Người thầy “tiếp lửa”

Gặp chị vào buổi tập luyện, tổng duyệt Liên hoan Ban nhạc, Nhóm nhạc, Nhóm nhảy đúng dịp 20-11 ở Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội (VHNTQĐ), thấy chị chăm chú theo dõi không rời mắt từng tiết mục, tận tình chỉnh sửa, hướng dẫn sinh viên từng chút một để phần thể hiện của các em hoàn hảo nhất. Được biết đến là một ca sĩ nổi tiếng ở dòng nhạc thính phòng, giành nhiều giải thưởng danh giá trong nước và quốc tế, cũng là một người thầy, Thiếu tá Đỗ Thị Phương Mai luôn muốn truyền cho học trò của mình những điều tốt nhất.

 Ca sĩ Đỗ Thị Phương Mai.

Dù trong nhà không ai theo nghệ thuật nhưng Phương Mai sớm bộc lộ năng khiếu âm nhạc của mình khi đi ôn luyện để thi vào Trường Đại học VHNTQĐ và được đặc cách tuyển vào Khoa Thanh nhạc. Một nữ sinh tuổi mười tám, đôi mươi lại thích hát, thích nghe nhạc cổ điển, thích xem nhạc kịch. Trong quá trình học tập, các thầy cô với kinh nghiệm chuyên môn và thực tế đã phát hiện khả năng của Phương Mai ở dòng nhạc này và định hướng cho chị theo dòng nhạc cổ điển. Bản thân Phương Mai cũng thấy đây là một lựa chọn phù hợp. Chính sự quan tâm, chỉ bảo và rèn giũa tận tình, tâm huyết của các thầy cô trong trường, đặc biệt là Khoa Thanh nhạc đã giúp Phương Mai phát huy được những khả năng của mình trong nghệ thuật. Thực tế đã chứng minh điều đó khi năm 2009, vừa tốt nghiệp hệ cao đẳng, Phương Mai đoạt giải nhất Cuộc thi hát Thính phòng-Nhạc kịch lần thứ 4 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kết hợp với Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức. Đây là cuộc thi uy tín trong nước với sự tham gia của nhiều ca sĩ tên tuổi, giảng viên thanh nhạc. Giải thưởng đã đánh dấu, tạo bước ngoặt lớn cho con đường nghệ thuật của Phương Mai.

Sau khi trở thành giảng viên của Khoa Thanh nhạc, năm 2011, Phương Mai được cử đi Nga học thạc sĩ. Luôn phấn đấu nỗ lực học hỏi để hoàn thiện bản thân, sang Nga, chị tìm hiểu và thi đỗ vào Học viện Âm nhạc Quốc gia Gnesin-một ngôi trường danh tiếng về đào tạo âm nhạc hàn lâm. Trong khoảng thời gian học tập, nghiên cứu tại đây, Phương Mai có cơ hội tham gia và giành giải trong những cuộc thi thanh nhạc cổ điển, trong đó nổi bật là giải nhì cuộc thi âm nhạc dành cho giảng viên được tổ chức tại Warszawa, Ba Lan. Đây là cuộc thi thanh nhạc quốc tế ngoài Liên bang Nga mà Phương Mai cùng chồng (Đại úy Dương Đại Lâm (nghệ danh Tùng Lâm), công tác tại Trường Đại học VHNTQĐ và cũng sang Nga học) quyết tâm tham dự.

Nhận bằng thạc sĩ, chị tiếp tục hoàn thành chương trình đào tạo sau thạc sĩ ở Nga. Trở về nước và tiếp tục nhận nhiệm vụ công tác tại Trường Đại học VHNTQĐ, năm 2019, Thiếu tá Đỗ Thị Phương Mai được bổ nhiệm vị trí Chủ nhiệm Khoa Thanh nhạc, tiếp tục những cống hiến về nghệ thuật cũng như đào tạo cho nhà trường.

Phương Mai tâm sự, chị được “truyền lửa” nghệ thuật và đam mê nghề nghiệp từ chính các thầy giáo, cô giáo của khoa và nhà trường. Sự tận tâm, tài năng của các thầy cô giúp chị có được những bước đi đúng đắn trong cuộc đời. Phương Mai của hôm nay chính là một minh chứng sinh động cho những cống hiến tâm huyết của các thế hệ giảng viên, nghệ sĩ Khoa Thanh nhạc và Trường Đại học VHNTQĐ. Bản thân chị đã được hưởng những điều tốt đẹp có thể nói là truyền thống của nơi đây. Ở đó, thầy cô quan tâm học viên như con em trong gia đình, cho các em những lời khuyên, định hướng, giúp đỡ trong nghệ thuật và cả trong cuộc sống. Học viên cũng có thể chia sẻ với thầy cô của mình mọi buồn vui, thắc mắc bất cứ khi nào. Khi được phát hiện, được hướng dẫn đi đúng đường cùng tình cảm ấm áp, chan hòa sẽ giống như ngọn lửa thổi bùng lên tài năng của mỗi người. Chị đã được “tiếp lửa” để thành công như vậy. Rồi chị lại tiếp nối truyền thống ấy để truyền “ngọn lửa” nghề, trở thành tấm gương, nguồn cảm hứng cho các thế hệ sau. Kinh nghiệm của Phương Mai thật đơn giản: Hãy dành sự yêu thương, quan tâm đúng cách và những lời khuyên chân thành tới các em. Khi đó mọi việc đều sẽ có hướng đi đúng và hiệu quả.

Tiếng sáo Hà Công Cương

Trở về nước sau Hội thao quân sự quốc tế 2020 diễn ra ở Nga với giải nhất cho tiết mục độc tấu sáo trúc, Trung úy QNCN Hà Công Cương (Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội) cùng cây sáo lại tiếp tục với những cuộc thi, những màn biểu diễn phục vụ bộ đội. Tiếng sáo của Công Cương thật hấp dẫn người nghe, cũng như chính câu chuyện về hành trình của anh-từ một cậu bé ở vùng quê nghèo miền núi tới nghệ sĩ đứng trên những sân khấu lớn vậy.

 Nghệ sĩ Hà Công Cương biểu diễn tiết mục “Truy kích”. Ảnh: THU HÒA

Còn nhớ, đêm thi của Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội tại Cuộc thi hòa tấu, độc tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc, năm 2020, khi Công Cương bước ra sân khấu, trên mình khoác bộ rằn ri, với cây sáo trên tay, những tràng vỗ tay thật lớn của khán giả đã vang lên cổ vũ. Và rồi những thanh âm từ cây sáo cùng tài năng của Hà Công Cương đã kể câu chuyện “Truy kích” đầy gay cấn, có những cao trào đối diện với hiểm nguy, có những quãng bay bổng lãng mạn của người lính... Trong tiết mục “Men say”, Hà Công Cương lại hóa thân vào chàng trai dân tộc thổi lên những khúc tự tình khiến người nghe say đắm... Tài năng của Hà Công Cương thêm một lần nữa được khẳng định khi anh giành huy chương vàng tại cuộc thi.

Hà Công Cương là người dân tộc Tày, sinh ra ở vùng quê miền núi của huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang). Ngay từ nhỏ, Hà Công Cương đã được ông nội dạy thổi sáo, thổi kèn, chơi đàn nhị, đàn bầu... Tiếng nhạc từ tài năng và sự ham học hỏi của cậu bé Cương đã réo rắt, vui tai, vang vọng khắp thôn nghèo thanh vắng Pá Tao Thượng. Được ông nội động viên, năm lớp 10, Cương thi vào Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Tây Bắc. Trong thời gian học, đọc được thông báo tuyển sinh của Trường Đại học VHNTQĐ, Cương về xin gia đình chuyển trường. Cương bị mẹ phản đối vì điều kiện kinh tế gia đình khó khăn. Tuy nhiên, bố Cương rất thương con trai, quyết bán hai bao thóc cuối cùng để làm lộ phí đưa con xuống Hà Nội thi cử; thi xong về đến huyện, hai bố con chỉ còn 35.000 đồng, trong khi nhà cách đó vài chục cây số đường đất đá...

Tốt nghiệp hệ trung cấp Khoa Nghệ thuật dân tộc và miền núi năm 2011, Cương đã suy nghĩ rất nhiều có nên học tiếp hay về quê. Một số người khuyên thôi học, nhưng lúc này bố mẹ Cương lại động viên vì cả họ Hà chưa có ai học cao đến mức đó. Công Cương quyết định tiếp tục học hệ đại học. Để có tiền học tiếp, Cương không nề hà bất cứ công việc gì từ bốc vác, phụ hồ... chỉ để mỗi ngày có thu nhập từ 50 đến 70.000 đồng trang trải tiền ăn và tích cóp trả tiền thuê nhà trọ. Ngay cả những ngày Tết, khi bạn bè háo hức về quê cùng gia đình, Công Cương cũng chỉ về thăm bố mẹ ít ngày rồi lại khoác ba lô lên đường tranh thủ đi làm thuê.

Năm 2012, Công Cương là một trong số 7 sinh viên xuất sắc của Trường Đại học VHNTQĐ được cùng 25 giảng viên tham gia Cuộc thi hòa nhạc toàn quốc tại Huế và giành huy chương bạc; năm 2014, Công Cương tiếp tục dự thi Liên hoan độc tấu và hòa tấu nhạc cụ truyền thống toàn quốc tại Đà Lạt ở nội dung song tấu và đoạt giải nhì... Tháng 8-2015, Hà Công Cương được vinh danh tốt nghiệp thủ khoa xuất sắc của Trường Đại học VHNTQĐ với điểm học tập toàn khóa 9,52. Năm 2016, Cương trở thành nghệ sĩ của Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội.

Từ cậu bé miền núi nhà nghèo, bằng lửa đam mê nghệ thuật và những nỗ lực vượt lên mọi khó khăn, Công Cương đã trở thành solist sáo trúc tài năng, góp mặt tham gia ở rất nhiều chương trình biểu diễn quan trọng phục vụ nhiệm vụ chính trị, đối ngoại của nhà hát; biểu diễn phục vụ cán bộ, chiến sĩ, nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo, biên giới. Câu chuyện của Hà Công Cương thắp lên “ngọn lửa” đam mê nghệ thuật, hy vọng và quyết tâm cho nhiều câu chuyện khác trong cuộc sống.

CHÂU ANH - DƯƠNG THU