Tổ chức này đã hoạt động 38 năm và thông qua nó, ông Feeney làm từ thiện gần như toàn bộ số tiền 8 tỷ USD mà ông  kiếm được trong cuộc đời mình. Theo một số nguồn tin, ông chỉ để lại cho mình và vợ khoảng 2 triệu USD để sống quãng đời còn lại.

Luôn luôn nỗ lực

Chuck Feeney sinh năm 1931 trong một gia đình người Ireland di cư sang Mỹ ở thành phố Elizabeth, bang New Jersey. Cha ông là nhân viên bảo hiểm, mẹ ông là y tá trong tổ chức Chữ thập đỏ. Lớn lên trong những điều kiện kham khổ, cậu bé Chuck sớm biết giúp đỡ cha mẹ dọn tuyết ngoài sân hay bán những chiếc thiệp Giáng sinh để kiếm thêm thu nhập...

Tốt nghiệp trung học, Feeney gia nhập quân đội và phục vụ trong đơn vị tình báo điện tử thuộc không quân Mỹ thời chiến tranh Triều Tiên. Xuất ngũ, ông vào học ở trường quản trị khách sạn thuộc Đại học Cornell theo chế độ ưu tiên dành cho các cựu chiến binh và trở thành người đầu tiên trong gia đình được làm sinh viên đại học. Ngay khi còn ngồi trên giảng đường, Feeney đã không ngừng tìm tòi phương thức làm ra tiền. Có lần, nhìn thấy một chàng trai bán bánh mì kẹp (sandwich), Feeney đã tới mua một cái rồi đề nghị được cùng bán. Thế là món bánh mì kẹp trở nên lừng danh ở trường quản trị khách sạn Cornell... Và Feeney được mọi người đặt cho biệt danh “chàng Sandwich”...

leftcenterrightdel
Tỷ phú Chuck Feeney và vợ luôn hạnh phúc bên nhau. Ảnh: The Time 

Rời trường Cornell, thập niên 1950, Feeney sang Pháp để tiếp tục trau dồi vốn kiến thức và vẫn không ngừng tìm tòi những cơ hội làm ăn mới. Khi ấy, ở bên bờ Địa Trung Hải có tới 50 tàu chiến Mỹ trong hạm đội Thái Bình Dương ra vào với hơn 30 nghìn lính hải quân. Tất cả những người lính này đều có quyền mua đồ uống có cồn mà không phải chịu thuế. Và việc đó đã trở thành lĩnh vực làm ăn của Feeney. Lãi suất, theo tính toán của tỷ phú tương lai là hơn 100%. Ngay khi đó, Feeney đã bộc lộ tài năng kinh doanh của mình; nhiều khi ông kết thân với các cô gái bán hoa để lấy thông tin về những địa điểm cập bến mới của các con tàu...

Dần dà, Feeney mở rộng lĩnh vực hoạt động thương mại của mình. Ở thời điểm đó, khái niệm “mua hàng miễn thuế” đối với những người đi du lịch nước ngoài và mua hàng được miễn thuế nhập khẩu vẫn còn rất mới mẻ. Trí tuệ sáng láng của Feeney đã nhìn thấy ở đây một cơ hội làm ăn lớn nên ông rủ người bạn học cùng lớp đại học là Robert Warren Miller và hai đối tác khác cùng thiết lập mạng lưới các cửa hàng kinh doanh miễn thuế-Duty Free Shoppers (DFS Group)-vào tháng 7-1960. Hệ thống này đã đặc biệt trở nên mạnh mẽ vào năm 1964, khi Nhật Bản lại cho phép các công dân của mình đi ra nước ngoài (hoạt động này đã bị Tokyo cấm từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai). Hệ thống Duty Free Shoppers đã thỏa sức bán cho các khách du lịch người Nhật thuốc lá, rượu cognac, túi xách và nhờ thế hái ra rất nhiều triệu USD. Mọi việc diễn ra tốt đẹp đến mức, khi quyết định mở thêm một cửa hàng bán miễn thuế mới tại hòn đảo nhỏ Saipan với dân số chỉ có hơn 50 nghìn người trên Thái Bình Dương, Feeney và các đối tác đã tự bỏ tiền ra xây luôn một sân bay ở đây...

Năm 1988, Tạp chí Forbes đã xác định giá trị gia sản mà Feeney đang sở hữu ở mức 1,3 tỷ USD và xếp ông ở vị trí 31 trong danh sách những người giàu nhất nước Mỹ.

Tiền có thể cho đi

Thực ra, ở thời điểm đó, số tiền này đã không còn thuộc về Feeney nữa. Bốn năm trước đó, ông chuyển gần hết cổ phần của mình trong Duty Free Shoppers (khoảng 38,75%) cho tổ chức từ thiện của ông là Atlantic Philanthropies (được thành lập năm 1982). Việc đổi chủ sở hữu này đã được tiến hành kín đáo, chỉ những người thân thiết với Feeney được biết. Nhà tỷ phú đã ẩn danh để hỗ trợ cho các dự án từ thiện thông qua Atlantic Philanthropies. Ông cũng vẫn tiếp tục duy trì nếp sống thanh bạch như cũ và điều hành Duty Free Shoppers một cách mạch lạc, ăn nên làm ra. Theo đánh giá của Tạp chí Forbes năm 2012, Feeney thích hái ra tiền, nhưng lại không cần tới chúng khi đã vào trong túi ông...

Vào thời điểm này, Atlantic Philanthropies đã làm từ thiện tới 600 triệu USD. Tạp chí Forbes vì những hoạt động từ thiện ẩn danh đã gọi Feeney là James Bond  (điệp viên 007) của làng từ thiện.  

Phương châm hành xử của ông là cho tiền khi ta còn sống vui hơn khi ta đã chết đi. Ông đầu tư vào những dự án lớn mà theo ông có thể mang lại lợi nhuận cao nhất. Atlantic Philanthropies đã đầu tư không hoàn lại 3,7 tỷ USD cho công cuộc giáo dục và các nghiên cứu khoa học (trong đó Đại học Cornell của Feeney đã được nhận gần 1 tỷ USD). Số tiền mà Atlantic Philanthropies đã làm từ thiện cho hoạt động nhân quyền là 870 triệu USD. Lĩnh vực y tế công cộng đã nhận được từ Atlantic Philanthropies hơn 700 triệu USD (Việt Nam cũng từng nhận được những khoản tài trợ không nhỏ từ tổ chức này cho phát triển y tế công cộng). Tổ chức từ thiện này đã hỗ trợ cho các dự án chống HIV/AIDS ở Nam Phi, những cuộc vận động nhằm bỏ án tử hình ở Mỹ đối với người chưa thành niên và việc phát triển các trường đại học ở Ireland. Nó đã cấp 6.500 khoản hỗ trợ; khoản hỗ trợ cuối cùng được Atlantic Philanthropies cấp là vào năm 2016 (những năm gần đây cho tới tháng 9-2020, tổ chức này phải lo việc tự giải thể). Cũng trong năm 2016, Feeney đã tặng 7 triệu USD cho Đại học Cornell, nhằm hỗ trợ sinh viên làm công tác dịch vụ cộng đồng...

Feeney thực hiện các hoạt động từ thiện cũng chỉn chu như khi ông kinh doanh. Atlantic Philanthropies yêu cầu những người được nhận các khoản trợ cấp phải trình bày tỉ mỉ các kế hoạch kinh doanh và phải báo cáo trung thực về hiệu quả của những đồng tiền đã được sử dụng. Nếu các dự án bị trục trặc thì nguồn tiền tài trợ cũng bị chấm dứt. Để gia tăng hiệu quả từ những khoản tiền tài trợ, Feeney đã mời cả các chính phủ cùng tham gia.

Năm 2011, Feeney tham gia Phong trào “Lời cam kết hiến tặng” do nhà đầu tư Warren Buffett và người sáng lập công ty Microsoft, Bill Gates, các nhân vật được coi là những nhà từ thiện lớn nhất thời hiện đại, thành lập năm 2010. Thành viên của phong trào này là những cự phú tự nhận trách nhiệm dành phần lớn gia sản của mình cho hoạt động từ thiện-khi còn sống và trong di chúc. Hiện nay, đã có tới hơn 200 cự phú ở khắp thế giới tình nguyện tham gia “Lời cam kết hiến tặng”...

Thanh đạm mới thanh cao

Năm 2012, khi trò chuyện với phóng viên Tạp chí Forbes, Feeney tự xác định gia sản riêng mà ông giữ cho mình ở mức 2 triệu USD. Theo Feeney, chỉ chừng ấy là đủ cho vợ chồng ông sống tới khi trút hơi thở cuối cùng. Suốt cả đời mình, Feeney đã duy trì một nếp sống tối giản, ông ở trong 3 căn hộ thuê (tại San Francisco, Brisbane và Dublin). Mỗi khi tới New York, ông thường nghỉ trong căn hộ của con gái... Trước năm 75 tuổi, ông chỉ bay ở hạng bình dân. Ông di chuyển bằng metro vì không có ô tô riêng, hơn nữa, ông rất ghét cảnh tắc xe... Ông mang giấy tờ không phải trong cặp da mà trong các túi nhựa. Ông cũng chỉ đeo loại đồng hồ Casio giản dị “vì nó cũng cho ta biết thời gian giống y như loại Rolex sang trọng”. Ông đi ăn không phải trong các nhà hàng sang trọng mà thường dùng bữa trưa ở các quán bình dân. Những người gần gũi với ông kể, bao giờ ông cũng hỏi trước giá các thứ mà mình muốn mua...

Năm 2018, trên bức tường căn hộ của ông ở San Francisco, nơi mà ông mời phóng viên Tạp chí Forbes tới để tiếp tục trả lời phỏng vấn, có treo tấm bảng ghi: “Chúc mừng Chuck Feeney đã hoàn thành việc trao 8 tỷ USD để làm từ thiện”.

Một trong số không nhiều phần thưởng mà Feeney nhận trong đời mình, đó là bằng chứng nhận học vị tiến sĩ danh dự của tất cả các trường đại học ở Ireland. Bằng chứng nhận này được trao lần đầu tiên trong lịch sử Ireland. Dư luận ở Ireland đánh giá rằng Feeney đã làm cho quốc đảo này nhiều tới mức có thể sánh với Thánh Patricio, vị thánh bảo trợ cho các tín đồ Thiên chúa giáo ở đây...

Hiện Chuck Feeney lo lắng một điều, có lẽ ông khó có thể sống tới khi kết thúc một số dự án mà ông đã đầu tư từ thiện... Đánh giá về ông, tỷ phú Bill Gates đã nói: “Feeney-hình mẫu lý tưởng để học theo và là thí dụ tốt nhất về việc làm sao có thể làm việc thiện khi còn sống”...

ĐẶNG ĐÌNH NGUYÊN