Người đầu tiên tôi muốn nhắc tới đó là cố nhạc sĩ, Thiếu tướng An Thuyên-người bạn tài hoa đã đi xa nhiều năm nay về cõi vĩnh hằng.

 Nhạc sĩ An Thuyên

An Thuyên tên khai sinh là Nguyễn An Thuyên, sinh ngày 15-8-1949 (năm Kỷ Sửu), ở Quỳnh Lưu, Nghệ An. Lúc tôi gặp An Thuyên vào mùa thu 1978, là khi An Thuyên cùng đoàn ra Hà Nội biểu diễn và tập huấn. Cả hai thằng đều mê mải viết ca khúc. Khi tuổi ngấp nghé “tam thập nhi lập”, An Thuyên đã có ca khúc “Em chọn lối này” được thu thanh với giọng hát Thanh Hoa. Chả mấy chốc, ca khúc trở nên nổi tiếng. Sau này, An Thuyên có cả sự nghiệp âm nhạc đồ sộ, nhưng “Em chọn lối này” vẫn chiếm một vị trí quan trọng trong sự nghiệp của anh. Lúc ấy, An Thuyên đã hoàn thành “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác” với việc sử dụng nhịp 7/8 của ví, giặm rất độc đáo.

Năm 1981, An Thuyên được cử đi học khoa sáng tác bậc đại học ở Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Trong lúc đang tu nghiệp, An Thuyên đã phát tỏa tài năng qua những ca khúc đầy sức cuốn hút và được ghi nhận bằng những giải thưởng, như: Giải thưởng Bộ Quốc phòng với “Hành quân lên Tây Bắc” năm 1984, giải nhất cuộc thi ca khúc toàn quốc với “Tiếng đàn ba-la-lai-ca trên sông Đà” năm 1985 (ca khúc phỏng thơ Quang Huy) v.v.. Trên cương vị Hiệu trưởng Trường Cao đẳng (sau này là Đại học) Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, anh là nhạc sĩ quân đội đầu tiên mang quân hàm thiếu tướng. Năm 1995, An Thuyên đã là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam, rồi sau đó trở thành Phó chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho đến trước khi từ giã cõi đời ít năm.

Nhạc sĩ Phú Quang 

Nhạc sĩ tuổi Kỷ Sửu Phú Quang cũng là một nhạc sĩ nức tiếng tài năng của làng âm nhạc Việt Nam. Phú Quang tên khai sinh là Nguyễn Phú Quang, sinh ngày 13-10-1949 tại Thạch Thất, Hà Nội. Khi tôi vào học Đại học Kỹ thuật Thông tin liên lạc (nay là Học viện Công nghệ Bưu chính-Viễn thông) thì Phú Quang vào học thổi kèn Cor, hệ trung cấp tại Nhạc viện Hà Nội. Học chơi nhạc khí, nhưng Phú Quang đã có thiên bẩm sáng tác. Tiểu phẩm anh viết cho sáo flute đã trở thành nhạc mở đầu Chương trình “Đọc truyện đêm khuya” của Đài Tiếng nói Việt Nam suốt nhiều năm tháng. Sau khi tốt nghiệp loại ưu, Phú Quang về Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam. Ít ngày sau khi giải phóng miền Nam, Phú Quang đã cùng dàn nhạc giao hưởng vào Sài Gòn biểu diễn tại Nhà hát Lớn bản Giao hưởng số 5 của L.V.Beethoven. Anh là người mở đầu giao hưởng bằng tiếng kèn Cor của mình với 4 nốt nhạc kinh điển như tiếng gõ cửa của định mệnh mà nhạc sĩ thiên tài đã viết ra khiến người ta quen gọi là bản giao hưởng “Định mệnh”.

Sau “Trận chiến văn nghệ-Trận chiến cuối cùng” chinh phục lòng người Sài Gòn sau giải phóng, Phú Quang tiếp tục tu nghiệp chỉ huy tại Nhạc viện Hà Nội và thành lập ban nhạc “Mùa thu” chơi nhạc bán cổ điển và chuyển soạn thành công nhiều ca khúc, đặc biệt là “Bài ca xây dựng” của Hoàng Vân do Phú Quang phối khí. Tôi gặp Phú Quang vào mùa đông năm 1978 khi đến chơi nhà Nguyễn Đình Chính (con trai Nguyễn Đình Thi). Lúc ấy, Phú Quang đã bắt đầu viết ca khúc.

Thời thanh xuân, Phú Quang đẹp trai, ít nói, hay cười mủm mỉm. Nhưng bây giờ thì nói nhiều hơn. Năm 1986, Phú Quang rời Hà Nội vào công tác tại Sở Văn hóa (nay là Sở Văn hóa và Thể thao) TP Hồ Chí Minh. Chính cuộc ly hương này đã thực sự biến Phú Quang thành “nhạc sĩ của nỗi nhớ rét” với nhiều ca khúc về Hà Nội, nhiều đến chóng mặt, như: “Im lặng đêm Hà Nội” (thơ Phạm Thị Ngọc Liên), “Đâu phải bởi mùa thu” (thơ Giáng Vân), “Lãng đãng chiều đông Hà Nội” (thơ Tạ Quốc Chương), “Nỗi nhớ mùa đông” (thơ Thảo Phương), “Em ơi Hà Nội phố” (thơ Phan Vũ)... Tài hoa của Phú Quang còn ở lĩnh vực khí nhạc với những tiểu phẩm thính phòng, giao hưởng, nhạc cho kịch, cải lương, múa, nhạc phim mà điển hình là nhạc cho phim “Bao giờ cho đến tháng Mười”. Giai điệu Phú Quang lắng đọng, đẹp và trữ tình, dễ thấm vào người nghe. Nhiều năm ở thế kỷ mới, Phú Quang luôn độc diễn các chương trình ở Nhà hát Lớn Hà Nội. Và chương trình nào cũng “cháy vé”. Đang ở đỉnh cao của vinh quang và dâng hiến, bạo bệnh đã buộc Phú Quang phải nằm viện suốt năm 2020-năm đại dịch Covid-19. Báo Thể thao & Văn hóa đã trao Giải thưởng “Bùi Xuân Phái-Vì tình yêu Hà Nội” cho anh khi anh vẫn chống chọi với bạo bệnh từng ngày. Hy vọng anh sẽ trở lại với đời thường trong mùa Xuân Tân Sửu 2021 và tiếp tục dâng hiến cho cuộc đời ở tuổi đã qua “nhân sinh thất thập cổ lai hy”.

Nhạc sĩ Văn Thành Nho 

Trong số những nhạc sĩ tuổi Kỷ Sửu mà nổi tiếng thì Văn Thành Nho là người sinh sớm hơn. Anh sinh ngày 2-8-1949 tại Vụ Bản, Nam Định. Vụ Bản đã có Văn Cao, Văn Ký làm rạng danh nền âm nhạc Việt Nam. Văn Thành Nho là nhạc sĩ kế tục. Anh vốn là lính thời chống Mỹ. Sau ngày thống nhất, anh học Trường Đại học Văn hóa Hà Nội. Tốt nghiệp, anh học tiếp khoa sáng tác tại Nhạc viện Hà Nội. Những năm tháng tu nghiệp âm nhạc cũng chính là những năm tháng xảy ra chiến tranh bảo vệ biên giới. Trong những bài ca hào hùng thời kỳ đó, “Đất nước lời ru” của Văn Thành Nho còn đượm chất trữ tình và âm hưởng ca trù đến nao lòng. Tôi nhớ hình như lần đầu tiên, nó được vang lên bởi giọng ca vàng Thu Hiền và tốp ca nam nữ. “Đất nước lời ru” cũng khiến cho tôi và Văn Thành Nho trở thành bạn bè tâm đắc của nhau. Cái thời ấy, bạn bè sao đẹp thế. Tôi còn rủ Nho đi sáng tác cho Nhà máy Thông tin M1 (nay thuộc Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội-Viettel) cùng Văn Cao, Trần Chung, Thuận Yến, Thế Song... Vui nhất là năm 1985, cả An Thuyên, Văn Thành Nho và tôi đều được giải thưởng “Ca khúc toàn quốc”. Ca khúc “Tình người Hà Nội” của Văn Thành Nho cũng là một giai điệu rất riêng của chàng trai Vụ Bản-nơi có Phủ Giày thờ bà Liễu Hạnh.

Văn Thành Nho cũng đẹp trai không kém An Thuyên và Phú Quang. Anh giống tôi là cũng làm báo, làm phóng viên văn hóa-văn nghệ mà chủ yếu là viết về âm nhạc. Văn Thành Nho cũng như An Thuyên đã được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học-nghệ thuật. An Thuyên được trao năm 2007, còn Văn Thành Nho được trao năm 2017.

Nhạc sĩ Phan Long 

Cùng tuổi Kỷ Sửu, nhạc sĩ Phan Long sinh ngày 20-9-1949 tại Phú Thọ-đất Tổ Hùng Vương. Phan Long đang học tại Nhạc viện Hà Nội thì nhập ngũ, trở thành diễn viên Đoàn Ca múa nhạc Quân chủng Phòng không-Không quân từ năm 1968, cũng đi theo bước chân người lính khắp các nẻo chiến trường. Sau Hiệp định Paris, Phan Long chuyển ngành về làm phóng viên âm nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam. Từ khi chưa gặp và thân thiết với Phan Long, tôi đã rất mê bài hát thiếu nhi “Từ Ra-dơ-líp đến Pác Bó” của chàng nhạc sĩ điển trai mắt một mí này. Bài hát không chỉ hồn nhiên, ngây thơ mà còn có nhạc tính rất cuốn hút, nhất là đoạn “Lá lá la la là la lá lá”. Đến khi tôi gặp Phan Long, Phan Lạc Hoa... thì chúng tôi cặp kè bên nhau từ chiếu rượu đến sân khấu ca nhạc. Người biên tập bài hát thiếu nhi đầu tiên mà tôi thu thanh ở Đài Tiếng nói Việt Nam chính là Phan Long. Đấy là bài “Bàn tay mẹ” (phổ thơ Tạ Hữu Yên) mặc dù trước đó, Bùi Đình Thảo cũng đã phổ nhạc. Ngày Phan Lạc Hoa mất, tôi và Phan Long ôm nhau khóc trước linh cữu bạn. Ấy vậy mà đã quá xa, quá xa. Phan Long cũng có trận ốm thập tử nhất sinh. Thế rồi Phan Long rời Hà Nội vào Vũng Tàu cùng đàn anh Hoàng Hà. Nhờ thế mà có “Chiều xanh Vũng Tàu”.

Ít năm sau, Phan Long lại về thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh. Phan Long là người biên tập và tổ chức thu thanh những nhạc phẩm của tôi nhiều nhất trong số vài chục nhạc phẩm Nguyễn Thụy Kha lan trên làn sóng điện. Một dịp ra Hà Nội công tác, Phan Long ngồi nhậu cùng tôi thì tình cờ gặp nữ sĩ xinh đẹp Đoàn Ngọc Thu và được nữ sĩ tặng tập thơ. Phan Long đã phổ nhạc bài “Mẹ” của Đoàn Ngọc Thu rút ra từ tập thơ này. Và bài hát đã nổi tiếng suốt mấy chục năm qua. Nhạc Phan Long không nhiều nhưng rất mê đắm lòng người. So với tuổi ngoài 70, Phan Long còn rất trẻ, rất phong độ.

 Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha

Nói về mấy ông bạn đồng niên Kỷ Sửu, có lẽ tôi cũng nên trích ngang vài dòng về mình để thấy “ngũ quái” này cũng rất... “Ngưu tầm ngưu”! Tôi sinh ngày 7-10-1949 tại làng Kha Lý, huyện Thụy Anh (nay là Thái Thụy), tỉnh Thái Bình. Cái tên Nguyễn Thụy Kha là được ghép hai chữ đầu của Thụy Anh và Kha Lý. Khi ấy, nhà tôi đang tản cư tại quê mẹ tôi. Nhờ tình cờ ghép như thế mà đã phục hồi được dòng họ Nguyễn Thụy tổ tiên ở Ngãi Am, Vĩnh Bảo-một nhánh của cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ông tôi là Nguyễn Thụy Trấn. Nhưng khi sinh ra các bác tôi và bố tôi vào lúc vua Bảo Đại (Vĩnh Thụy) lên ngôi nên không dám đặt tên đệm là Thụy nữa, sợ phạm húy. Vậy nên bố tôi tên là Nguyễn Văn Chín. Các anh và em trai tôi đều không có đệm Thụy. Riêng tôi nhờ tình cờ mà có lại tên đệm của tổ tiên. Thuở nhỏ, tôi bị đậu mùa rất nặng, mẹ tôi phải lót lá chuối để bế tôi vì mủ ra nhiều. Ông lang Mỹ là người sinh ra tôi lần thứ hai. Nếu không có ông, chắc tôi cũng chẳng còn có mặt trên đời đến hôm nay. Tôi mê âm nhạc và thơ ca từ nhỏ. Đã làm thơ và viết ca khúc từ năm 1965. Nhưng do truyền thống khoa học tự nhiên trong nhà, tôi lại trở thành kỹ sư thông tin. Chiến tranh đã “lộn trái” tôi thành người lính. Cũng vì làm người lính nên tôi tình nguyện suốt đời viết về những dâng hiến và hy sinh lặng lẽ của biết bao người lính. Tôi đã nhờ họ mà được công chúng và dư luận biết tới nhiều năm nay. Công ơn này, chỉ biết đáp đền bằng những sáng tạo và lao động nghệ thuật của chính mình. Những gì mà độc giả biết về tôi trên truyền thông cũng chỉ là hữu hạn. Tôi mong ước sang mùa Xuân Tân Sửu 2021 vẫn khỏe mạnh, vẫn dồi dào sáng tạo để tiếp tục dâng hiến cho đời như tất cả những người lính vô danh đã từng dâng hiến. “Mùa xuân vẫn có bao điều lạ” như tên một ca khúc thiếu nhi của tôi đã nhiều thế hệ biết đến.

Nhạc sĩ NGUYỄN THỤY KHA

Ảnh trong trang của Nguyễn Đình Toán