Hơn 30 năm qua, quê tôi-vùng chiêm trũng của Đồng bằng sông Hồng đã "thay da đổi thịt" từng ngày nhờ công cuộc đổi mới. Những căn nhà mái ngói phủ đầy dấu ấn thời gian được thay thế bằng nhà mái bằng kiên cố. Dấu ấn rõ nét nhất từ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông dân, nông thôn là những cây rơm ở góc sân, góc vườn mỗi gia đình, qua từng năm lại thưa thớt dần và biến mất, bởi nhà nào cũng có bếp gas, bếp điện... không cần dùng rơm để đun nấu như ngày nào.

leftcenterrightdel
Tranh sơn mài của LÊ VĂN THƯỚC. 

Cây rơm của mẹ đã gắn bó, cùng anh em tôi đi suốt những năm tháng tuổi thơ. Cứ sau mỗi vụ gặt, rơm phơi khô, mẹ lại đánh cây rơm to ở góc sân nhà và chúng tôi luôn được trèo lên nhún nhảy để cây rơm không bị chênh vênh. Cây rơm cũng là địa điểm anh em tôi chơi trò trốn tìm; là nơi mỗi lúc mưa gió, đàn gà quê lại tìm vào ẩn mình; là nơi mỗi lần đun nấu, anh em tôi lại cong mình rút từng nắm rơm, chất đầy góc bếp nhỏ quanh năm ám đầy khói đen kịt như nỗi buồn chất chứa của người dân quê nghèo.

Cây rơm ấy đã cùng anh em tôi đi qua biết bao mùa hạ oi bức, biết bao mùa đông buốt giá. Những nắm rơm vàng óng ấy được kết thành chiếc đệm êm ấm mà mẹ thường lót dưới lớp chiếu mỏng để chúng tôi nằm cho qua mùa giá rét, sưởi ấm căn nhà trống trải vì thiếu cửa. Gặp lại mảng ký ức tuổi thơ, tôi như được gặp lại mẹ tôi của những mùa đông năm cũ, ôm chặt đàn con mỗi khi gió mùa Đông Bắc rít qua khe cửa.

Cây rơm ấy, tôi vẫn tưởng tượng giống như mẹ tôi-như cây nấm khổng lồ, vươn rộng đôi tay che chở anh em tôi qua bao mùa dông bão. Như tình yêu thương ấm áp của mẹ dành cho chúng tôi trong góc bếp nhỏ, luôn đỏ lửa mỗi dịp Tết đến, xuân về.

Như mẹ tôi đội chiếc nón lá bạc màu mưa nắng, khom mình trên thửa ruộng vàng ươm mùa lúa chín!

ĐÔNG HẢI