Đi bộ đội vẫn được làm nghệ thuật
38 năm đã trôi qua, Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Trung Anh vẫn không thể quên những ngày tháng trong quân ngũ. Ông nhớ lại: “Ngày 30-8-1982, 4 người chúng tôi tốt nghiệp khóa 1 Nhà hát Kịch Việt Nam thì 8 ngày sau, ngày 8-9, chúng tôi lên đường nhập ngũ. Lúc đó, tình hình bảo vệ biên giới hai đầu đất nước vẫn còn căng thẳng. Chúng tôi tập trung ở Gia Lâm 3 ngày, sau đó hành quân lên huấn luyện ở Trúc Bài Sơn, Hải Hà, Quảng Ninh. Khi đó, tôi và Kỷ 21 tuổi, anh Trinh 25 tuổi, Quốc Khánh trẻ nhất, 20 tuổi”.
 |
Nghệ sĩ Nhân dân Trung Anh. Ảnh: LIÊN VIỆT |
Bước vào môi trường mới khác hẳn với khi còn đang đi học, 4 chàng “nghệ sĩ” đang quen sống trong môi trường nghệ thuật tự do đã không khỏi choáng ngợp. “Ở mọi nơi đều có những khẩu hiệu, tôi ấn tượng nhất là khẩu hiệu “Kỷ luật là sức mạnh của quân đội”. Ngày đó vẫn còn mơ mộng, nghịch ngợm không hiểu hết. Nhưng càng về sau càng thấy những khẩu hiệu ấy giúp ích cho bản thân trong cuộc sống và nghệ thuật sau này rất nhiều”-nghệ sĩ Trung Anh chia sẻ.
Nói tới đây, ông ngừng lại, đưa cho chúng tôi xem bức ảnh chụp 4 anh em tại thị trấn Hà Cối (Hải Hà, Quảng Ninh). Ông kể: “Tấm ảnh này chụp cuối năm 1982, đó là lần đầu chúng tôi được ra khỏi doanh trại, đi chơi trong ngày. Sau 3 tháng huấn luyện chiến sĩ mới, chúng tôi được phân về Đại đội Vệ binh Sư đoàn 323, Đặc khu Quảng Ninh. Năm đầu chúng tôi huấn luyện, đi rừng, xây dựng doanh trại, làm đủ các công việc. Sang năm sau diễn ra hội diễn toàn quân, đơn vị cử chúng tôi tham dự. Các cuộc hội diễn ở cấp tiểu đoàn, trung đoàn, chúng tôi được mời luôn làm giám khảo. Đến cấp sư đoàn thì được chọn tham gia tập luyện ở thị trấn Hà Cối cùng với đội xung kích của sư đoàn. Lên cấp Đặc khu Quảng Ninh thì được chọn tham gia đội xung kích và đi tham gia hội diễn nghệ thuật toàn quân ở Thành phố Hồ Chí Minh. Năm đó, Đặc khu Quảng Ninh giật giải nhì”.
Trong đội xung kích có rất nhiều mảng: Đàn, hát, diễn kịch... rồi có cả độc tấu đàn bầu, hòa tấu..., 4 người tham gia ở mảng kịch và múa. “Mọi tiết mục đều là tự biên, tự diễn. Anh Trinh còn đứng ra biên đạo cả một phần múa của sư đoàn, trong khi không được đào tạo gì về mảng này. Ở cấp sư đoàn, tôi với Quốc Khánh diễn kịch câm. Tiết mục của chúng tôi lấy ý tưởng từ tiết mục ngày xưa xem của nghệ sĩ Phúc Dĩ với Lê Hùng biểu diễn. Khi đi hội diễn toàn quân thì chúng tôi dựng một vở kịch ngắn về quân đội và cùng làm diễn viên của vở kịch ấy”-nghệ sĩ Trung Anh nói.
Đến đầu năm 1984, khi đang đứng gác cổng thì Hạ sĩ Trung Anh thấy một chiếc xe ô tô đi đến. Trong xe là nghệ sĩ Lân Bích, người của Hãng Phim truyện Việt Nam. Anh chàng phấn khởi reo lên: “Vui quá được gặp chú. Chú đến có việc gì thế ạ?”. Nghệ sĩ Lân Bích trả lời: “À, chú lên xin lãnh đạo đơn vị cho các cháu (4 anh em) đi làm phim. Phim này cô Bạch Diệp làm, chủ đề chiến tranh, tên phim là “Trừng phạt”. Trong phim có 4 nhân vật về quân đội, các cháu mới ra trường, nhưng được rèn luyện hai năm trong quân đội thì chắc có kinh nghiệm diễn xuất về bộ đội nên chú đến xin các cháu về”.
Nghệ sĩ Lân Bích làm việc xong với lãnh đạo đơn vị thì quay ra bảo cần phải hoàn thành một số thủ tục khác nữa. “Ít lâu sau, chú quay lại đón cả 4 người chúng tôi đi làm phim 3 tháng, trong đó 2 tháng quay ở Thuận An, 1 tháng quay ở Huế. Bộ phim có sự góp mặt của rất nhiều tên tuổi gạo cội của Nhà hát Kịch Việt Nam lúc bấy giờ, như: Đoàn Dũng, Trọng Khôi, Hà Văn Trọng... Hôm vừa rồi, tôi được gặp lại chú Lân Bích. Hai chú cháu cùng ôn lại kỷ niệm chú lên đón chúng tôi trên đơn vị mà không khỏi bồi hồi”-nghệ sĩ Trung Anh cho biết.
Những bài học làm người
Hơn hai năm trong quân ngũ, tuy không phải là nhiều nhưng nghệ sĩ Trung Anh đã có được những trải nghiệm quý báu. Ông tâm sự, sau này, về với cuộc sống đời thường, khi làm việc, mới thấy thời gian ở quân đội đã cho mình kinh nghiệm sống, rèn cho mình ý chí, nghị lực vượt qua mọi khó khăn.
Trong nhiều kỷ niệm, NSND Trung Anh nhớ mãi câu chuyện lúc mới về đơn vị sau đợt huấn luyện chiến sĩ mới. Ông kể: “Hồi tôi mới về đơn vị, cứ buổi tối là đại đội lại tập trung để sinh hoạt. Hôm đó đang sinh hoạt, chúng tôi thấy có thông báo từ trên sư đoàn là cần hai vệ binh đi làm nhiệm vụ cấp tốc. Tôi với một cậu nữa người Thái Bình xung phong ngay, mặc dù chưa biết nhiệm vụ là gì”.
Trời tối đen như mực. Một chiếc xe tải của sư đoàn đến đưa hai vệ binh vào rừng. Chiếc xe chạy đến bên một con suối. Tại đây, có một chiếc xe tải của đơn vị bị lật. Vụ tai nạn khiến lái xe bị thương, một cụ già đi nhờ xe thiệt mạng.
“Sau khi khắc phục, cứu người bị nạn, chỉ huy của đội nói cần một cái nồi quân dụng để đun nước nóng và vải liệm cho ông cụ và cử tôi đi đến một trung đoàn ở gần nhất, cách vài ki-lô-mét để mượn những vật dụng này. Giữa rừng, trời tối đen như mực, không ánh đèn, không ánh trăng sao, không có nhà dân. Chỉ huy dặn tôi đi theo đường đất, cứ chỗ nào vấp ngã thì đi, còn đi chỗ nào không vấp ngã là lạc đường đấy. Bởi vì ô tô chạy trong rừng bao giờ cũng có một cái sống đường ở giữa, hai bên bánh xe đi, đường sẽ lún. Cứ đi vào sống đường thì không bị lạc. Đi mấy cây số rồi nhìn bên tay trái, thấy có ánh đèn nghĩa là đến nơi”.
Nhận nhiệm vụ, Trung Anh lập tức thi hành. Trong lòng nhiều nỗi sợ bủa vây, sợ thám báo, sợ đủ thứ. Nhưng nghĩ đã nhận nhiệm vụ, lại xung phong thì chẳng có lý do gì không làm, cậu cứ đi, cứ đi giữa đêm tối mịt mù. Cũng chẳng biết là đi bao lâu, cuối cùng cũng nhìn thấy ánh đèn.
Mượn được những vật dụng cần thiết, chàng trai trẻ quay lại vị trí đồng đội đang chờ. Lần này, anh được phen hú vía: Khi di chuyển là nghe thấy tiếng “cạch, cạch”, nhưng dừng lại thì hết. Trong bụng nghĩ thầm “hay là có thám báo theo dõi, thôi quả này chắc chết rồi”. Cuối cùng anh thở phào khi phát hiện ra tiếng động lạ là do vật dụng va chạm khi di chuyển.
 |
4 chiến sĩ mới của Nhà hát Kịch Việt Nam. Từ trái qua phải: Đỗ Kỷ, Trung Anh, Quốc Khánh, Trọng Trinh. Ảnh do nhân vật cung cấp |
Đến cuối năm 1984, do có nhiều thành tích và nhu cầu từ các đơn vị nghệ thuật, 4 người được cấp trên cho phép ra quân sớm hơn dự định để phục vụ công tác biểu diễn.
Những ngày tháng trong quân ngũ không chỉ rèn luyện cho nghệ sĩ Trung Anh ý chí vượt khó mà còn cho ông tinh thần kỷ luật. Đến bây giờ, dù làm bất cứ việc gì ông cũng không bao giờ đi muộn. Ông nói: “Cũng một phần do tôi từng ở trong quân đội, rất nghiêm túc, cẩn trọng dù trong bất kỳ công việc gì. Quãng thời gian ấy còn cho tôi kinh nghiệm, sự hiểu biết về cuộc sống, tâm tư của người lính. Có nhiều lúc xem phim các bạn đóng về quân đội, tôi thấy hơi buồn, bởi đến cầm khẩu súng, các bạn cầm còn không đúng. Thao tác cầm súng là điều tối thiểu nhất, chưa nói đến tâm lý của người lính, thậm chí là lúc ra trận như thế nào. Trong tình huống nào thì cầm súng, đeo súng như thế nào cho đúng. Những người lính quý trọng khẩu súng, nó như vật bất ly thân, như sinh mạng của mình. Họ lau chùi, tháo lắp, chăm sóc tỉ mỉ cho khẩu súng, điều đó đã trở thành một thói quen...”.
Hằng năm, cứ đến ngày 8-9, 4 nghệ sĩ vẫn cố gắng thu xếp công việc để tới gặp mặt những đồng đội năm xưa nhân kỷ niệm ngày nhập ngũ. “Có năm, cả trăm người cùng tề tựu ôn lại kỷ niệm cũ. Hơn hai năm trong quân ngũ đã đọng lại trong chúng tôi biết bao cảm xúc. Với tôi, việc sống trong quân ngũ không chỉ giúp tôi đóng những vai về người lính mà quan trọng hơn, để đóng vai một con người!”-NSND Trung Anh nói.
HOÀNG VIỆT