Đường sá xa xôi cách trở nên gần 10 năm, ông mới có dịp vào thăm con cháu. Khi máy bay cất cánh, ông tỏ ra khá hồi hộp nhưng chỉ sau vài phút, dần quen với thay đổi môi trường, máy bay đạt độ cao ổn định, ông bắt đầu thoải mái hơn, tận hưởng hành trình. "Trước đây khi đất nước còn khó khăn, để đi từ quê tôi vào Nha Trang phải mất cả tuần, thay đổi đủ các loại phương tiện từ xe khách, tàu hỏa đến xe lai. Bây giờ có hàng không mới thấy cuộc sống hiện đại mang đến thật nhiều tiện nghi", ông Đỗ Văn Kiệm tâm sự. Cho đến khi máy bay hạ cánh, đặt chân vào nhà ga, ông Kiệm vẫn chưa tin rằng chỉ chưa hết buổi sáng, mình đã vượt qua hơn một nghìn ki-lô-mét.

leftcenterrightdel
Hành khách xuống máy bay tại Cảng hàng không Liên Khương (tỉnh Lâm Đồng). Ảnh: Mai Anh.

Không khó để gặp những trường hợp như ông Kiệm trên nhiều chuyến bay của các hãng hàng không nội địa. Đó là người vợ đi thăm chồng, bố mẹ thăm con hay những người con đã bao năm xa nhà nay mới có dịp đoàn tụ. Hàng không bắt đầu trở nên phổ biến hơn với người dân trong khoảng 5-6 năm gần đây. Trước đó, đa phần mọi người ít sử dụng dịch vụ này không chỉ vì giá vé còn cao mà do chưa có nhiều thông tin, khả năng tiếp cận hạn chế khi sân bay thường ở xa đô thị, khu dân cư.

Năm 2017, hàng không Việt Nam gặt hái được nhiều thành công với 62 triệu lượt hành khách vận chuyển, tăng gần 20% so với năm 2016. Trong đó, thị trường quốc tế đạt 30 triệu lượt khách (tăng 26%), có thêm 12 hãng hàng không nước ngoài mở đường bay đến Việt Nam; thị trường nội địa đạt 32 triệu lượt khách (tăng hơn 13%). Là người có nhiều năm gắn bó với lĩnh vực này, TS Lương Hoài Nam, chuyên gia về hàng không chia sẻ, 10 năm qua, kể từ khi dịch vụ hàng không giá rẻ được khai thác ở Việt Nam, thị trường hàng không nước ta đã tăng trưởng rất nhanh, luôn ở mức hai con số. “Dịch vụ hàng không giá rẻ tăng trưởng tốt vì phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của nước ta, nơi thu nhập bình quân toàn xã hội và thu nhập thực tế của đại đa số người dân vẫn còn thấp”, TS Lương Hoài Nam bày tỏ.

Không chỉ có các hãng hàng không giá rẻ, hãng hàng không truyền thống cũng áp dụng chính sách giá vé linh hoạt với nhiều mức giá khác nhau, phù hợp với nhu cầu cũng như thời gian đi lại của hành khách. Điều thú vị là khi phục vụ tốt các đối tượng hành khách có thu nhập thấp, trung bình bằng các sản phẩm, dịch vụ phù hợp, các hãng hàng không Việt Nam lại thu được lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với trước đây do lượng khách tăng nhanh, máy bay ít ghế trống. Một trong những yếu tố quan trọng giúp người dân đón nhận dịch vụ hàng không ngày càng rộng rãi là nhờ bảo đảm an toàn, tiêu chí quan trọng hàng đầu về chất lượng dịch vụ. Ngành vận tải hàng không Việt Nam có thể tự hào với thành tích hơn 20 năm không xảy ra tai nạn gây chết người. "Đó là một thành tích rất lớn, không nhiều quốc gia đạt được, kể cả ở những nước có mức độ phát triển cao hơn nước ta nhiều", TS Lương Hoài Nam đánh giá.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển bùng nổ về lượng hành khách vận chuyển, hàng không Việt Nam cũng đứng trước không ít thách thức như tình trạng chậm, hủy chuyến bay, quá tải ở các cảng hàng không... Theo ý kiến các chuyên gia, vấn đề ngành hàng không nước ta đang gặp phải không chỉ liên quan đến hãng hàng không mà còn từ hoạt động phục vụ hành khách trên mặt đất. Cả nước hiện có 21 sân bay với tổng công suất khoảng 75 triệu khách/năm, chỉ bằng công suất của một cảng hàng không lớn trong khu vực, như sân bay Changi của Singapore hay sân bay Suvarnabhumi ở Băng Cốc (Thái Lan). Nhấn mạnh sự cần thiết phải đầu tư hạ tầng hàng không, TS Lương Hoài Nam cho rằng, một số ý kiến đề cập đến việc Việt Nam có quá nhiều sân bay, thậm chí là “lạm phát” sân bay, nhưng thực tế, so với các nước trong khu vực, nước ta đang thiếu sân bay. Bên cạnh đó, để ngành vận tải hàng không Việt Nam phát triển thuận lợi, cần nhất quán chủ trương mở cửa bầu trời, tự do hóa vận tải hàng không nội địa, quốc tế, bảo đảm tính cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh của thị trường.  

MẠNH HƯNG