Mức độ phát triển kinh tế của các quốc gia và khu vực luôn gắn chặt với mức độ phát triển giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) của quốc gia, khu vực đó. Các quốc gia, khu vực có nền kinh tế phát triển nhất cũng là các quốc gia, khu vực có hệ thống GD&ĐT tiên tiến nhất. Đảng ta luôn nhất quán khẳng định chủ trương GD&ĐT cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước.

Sau 7 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, ngành GD&ĐT nước ta đã có những bước tiến quan trọng cả về quy mô, chất lượng và hiệu quả giáo dục. Trong bối cảnh mới của kỷ nguyên số, GD&ĐT cần phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, không những để thích ứng với những yêu cầu mới của nền kinh tế mà còn có vai trò dẫn dắt sự phát triển của nền kinh tế tri thức dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

leftcenterrightdel

Sinh viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội nghiên cứu khoa học. Ảnh: NGUYỄN HOÀI 

Dưới tác động của làn sóng Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, mà cốt lõi là chuyển đổi số, GD&ĐT sẽ phải đổi mới mạnh mẽ. Đây chính là những yếu tố quan trọng đang được phân tích, nhìn nhận thấu đáo, trên cơ sở đó xác định những quan điểm, định hướng phục vụ xây dựng Chiến lược phát triển GD&ĐT giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn năm 2045 mà Bộ GD&ĐT được giao chủ trì xây dựng. 

Chuyển đổi số sẽ thay đổi nhu cầu nguồn nhân lực cả về yêu cầu trình độ đào tạo, lĩnh vực ngành nghề và năng lực nghề nghiệp. Không kể các vị trí lao động giản đơn, trình độ thấp của các ngành nghề truyền thống sẽ bị thay thế bởi các hệ thống tự động, ngay cả người lao động có trình độ chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp tốt vẫn phải liên tục học tập để đáp ứng yêu cầu công việc ngày càng cao và luôn thay đổi. Vì vậy, nguồn nhân lực cần được trang bị kiến thức nền tảng chuyên môn vững chắc, năng lực tự học và khả năng thích ứng trong môi trường quốc tế. Hệ thống GD&ĐT nước ta, nhất là giáo dục đại học, đang đứng trước thách thức rất lớn khi phải giải quyết đồng thời các bài toán tăng quy mô, đổi mới ngành nghề và nâng cao chất lượng đáp ứng nhu cầu phát triển của nền kinh tế. Mặt khác, chuyển đổi số cũng sẽ làm thay đổi các phương thức sản xuất, mô hình kinh doanh và cung ứng dịch vụ, cách làm việc và cách sống của con người, kéo theo thay đổi cả môi trường văn hóa và liên kết xã hội. Mạng internet vạn vật kết hợp với trí tuệ nhân tạo đang giúp chúng ta vận hành các hệ thống tự động và giải quyết hiệu quả hàng loạt bài toán phức tạp, nhưng cũng tạo ra những rủi ro chưa thể lường hết cho an toàn của cả xã hội và mỗi cá nhân. Đứng trước các thách thức này, xã hội tương lai cần những con người được giáo dục toàn diện với những năng lực và phẩm chất đáp ứng yêu cầu mới trong kỷ nguyên số. Phát triển con người toàn diện phải được đặt là mục tiêu quan trọng hàng đầu của GD&ĐT, bắt đầu ngay từ giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông.

Bên cạnh đó, chuyển đổi số làm thay đổi mô hình và phương thức cung cấp dịch vụ, trong đó có cả các dịch vụ trong lĩnh vực GD&ĐT. Trong xu thế toàn cầu hóa, các đại học danh tiếng ở các nước tiên tiến đang tận dụng lợi thế thương hiệu để thu hút tài năng và mở rộng tầm ảnh hưởng, thúc đẩy cung cấp dịch vụ đào tạo xuyên biên giới. Từ nhiều năm nay, nhiều cơ sở giáo dục trong nước đã khai thác các cơ hội hợp tác để mang đến cho người học các chương trình liên kết quốc tế. Với những tiến bộ của công nghệ, nhiều trường đại học nước ngoài đã chuyển dần sang cung cấp trực tiếp cho người học các khóa học trên nền tảng học tập trực tuyến hiện đại với kho học liệu lớn, được chọn lọc kỹ. Không bỏ qua cơ hội mang lại lợi nhuận cao, một số tập đoàn công nghệ lớn cũng đã tận dụng khai thác nền tảng sẵn có và đặt chân vào lĩnh vực giáo dục. Xu hướng này một mặt giúp người Việt Nam có thêm cơ hội học tập những tiến bộ tri thức mới nhất với chi phí thấp, mặt khác gây áp lực cạnh tranh rất lớn lên hệ thống GD&ĐT trong nước. Ngoài ra, công nghệ số đang tạo ra những điều kiện, những cơ hội rất lớn để đổi mới mạnh mẽ mô hình nhà trường, phương thức tổ chức, phương pháp, phương tiện dạy và học, với chi phí đầu tư hợp lý. Chuyển đổi số giúp người học được tiếp cận nguồn tri thức gần như vô tận của nhân loại, được chọn học lúc nào và ở đâu tiện lợi nhất, thậm chí còn có thể chọn được thầy cô như ý. Công nghệ cho phép học sinh được trải nghiệm nhiều hơn qua tương tác trên môi trường số, được hướng dẫn học theo lộ trình cá thể hóa phù hợp với bản thân. Dựa trên dữ liệu và công nghệ, nhà trường tổ chức quản lý tốt hơn, ra quyết định đúng đắn hơn, có điều kiện nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục, đồng thời mở rộng quy mô đào tạo, tăng khả năng tiếp cận cho người học.

Từ những phân tích, nhận định trên đây, có thể đề xuất hai đột phá chiến lược trong Chiến lược phát triển GD&ĐT giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn năm 2045 là tự chủ và chuyển đổi số.

Thứ nhất, những thành quả trong thí điểm tự chủ đại học thời gian qua và những chuyển biến tích cực trong đổi mới sáng tạo tại các trường phổ thông cho thấy cần đẩy mạnh hơn nữa tự chủ trong GD&ĐT, tăng quyền chủ động cho các nhà trường, nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Tự chủ trong GD&ĐT giúp "cởi trói" để nhà trường chủ động đổi mới mô hình quản trị và tổ chức hoạt động, huy động các nguồn lực và tối ưu hóa hoạt động; giúp người thầy được giảm bớt những áp lực về thủ tục hành chính, được giải phóng năng lượng và phát huy đổi mới sáng tạo, chủ động đổi mới phương pháp dạy học; mang lại lợi ích rất lớn cho người học và cả xã hội. Đối với giáo dục đại học, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đã tạo ra hành lang pháp lý quan trọng cho thực hiện tự chủ, trong giai đoạn tới cần tiếp tục hoàn thiện đồng bộ các văn bản pháp luật khác, đồng thời cần thúc đẩy triển khai quyết liệt tại các cơ sở đào tạo. Đối với giáo dục phổ thông và giáo dục nghề nghiệp cũng cần có những cơ chế, chính sách phù hợp để giao quyền tự chủ ở mức độ khác nhau cho các nhà trường, cũng như cho các nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.

Thứ hai, với những lợi ích rất lớn mà công nghệ số có thể mang lại, chuyển đổi số cần phải trở thành một trong những định hướng chiến lược của mỗi nhà trường, mỗi cơ quan quản lý giáo dục. Trong kỷ nguyên số, GD&ĐT vừa có sứ mệnh cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho nền kinh tế, vừa phải tận dụng cơ hội để chuyển đổi số chính trong ngành. Trước mắt, chuyển đổi số giúp chúng ta khai thác tối đa những tiến bộ của công nghệ để xây dựng một hệ thống GD&ĐT chất lượng tốt, chi phí thấp và tiếp cận dễ dàng với mọi người dân; một hệ thống giáo dục giúp người thầy dễ dạy hơn và sáng tạo hơn, người học chủ động hơn, thích học hơn và dễ học hơn. Xa hơn, thực hiện tốt chuyển đổi số ngành GD&ĐT sẽ góp phần triển khai thành công Chương trình chuyển đổi số quốc gia, đóng góp cho phát triển nền kinh tế số, xã hội số và hình thành quốc gia số. Đây là cơ hội lớn để Việt Nam có thể thu hẹp khoảng cách với những nước phát triển trên thế giới, thực hiện những mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của đất nước mà Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.

PGS, TS HOÀNG MINH SƠN, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo