Con đường đèo ở độ cao 1.300m này quả tình rất “chất ngất”. Tuy không nổi tiếng như đèo Ô Quý Hồ hay đèo Pha Đin nhưng độ ngoằn ngoèo và dốc thì có lẽ ăn đứt. Lại nhớ khi nhận được quyết định lên công tác Lai Châu, rồi lại được các anh ở Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Lai Châu giới thiệu tiếp là “đoàn mình lên Mường Tè. Chúng tôi đã báo cho Đồn Biên phòng Mù Cả rồi”, chúng tôi cảm thấy ngỡ ngàng. Cái tên Mường Tè nghe đã vời xa, giờ lại đến địa danh Mù Cả thì thật là đi từ lạ này đến lạ khác.
Bản Xi Nế, xã Mù Cả chính là bản mà Trung tá Phạm Văn Hóa, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Mù Cả, “rủ” chúng tôi xuống, hóa ra lại cũng tiện đường đất. Đây là một bản nhỏ của người Hà Nhì. Theo như lời anh Hóa nói, thì “con gái Hà Nhì đẹp thôi rồi". Nói rồi anh Hóa nhay nháy mắt rất ý nhị và hất hất đầu về phía hai cô gái Hà Nhì đang đứng đầu con đường dẫn vào bản. Hai cô cùng Trưởng bản Lỳ Tiến Dũng ra đón chúng tôi. Vừa nhìn thấy hai “bông hoa rừng” rực đỏ trong trang phục người Hà Nhì, tôi à lên ngạc nhiên. Những cô gái Hà Nhì mà tôi lần đầu được gặp thực sự gây ấn tượng. Nước da trắng hồng, đôi mắt như cười và đặc biệt là bộ trang phục các cô đang mặc, thật tuyệt vời.
Câu chuyện trang phục với văn hóa dân tộc Hà Nhì giữa chúng tôi tạm thời gác lại. Trưởng bản Lỳ Tiến Dũng nhanh chóng trò chuyện với chúng tôi về tình hình trong bản. Một bản có số dân không nhiều nhưng lại có nhiều gắn bó với bộ đội Đồn Biên phòng Mù Cả. Bởi, mỗi lời mà Trưởng bản Lỳ Tiến Dũng nói ra đều gắn với cụm từ “bộ đội Đồn Biên phòng Mù Cả”. Tôi quay sang Thiếu tá Lỳ Già Ly, Chính trị viên phó đồn, hỏi thật lòng: “Có phải vì anh là người con của xã Mù Cả đây nên bà con thân thiết với đồn không?”. Nghe tôi hỏi vậy, Trưởng bản Lỳ Tiến Dũng trả lời luôn: “BĐBP Đồn Mù Cả tốt thật với bà con mà”.
Cuộc xuống bản hôm nay là cuộc định kỳ, chỉ khác ở chỗ có thêm cánh nhà báo chúng tôi nên không khí lúc đầu có phần hơi cứng nhắc. Mãi khi Đồn trưởng Phạm Văn Hóa vào việc chính thì không khí mới trở nên sôi nổi. Đồn trưởng quê ở Hà Nam, lên đây được hơn 4 năm. Từ một cán bộ cấp phó đồn ở Hải Phòng, anh Hóa đã gắn bó với Mù Cả sâu nặng đến nỗi tự nguyện làm đơn xin ở lại với bà con các dân tộc nơi này.
Xã Mù Cả có đường biên giới dài gần 6km giáp với Trung Quốc. Một xã kiểu “giáp ranh” vừa với nước bạn lại vừa liền kề với tỉnh bạn. Từ khi Quốc lộ 4H được nối dài và nâng cấp thì việc đi lại từ xã Mù Cả sang hai xã Len Su Sìn và Sen Thượng của huyện Mường Nhé (Điện Biên) khá thuận tiện. Thuận tiện nên bà con cũng thấy phấn khởi. Xuống TP Điện Biên Phủ hay về TP Lai Châu đều như nhau. Sáng còn ở chỗ này, đến chiều đã uống rượu chỗ kia. Đường sá thuận lợi cũng góp phần làm thay đổi bộ mặt núi rừng, thay đổi đời sống bà con.
Sáng nay, Trung úy Pờ Hồng Tơ, Đội trưởng Đội Hành chính Đồn Biên phòng Mù Cả, chịu trách nhiệm điều hành cuộc họp với Trưởng bản Lỳ Tiến Dũng. Tuy cũng là người Hà Nhì ở ngay xã Mù Cả, nhưng Pờ Hồng Tơ xem ra “không nương nhẹ” khi hỏi trưởng bản về kế hoạch tuần tra chung giữa dân quân với đồn. Trưởng bản Lỳ Tiến Dũng cũng “không vừa”, anh trả lời đâu vào đấy khiến Đồn trưởng Phạm Văn Hóa chốc chốc lại gật gù. Hỏi thêm, tôi được biết: Việc tuần tra đường biên chung giữa BĐBP với lực lượng dân quân của xã, của bản diễn ra thường xuyên và rất bài bản. Một đường biên giới an toàn, trật tự và một địa bàn vững mạnh nhiều năm đã đóng góp vào thành tích chung của xã Mù Cả.
Đồn trưởng Phạm Văn Hóa cho biết: Đầu tiên là việc BĐBP tích cực vận động bà con không thả rông gia súc, gia cầm. Về Mù Cả hôm nay sẽ thấy gia cầm, gia súc đều được nuôi trong chuồng, trong trại, đồng nghĩa với việc môi trường quanh nhà, quanh bản sạch sẽ, sức khỏe nhân dân được nâng cao, tạo điều kiện cho bà con phấn khởi tham gia trồng rừng và bảo vệ rừng. Trưởng bản Lỳ Tiến Dũng lại nói: “Cái lời của BĐBP nói hay lắm. Bà con ai cũng hiểu, cũng nghe theo”. Lời nói thật lòng của anh Dũng như củng cố thêm chuyện về Đồn Biên phòng Mù Cả đã vận động thành công bà con di dân tự do từ Thanh Hóa, từ Mường Nhé (Điện Biên) sang chấp hành chủ trương, chính sách của Nhà nước. Bản mới Mò Su gồm toàn bà con di dân tự do được hình thành và sống ổn định, hòa hợp với bà con Mù Cả từ năm 2016 là ví dụ về thành tích vận động quần chúng của đơn vị.
Có rất nhiều đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội ở Mù Cả, nhưng quan trọng nhất như Chính trị viên phó Lỳ Già Ly cho biết, là vận động bà con bỏ thói quen đốt rừng làm nương. Thói quen lâu đời đúng là rất khó thay đổi, nhưng ở Mù Cả, bà con đã thay đổi được. Con số 76,4% tỷ lệ rừng được che phủ, được đánh giá cao nhất tỉnh Lai Châu và đem lại nhiều lợi ích cho bà con, đã nói lên chuyện thay đổi đó.
Không chỉ nói chuyện làm ăn, từ anh trưởng bản đến cô gái xinh đẹp Lỳ Cà Sứ đều say sưa kể cho chúng tôi nghe về việc vui xuân, đón Tết của người Hà Nhì. Theo lời Lỳ Cà Sứ thì “ôi ôi nhiều thứ lắm!”. Nói rồi, cô cười lộ hàm răng trắng muốt. Được thể đang vui, tôi đánh liều đề nghị cô cho thơm một cái vào má. Lỳ Cà Sứ cười bảo: “Không cho nhà báo thơm đâu. Chỉ cho BĐBP thơm thôi”. Tôi hỏi: “Sao lại thế?”. “Thì nhà báo thơm xong sẽ về xuôi chứ BĐBP còn ở lại với bản. Nên chỉ cho BĐBP thơm thôi”.
Bộ đội còn ở lại với bản. Câu nói hay nhất mà tôi nghe được trong buổi sáng một ngày đầu năm mới với rất nhiều ấn tượng.
NGUYỄN TRỌNG VĂN