Câu chuyện của bác sĩ Koma Akim 

Từ Bentiu (CH Nam Sudan), Trung tá, bác sĩ Nguyễn Quang Chiến, Phó giám đốc phụ trách chuyên môn BVDC2.2 chia sẻ về các hoạt động hỗ trợ người dân Nam Sudan, bắt đầu bằng câu chuyện của một đồng nghiệp Nam Sudan-bác sĩ Koma Akim, Bệnh viện Bentiu. Trong câu chuyện, mẹ của bệnh nhân 13 tuổi tên Miss Nyakola Tely bày tỏ: “Con gái tôi sống rồi! Đội ơn Chúa và cầu Chúa phù hộ cho Việt Nam, đất nước đã mang các bác sĩ tới đây cùng với các thiết bị y tế giúp con tôi được phẫu thuật”. Trước đó, bác sĩ Akim tưởng chừng bất lực không thể tiến hành ca phẫu thuật cắt bỏ khối u khổng lồ bên đùi phải cho bé Tely vì thiếu một thiết bị y tế cần thiết trong các ca phẫu thuật cắt cụt chi thể là dây cưa xương. Nhưng rồi “phép màu” cũng xuất hiện, ông nhanh chóng nhận được dây cưa xương cùng một số thiết bị y tế cần cho ca mổ do Việt Nam hỗ trợ.

leftcenterrightdel

Quyền Bộ trưởng Giáo dục Bentiu tặng Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 giấy khen vì tích cực tham gia hoạt động CIMIC tại địa bàn. 

Bác sĩ Koma Akim và tất cả nhân viên của Bệnh viện Bentiu đều rất cảm kích. Muốn bày tỏ cảm ơn Việt Nam và bác sĩ Chiến mà không biết thể hiện ra sao, bác sĩ Koma Akim chọn cách gửi thư điện tử câu chuyện bé Tely được cứu sống tới tất cả cơ quan của phái bộ ở Nam Sudan, với mong muốn lan tỏa câu chuyện ý nghĩa này như một cách tri ân đặc biệt. 

Trung tá, bác sĩ Võ Văn Hiển, Giám đốc BVDC2.2 cho biết: “Dù còn nhiều thiếu thốn, khó khăn về trang thiết bị, nhất là trong bối cảnh đại dịch, nhưng chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ các đơn vị bạn và người dân địa phương trong khả năng có thể, kể cả phải chắt chiu từng viên thuốc, tiết kiệm từng chiếc khẩu trang".

BVDC của Việt Nam đã trở thành địa chỉ chăm sóc y tế tin cậy, chỗ dựa về tinh thần cho lực lượng mũ nồi xanh Liên hợp quốc (LHQ) tại căn cứ Bentiu. Không chỉ các đơn vị y tế của phái bộ mà cả các bệnh viện của địa phương cũng đề nghị hỗ trợ về mặt chuyên môn, thiết bị y tế khi gặp khó khăn. Được sự cho phép của cơ quan y tế phái bộ, với tinh thần “lương y như từ mẫu”, bệnh viện không từ chối bất kỳ lời đề nghị trợ giúp y tế nào tại địa bàn. Đường dây nóng của BVDC2.2 luôn duy trì 24/7, với quyết tâm không bỏ qua bất kỳ bệnh nhân nào cần được hỗ trợ về y tế. 

Là bác sĩ ngoại khoa giỏi của Nam Sudan, tốt nghiệp ở nước ngoài, nhưng bác sĩ Akim rất tin tưởng các đồng nghiệp Việt Nam và thường tham khảo ý kiến chuyên môn khi cần. Một lần mang tấm phim chụp X-quang tới BVDC Việt Nam để tham khảo ý kiến chuyên môn, khi ra về, bác sĩ Akim cảm động mang theo món quà nhỏ của các thầy thuốc Việt Nam nhờ ông chuyển tặng những bệnh nhi ở Bệnh viện Bentiu là giấy vẽ và bút màu. Ảnh chụp các bệnh nhi nghèo cầm bút vẽ với niềm vui hiếm hoi trên khuôn mặt được bác sĩ Akim chia sẻ với bác sĩ Chiến kèm dòng tin nhắn: “Trái tim tôi như tan vỡ khi thấy các em nhỏ có nhiều tiềm năng trong bộ dạng gầy gò, ốm yếu”. Bác sĩ Akim hoàn toàn có thể tìm một công việc tốt hơn ở nước ngoài, nhưng ông đã chọn làm việc ở Bentiu, nơi không nhiều người chịu tới làm việc vì điều kiện hết sức khó khăn, thiếu thốn. Theo bác sĩ Nguyễn Quang Chiến, bác sĩ Akim rất vui vì tinh thần nhân đạo của ông đã có các đồng nghiệp từ Việt Nam chia sẻ. Bác sĩ Chiến đã đề nghị bác sĩ Akim tiếp tục duy trì mối quan hệ giữa Bệnh viện Bentiu và các BVDC Việt Nam sau này vì nó thực sự tốt và mang lại lợi ích cho người dân ở Bentiu. Những hợp tác lần này mới chỉ là sự khởi đầu. 

Bác sĩ Từ Quang, phụ trách hoạt động quân-dân kết hợp (CIMIC) của bệnh viện bày tỏ: “Chúng tôi luôn xác định, ngoài thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, cần phải có trách nhiệm đóng góp một phần làm thay đổi cuộc sống của người dân nước sở tại. Thông qua các hoạt động CIMIC, chúng tôi rất mong muốn lan tỏa tinh thần chia sẻ đầy nhân văn của những người lính mũ nồi xanh”.

Người lính trên tuyến đầu

Trong bối cảnh Nam Sudan là điểm nóng của đại dịch Covid-19, BVDC Việt Nam được phái bộ giao là một trong những bệnh viện chủ chốt trên tuyến đầu chống dịch. Cùng với tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, năm 2020, bệnh viện còn thực hiện 5 chương trình hỗ trợ người dân Nam Sudan tại địa bàn Bentiu. Nổi bật là dự án đóng 31 bộ bàn ghế, học cụ, đồ chơi, bảng chữ cái từ vỏ nhựa tái chế tặng Trường Tiểu học Bentiu. Đây là sáng kiến của Thượng úy QNCN Vũ Anh Đức sau lần thăm khu bảo vệ dân thường và chứng kiến những lớp học tồi tàn tại đây. Với sự chung tay góp sức của các đồng nghiệp ở bệnh viện, dù thiếu thốn dụng cụ làm mộc, nguyên vật liệu phải tận dụng từ các vỏ thùng đóng hàng... nhưng 31 bộ bàn ghế chắc chắn được gắn cờ Việt Nam và Nam Sudan đã kịp hoàn thành để dành tặng các em học sinh trước năm học mới. Trong mỗi túi quà tặng các em học sinh đều để kèm một tờ giấy nhỏ in chữ tiếng Anh giới thiệu về Việt Nam, về Chủ tịch Hồ Chí Minh. “Khi ngồi soạn nội dung cho tờ giấy này, tôi nghĩ các bạn nhỏ sẽ biết thêm về Việt Nam, một đất nước nhỏ bé có diện tích chỉ bằng một nửa Nam Sudan nhưng kiên cường, trải qua nhiều cuộc chiến tranh và đã đạt nhiều thành tựu phát triển to lớn. Biết đâu đó, từ những điều đã đọc được, các em sẽ có nhiều động lực hơn để học tập, để giúp đỡ gia đình và tái thiết đất nước Nam Sudan”, bác sĩ Từ Quang chia sẻ với phóng viên. 

leftcenterrightdel

Trong mỗi túi quà tặng các em học sinh Trường Tiểu học Bentiu đều có đặt một tờ giấy nhỏ giới thiệu về đất nước Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: TRỌNG TÌNH. 

Đánh giá về hoạt động CIMIC của bệnh viện, bà Geraldine Chioma Nzulumike, Phụ trách Văn phòng hòa giải và tái thiết, phái viên của Trưởng văn phòng đại diện phái bộ tại địa bàn (HoFo) cho rằng: “Việc làm của các thầy thuốc Việt Nam tiêu biểu cho những hoạt động của LHQ tại Nam Sudan, thể hiện cam kết đóng góp của LHQ cho sự phát triển bền vững và hòa bình của nhân dân Nam Sudan. Các thầy thuốc Việt Nam đã truyền cảm hứng cho các em học sinh. Nếu những bàn tay quen phẫu thuật và khám bệnh có thể làm những bộ bàn ghế, bảng chữ cái đẹp như vậy thì các em hãy đừng ngại học điều mới, thử làm những điều mới mẻ, có ích cho cộng đồng, cho xã hội!”.

MỸ HẠNH