Thông thường trong suy nghĩ của nhiều người, rác là thứ bỏ đi, cần phải thu gom và xử lý rất tốn kém, nhưng với TS Bùi Thiên Hà và các cộng sự thì đây là nguồn tài nguyên có thể tái chế, tái sử dụng. TS Bùi Thiên Hà chia sẻ, nguồn tài nguyên trong rác thải rất dồi dào. Hằng năm, chỉ tính riêng Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có khoảng 11 triệu tấn rác thải sinh hoạt, trong đó khoảng 2 triệu tấn có thể tái chế, đem lại doanh thu 12.000 tỷ đồng. Nhưng do không phân loại nên các loại rác đều phải xử lý chung, mà chủ yếu bằng việc chôn lấp, gây ô nhiễm môi trường và tốn kém chi phí. Chính vì vậy, “Ứng dụng công nghệ thông tin phân loại rác từ đầu nguồn” là dự án khởi nghiệp mà nhóm mGreen dành nhiều tâm huyết theo đuổi. Dự án ra đời nhằm xây dựng thói quen phân loại rác cho người dân, hỗ trợ thu gom, xử lý rác tái chế thông qua ứng dụng công nghệ trên điện thoại thông minh. Theo đó, dự án sẽ đặt tại mỗi hộ dân một thùng thu gom rác tái chế và phát triển một ứng dụng trên điện thoại. Khi thùng rác đầy, người dân chỉ cần ấn nút thông báo trên điện thoại sẽ có người đến thu gom. Đổi lại, người dân được tích điểm thưởng, sau đó có thể sử dụng mua bán, trao đổi hàng hóa.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cùng các đại biểu thăm Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ thông tin đổi mới sáng tạo Hà Nội. Ảnh: NGUYỄN VŨ

Ý tưởng có vẻ rất hay, nhưng khi bắt đầu triển khai, mGreen đã gặp nhiều khó khăn. Chị Trần Thị Thoa, đồng sáng lập mGreen nhớ lại, việc thuyết phục người dân tham gia dự án khó một thì việc tác động đến quy định, cách thức thu gom rác của các công ty môi trường khó gấp nhiều lần. Không chỉ dừng lại đó, dự án còn gặp khó về nguồn vốn vận hành, nơi tập kết rác sau khi thu gom để chờ xử lý. Đang loay hoay chưa biết giải quyết thế nào, chị Thoa như “người chết đuối vớ được cọc” khi bức thư “cầu cứu” gửi tới Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã được hồi đáp. Chủ tịch UBND thành phố đánh giá cao tính sáng tạo của dự án, đồng thời chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì cuộc họp cùng Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng và Công ty Môi trường đô thị; UBND quận Cầu Giấy nghe mGreen trình bày phương án cụ thể. Hiện tại, mGreen đã nhận được sự hỗ trợ từ Ban Quản lý Vườn ươm doanh nghiệp (DN) công nghệ thông tin đổi mới sáng tạo Hà Nội, đang tiến hành thử nghiệm dự án tại hai khu chung cư tại quận Cầu Giấy và quận Hà Đông.

Đây chỉ là một trong số rất nhiều dự án khởi nghiệp được TP Hà Nội quan tâm, tiếp sức thành công. Để tạo điều kiện cho DN hình thành, hoạt động, Hà Nội đã tiên phong cải thiện môi trường kinh doanh, triển khai hàng loạt hoạt động phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, như: Xây dựng Vườn ươm DN công nghệ thông tin đổi mới sáng tạo; tập huấn, đào tạo kỹ năng; xúc tiến thương mại, kết nối vay vốn… Đặc biệt, để xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp thành phố, Hà Nội đã mời chuyên gia Israel tư vấn, xây dựng Cổng thông tin khởi nghiệp sáng tạo StartupCity.vn để hỗ trợ và tạo mạng lưới kết nối cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo của Thủ đô với cộng đồng khởi nghiệp trong nước và quốc tế.

Thống kê trên thế giới cho thấy, hơn 90% các dự án khởi nghiệp thất bại. Đặc biệt, 18-24 tháng đầu tiên được gọi là “thung lũng tử thần” với DN khởi nghiệp khi có nhiều nguy cơ. Vào giai đoạn ấy, nếu có được sự hỗ trợ về vốn, được tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật, dự án khởi nghiệp sẽ giảm được rủi ro, tăng khả năng thành công.

Nhận thức rõ vai trò “bà đỡ” của chính quyền thành phố với DN khởi nghiệp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung ví von “hạt giống tốt mà gieo trên đường nhựa thì cũng không sống được”. Do đó, TP Hà Nội cam kết sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho các dự án khởi nghiệp, trong đó sẽ tập hợp đội ngũ chuyên gia, khi các DN khởi nghiệp có khó khăn, trăn trở về ý tưởng sẽ được kịp thời tư vấn, hỗ trợ để có thể trụ vững trên thị trường.

VŨ DUNG