỉ có trăng trong biết/ Trăng vẫn theo ta mấy dặm đường”, hoặc nôm na mà nói ngược về lối sống: “Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ/ Người khôn, người đến chốn lao xao”!
Ở ẩn nhưng vẫn đau đáu nỗi lo đời, ông dùng am Mây Trắng làm trường học để miệt mài dạy dỗ các lứa học trò, dùng danh hiệu “Bạch Vân cư sĩ” để truyền bá lối sống và cuộc sống thanh cao như mây trắng của mình. Và ông xây dựng ngôi quán Trung Tân (Bến giữa), viết bài văn bia đặt ở quán với những lời lẽ thâm thúy mà bình dị, để từ đó giao lưu cùng các cố lão và nhân dân trong vùng, vừa học hỏi, vừa dạy dỗ họ.
Đặc biệt là ông đã làm thơ. Những bài thơ chữ Nôm, ngang ngửa với thơ quốc âm của Nguyễn Trãi nhờ có những câu như: “Sáng đến vườn rau, mây dính dép/ Đêm ra xóm lưới, nguyệt đầy thuyền” được tập hợp trong bộ “Bạch Vân quốc ngữ thi”, cùng với 1.000 tác phẩm thơ chữ Hán, quy tụ thành “Bạch Vân am thi tập”, được các đời rất mực tán thưởng.
Đó là thi ca và đời của một “địa trung tiên” (ông tiên giữa cõi trần) hoặc “tiểu thần tiên” (ông tiên nho nhỏ) như chính lời tự nhận của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Và một lần nữa, đúng như lời đánh giá của danh sĩ Vũ Khâm Lân: “Nay ta đọc văn chương còn lại (của Nguyễn Bỉnh Khiêm), khác chi nghe thấy những tiếng ném ngọc gieo vàng rực rỡ như mây muôn sắc, sáng như vầng thái dương. Bởi vì tiên sinh chẳng những uyên thâm môn lý học, biết rõ dĩ vãng cũng như tương lai mà sự thật thì đến trăm đời sau cũng chưa thấy ai hơn được vậy”.
Nhà sử học LÊ VĂN LAN