Thắp sáng những vùng sâu nhất, xa nhất của Tổ quốc
Theo chân người thợ điện trên những con đường dốc đứng, chông chênh, gập ghềnh, chúng tôi đến với những thôn, bản hẻo lánh, xa xôi của các tỉnh: Bắc Kạn, Sơn La, Đắc Nông, Quảng Nam, Sóc Trăng, Cà Mau… đường điện vượt qua những ngọn núi cao chót vót để đến với đồng bào. Điện không chỉ về với núi mà còn vươn xa ra hải đảo. Bắt đầu từ đảo Cát Hải (TP Hải Phòng) vào năm 1991, hành trình vượt sóng đưa điện ra đảo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đến với khắp các huyện đảo của mọi miền Tổ quốc, như: Cô Tô (Quảng Ninh), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Phú Quốc (Kiên Giang), huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa)... Đưa điện lưới quốc gia về đến các bản làng vùng cao, vùng sâu, vùng hải đảo xa xôi là hành trình đầy gian nan, vất vả, nhưng tới nay, EVN đã nỗ lực đưa ánh sáng điện về với 100% xã trên toàn quốc. Có điện, đời sống của người dân được nâng lên; có điện, sức lao động của con người được giải phóng và có điện, các doanh nghiệp đã mở rộng đầu tư, nâng cao giá trị sản phẩm.
Nói về quá trình đưa điện đến các vùng nông thôn của Việt Nam, ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, đánh giá: "Điện khí hóa nông thôn của Việt Nam là một kỳ tích. Tỷ lệ tiếp cận điện của Việt Nam tăng từ 14% vào năm 1993 lên tới hơn 99% vào năm 2018. Như vậy, trong vòng 25 năm có thêm hơn 14 triệu hộ gia đình hay 60 triệu người dân được dùng điện quốc gia. Việt Nam là một câu chuyện thành công trên toàn cầu về phát triển ngành năng lượng trong một vài thập kỷ vừa qua”.
 |
Những người thợ điện vượt khó để đưa dòng điện vươn xa. Ảnh: BẢO HƯNG. |
Từ nhóm cuối vươn lên nhóm đầu toàn cầu
Điện phải “đi trước một bước” là định hướng và cũng là nhiệm vụ mà Đảng, Chính phủ đặt ra cho ngành điện. Bởi công nghiệp năng lượng được coi là cơ sở hạ tầng quan trọng nhất trong toàn bộ cơ cấu hạ tầng sản xuất. Có dịch vụ điện tốt, chất lượng điện ổn định thì các địa phương mới thu hút được vốn đầu tư trong và ngoài nước, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Chính vì vậy, 5 năm vừa qua, chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam được đánh giá là chỉ số có sự cải thiện tốt nhất trong 10 chỉ số đánh giá của WB và là chỉ số duy nhất năm nào cũng tăng bậc trên trường quốc tế, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, nhìn nhận: "Trong bối cảnh tất cả quốc gia đều đẩy mạnh cải cách thì kết quả này của ngành điện Việt Nam rất ấn tượng". Theo giới chuyên gia, đánh giá của WB là sự ghi nhận xứng đáng, phản ánh những nỗ lực của ngành điện trong việc mang tới cho khách hàng sử dụng điện chất lượng và dịch vụ ngày càng tốt hơn. Chỉ số tiếp cận điện năng bắt đầu được WB đánh giá từ năm 2013 thông qua Bảng xếp hạng Môi trường kinh doanh (Doing Busines). Qua 5 năm, chỉ số này của Việt Nam từ vị trí gần cuối bảng (xếp thứ 156/189 quốc gia-năm 2013) bứt phá ấn tượng lên vị trí 27/190 quốc gia, nền kinh tế. Kết quả này đưa Việt Nam chính thức vượt qua Philippines, lọt vào Tốp 4 ASEAN-sớm hai năm so với mục tiêu Chính phủ đặt ra (năm 2020). So với các quốc gia tham gia ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam đang ở nhóm 4/11 nước tốt nhất tham gia Hiệp định CPTPP (Malaysia, Singapore, Nhật Bản và Việt Nam). Xét riêng về số thủ tục và thời gian thực hiện cung cấp điện của ngành điện thì Việt Nam đứng thứ hai trong khu vực ASEAN.
Để góp phần có được kết quả vượt bậc về chỉ số tiếp cận điện năng, thời gian vừa qua, EVN đã quyết liệt triển khai thực hiện hàng loạt giải pháp về dịch vụ khách hàng. Ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng ban Kinh doanh EVN, cho biết: "Để cải thiện chỉ số này, ngay từ năm 2013, EVN đã có nhiều thay đổi. Trong giai đoạn 2013-2017, EVN đã 3 lần thay đổi quy trình quản lý kinh doanh nhằm giảm thời gian, thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận điện năng. Năm 2013, thời gian để doanh nghiệp tiếp cận điện là 115 ngày thì tới nay, thời gian chỉ còn 31 ngày; số thủ tục từ 6 giảm còn 4 thủ tục. Với yếu tố độ tin cậy cung cấp điện và minh bạch giá điện, EVN đã công bố thông tin qua các website chăm sóc khách hàng, đầu tư cơ sở hạ tầng, khai thác triệt để công nghệ sửa chữa điện hotline… Đáng chú ý, EVN chú trọng áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý. Hết năm 2018, 100% dịch vụ cung cấp điện năng của EVN đã thực hiện đăng ký trực tuyến, tương đương với dịch vụ công cấp độ 4. Nhờ những thay đổi đó mà chỉ số này được cộng đồng doanh nghiệp, người dân đánh giá cao".
Với mức tăng trưởng điện bình quân 11%/năm thì nhiệm vụ “đi trước một bước” của ngành điện đang đứng trước nhiều thử thách, khó khăn rất lớn. Trong đó, ngành điện còn nhiều vấn đề cần phải triển khai, như: Hoàn thiện thị trường phát điện cạnh tranh; sắp xếp doanh nghiệp; đa dạng hóa đầu tư để phát triển đủ nguồn cung, bảo đảm an toàn hệ thống điện... “Mục tiêu quan trọng xuyên suốt của ngành điện là phải bảo đảm cân đối cung-cầu điện, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội đất nước", Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
VŨ DUNG