Ý nghĩ thanh xuân, nhiệt huyết thanh xuân, sức sáng tạo thanh xuân, thời thanh xuân... luôn gắn với những hành động, tư tưởng mang ý nghĩa vượt thoát, những khát vọng cống hiến, có khả năng gây ảnh hưởng, truyền cảm hứng cho những người khác.

Nhiều nhà nghiên cứu từng nói về quyết định táo bạo của đức Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long năm 1010, khi ngài hơn 30 tuổi; Hoàng đế Quang Trung lên ngôi, đem quân ra Bắc đánh đuổi sạch quân xâm lược Mãn Thanh ra khỏi bờ cõi, trực tiếp chỉ huy một chiến dịch có ý nghĩa kết thúc cuộc chiến tranh xâm lược của phương Bắc khi ngài cũng ở lứa tuổi 30. Tính về tuổi tác thì đó là thời kỳ sung sức và mạnh mẽ nhất của một đời người, là thời kỳ chín của những lựa chọn quan trọng.

 Lộc xuân. Ảnh: HÀ QUỐC THÁI 

Ở các bậc anh hùng này, hiển nhiên ý nghĩ thanh xuân, quyết định sáng suốt và hành động quyết liệt khẳng định tầm nhìn vượt trước thời đại của họ. Không chấp nhận sự yên phận mà hướng tầm nhìn đến sự phát triển “muôn đời” của quốc gia, Lý Thái Tổ từ bỏ sự bình yên, chấp nhận thử thách và lịch sử mãi mãi ghi công ông không phải chỉ là một quyết định dời đô mà là một tầm nhìn vượt trước thời đại để cho con cháu bây giờ có được một cơ đồ như ngày nay. Quang Trung quyết đánh một trận không phải chỉ để phân định thắng thua mà đánh cho giặc không còn mảnh giáp, đánh cho giặc phải khiếp sợ, phải từ bỏ dã tâm xâm lược bởi đã biết “nước Nam anh hùng này có chủ”.

Các vị không hành động vì cá nhân mình nhưng đã dám gánh trọng trách, dám đương đầu với thử thách và thành công. Họ hiểu được vận nước, hiểu được lòng dân và biết dựa vào đó nên tầm nhìn của họ được thăng hoa cùng tầm vóc dân tộc. Đó là một thực tế lịch sử, muốn nói khác đi, không được. Và điều quan trọng hơn là sau hành động của các vị đã tạo nên một xung động mới cho đất nước vận động về phía trước. Nó mở ra vận hội cho nhiều người, làm thay đổi nhận thức cho cả một dân tộc ở trên những vấn đề lớn nhất. Sau việc dời đô của Lý Thái Tổ, giới sử học nước nhà cho rằng ngài đã mở đầu cho một thời kỳ trị nước không phải bằng sức mạnh quân sự mà là bằng văn hóa, bằng văn trị, để đến vài trăm năm sau, Nguyễn Trãi hạ bút viết “như nước Đại Việt ta thực là một nước văn hiến”... Đó là một bước tiến thần kỳ. Và với Quang Trung, mở ra một xung động phát triển mới của lịch sử. Tiếc rằng, cái chết đã không cho ông thực hiện được những dự định của mình. Nhưng ánh sáng của ngôi sao băng ấy vẫn là một vầng sáng trong lịch sử Việt Nam. 

Tuổi thanh xuân đáng quý với tất cả nhưng nó càng đáng quý hơn khi con người biết dùng những thời gian, sức lực mạnh mẽ và giàu sáng tạo nhất ấy hiến dâng cho những công việc cho số đông, đất nước chứ không chỉ cho những lo toan quẩn quanh của riêng mình. Dẫn chứng về những người tuổi trẻ tài cao, ý chí và khát vọng vượt trước thời đại thì nhiều lắm bởi tuổi thanh xuân cũng còn là tuổi hiến dâng sức nghĩ, nhiệt huyết của tuổi trẻ cho cộng đồng, cho sự nghiệp chung. Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên Trần Phú khi nhận trọng trách mới 24 tuổi. Lý Tự Trọng khi bị kẻ thù gợi ý nhận những “sai lầm” do trẻ tuổi, hối cải sẽ được nhà nước Đại Pháp “ân xá” đã trả lời đại ý: Tuổi ông còn trẻ nhưng lựa chọn con đường hy sinh cho đất nước của ông là một lựa chọn đúng đắn và sáng suốt, cho tới ngày ra pháp trường vẫn ung dung đọc sách trong tù, vẫn sống những ngày cuối cùng của đời người rất có ý nghĩa. Chàng trai Pavel Korchagin có câu nói nổi tiếng: “Đời người chỉ sống có một lần” nên phải sống cho ra sống, để sau này không phải hổ thẹn “vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí”, để được yên lòng khi “nhắm mắt xuôi tay” vì đã “hiến dâng” tuổi thanh xuân cho sự nghiệp cao cả nhất: Sự nghiệp giải phóng con người. Cái chết của người thợ điện Nguyễn Văn Trỗi đã “hóa thành bất tử” bởi dù mới cưới vợ được 19 ngày, anh đã sẵn sàng vào cuộc chiến đấu sống mái với kẻ thù. Những người trẻ tuổi lựa chọn dâng tuổi trẻ, sức lực, tình yêu và cả sinh mạng của mình cho nhân dân, đất nước không phải vì họ không quý tuổi xuân và tương lai của mình mà họ nhận thức được nghĩa vụ của mình trước những điều lớn lao vì sự sống còn của đất nước, vì tương lai của dân tộc. Chính vì thế nhà thơ Thanh Thảo đã viết về thế hệ mình “tuổi hai mươi làm sao không tiếc” nhưng dám chấp nhận ra chiến trường, chấp nhận hy sinh để đem lại độc lập, tự do cho đất nước, cho hạnh phúc của đồng bào mình như một lẽ tự nhiên bởi “ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc”. Ở họ, tình cảm và nghĩa vụ trước đất nước, nhân dân hết sức rành mạch. Họ cũng như bao nhiêu người khác ngã xuống và sống mãi tuổi hai mươi. Họ dùng chính cuộc đời của họ để gieo mầm cho sự sống, cho tương lai của người khác. Họ quý trọng mạng sống của mình nhưng khi Tổ quốc cần, họ sẵn sàng dâng hiến.

Tuổi thanh xuân đồng nghĩa với tuổi trẻ, sức trẻ, tương lai. Nhưng sức nghĩ, nhiệt huyết, sự sáng tạo không phải bao giờ cũng chỉ có ở những người trẻ tuổi. Bởi trong cuộc sống có rất nhiều người “trẻ mãi không già”, tuổi tác chỉ là ghi dấu năm tháng họ đã tồn tại trên thế gian vì họ luôn sống mạnh mẽ, sự trẻ trung trong suy nghĩ, hành động của họ vẫn đồng hành cùng giới trẻ.

Nguyễn Trãi đã viết: “Biên xanh nỡ phụ người đầu bạc/ Đầu bạc xưa nay có thuở xanh” (Tuổi xanh chớ có chế đầu bạc/ Đầu bạc nhớ khi có thuở xanh) cũng có ý nói đến điều này. Chính Bác Hồ đã tự viết về mình: “Chưa năm mươi đã kêu già/ Sáu ba, mình nghĩ vẫn là đương trai/ Sống quen thanh đạm nhẹ người/ Việc làm tháng rộng ngày dài ung dung!”. Như vậy, tuổi tác, sức khỏe không phải là điều quyết định đến lối sống, thái độ của con người trước cuộc đời. Người ta mới năm mươi đã than già, trong khi Bác sáu mươi ba tuổi luôn thấy mình ung dung tự tại, tự tại ở tâm tĩnh, ở chỗ sự hài hòa giữa công việc và cuộc sống.

Nhớ lại chuyện xưa, có danh nhân Nguyễn Công Trứ không bao giờ nhận mình già. Ông sống trẻ trung không phải chỉ trong chuyện cuộc đời, tình yêu, dù câu thơ nổi tiếng của ông trả lời một cô gái hỏi tuổi mình “ngũ thập niên tiền, nhị thập tam” (năm mươi năm trước anh hai mươi ba). Trả lời người con gái hỏi tuổi mình bằng thơ, kể đã là lãng mạn nhưng điều bất ngờ hơn ở đây là năm mươi năm trước anh hai mươi ba tuổi. Ở vào tuổi “xưa nay hiếm” mà xưng anh với cô gái trẻ mới quen lại tế nhị và khéo léo như thế, chắc chỉ có ở những người luôn quên tuổi tác của mình, luôn sống với tuổi thanh xuân tự đáy lòng, tự tâm hồn, ở những con người luôn làm chủ được bản thân, chủ động trước hoàn cảnh. Một người luôn lo lắng về tuổi tác, không có tâm hồn trẻ trung chắc không thể có được một thái độ như vậy trước cuộc đời. Những người sống trẻ luôn truyền cảm hứng cho những người xung quanh và tình yêu đời, yêu cuộc sống ở họ cũng trở thành chất xúc tác khiến người xung quanh trẻ lại. Nhưng Nguyễn Công Trứ không chỉ trẻ trung trong cuộc sống riêng, suy nghĩ về đất nước lúc nào cũng sôi sục, không khác gì người trẻ. Tương truyền, năm 1858, khi thực dân Pháp nổ súng tấn công vào Đà Nẵng, Nguyễn Công Trứ lúc đó đã vào tuổi tám mươi vẫn xin triều đình cho mình ra trận. Ít tuổi hơn ông cũng có nhiều bậc sĩ phu tuổi đã cao vẫn hăng hái lên đường cản địch. Phạm Văn Nghị lúc đó cũng đã cáo quan về quê dạy học, lại đang mang bệnh vẫn giao việc đang làm cho bạn, dâng lên vua Tự Đức bản “Trà Sơn kháng sớ”, mộ 365 nghĩa dũng, trong đó có nhiều học trò xin vua cho vào Đà Nẵng giết giặc. Dù giặc đã rút, triều đình không cho đội quân của ông vào Gia Định nhưng tấm gương vì nước của ông và các sĩ phu Bắc Hà vẫn làm nức lòng quân dân cả nước. Cái cương cường của ý chí các bậc cha anh không phải chỉ đến lúc này mới “truyền lửa” cho giới trẻ.

Trong phong trào khởi nghiệp hiện nay có rất nhiều người cao tuổi cũng tham gia và họ thành công. Nhiều người nghỉ hưu mới có thời gian phát hiện ra nhiều tiềm năng khác bấy lâu đang ngủ quên. Họ cầm bút vẽ, viết, học tập, lao động đầy sáng tạo và giàu cảm hứng... Thế nên, mỗi người nên luôn đánh thức tuổi thanh xuân trong mình, hướng nó đến những công việc có ích thì sức thanh xuân của một đất nước, cộng đồng sẽ được nhân lên. Đó cũng là tiềm năng đáng quý của xã hội.

PGS, TS PHẠM QUANG LONG