QĐND - Hằng năm, Từ điển Oxford, hay nói đúng hơn là nhà xuất bản biên soạn cuốn từ điển nổi danh này của thế giới lại lựa chọn ra một từ được gọi là “từ của năm”, phản ánh khuynh hướng chủ đạo (về kinh tế, chính trị, quân sự, xã hội...) trong một năm vừa trôi qua thể hiện qua khía cạnh ngôn ngữ.
Từ của năm 2019 là “climate emergency”, “tình trạng khẩn cấp về khí hậu”, được Oxford giải thích là một tình huống tiêu cực của khí hậu, trong đó, con người cần hành động nhanh chóng nhằm hạn chế hoặc ngăn chặn những biến đổi và thiệt hại môi trường không thể khắc phục sau này.
Theo Oxford, cụm từ này có tần suất sử dụng tăng gấp 100 lần trong vòng 12 tháng của năm 2019. Không chỉ phản ánh một thế giới ngày càng quan tâm đến vấn đề khí hậu, hay đúng hơn là sự biến đổi của nó, cụm từ này còn chỉ ra thực trạng căn bản trong suốt cả năm 2019: Nỗi sợ hãi của con người trước những biến đổi dường như bất khả vãn hồi của nhân loại, mà sự suy thoái môi trường chỉ là một phần trong toàn bộ bức tranh bi quan tổng thể mà con người đang phải đối mặt.
Sự so sánh luôn khập khiễng nhưng trong câu chuyện kinh điển về “ông vua cởi truồng”, kẻ nói ra sự thật khó nuốt trôi là một đứa bé. Còn trong chuyện về biến đổi khí hậu, người nói lên sự thật cũng là một cô bé Thụy Điển, Greta Thunberg, nổi danh toàn cầu bằng hành vi quyết liệt “Bãi khóa vì khí hậu”. Trái với thông điệp “hy vọng” mà nhiều người lớn thường xuyên nhắc đến (và được hoan hô ầm ĩ), Greta Thunberg thẳng thừng: “Tôi muốn các bạn cảm nhận được nỗi sợ hãi mà tôi ngày ngày cảm nhận và rồi tôi muốn bạn hành động. Tôi muốn bạn hành động như thể bạn đang trong một cơn khủng hoảng. Tôi muốn bạn hành động như thể ngôi nhà của bạn đang bốc cháy. Bởi vì nó đúng là như thế!”.
Nỗi sợ hãi đó là có lý do, bởi ngôi nhà chung Trái Đất đang bốc cháy thật sự, theo đúng nghĩa đen của nó. Đơn cử như tình trạng cháy rừng ở Indonesia. Chỉ trong năm 2019, hơn 3.600 đám cháy rừng ở nước này khiến chất lượng không khí ở quốc gia vạn đảo trở nên hết sức tồi tệ. Tổng số lượng các vùng rừng bị cháy cả năm 2019 ở Indonesia cộng lại bằng diện tích cả nước Puerto Rico.
Không những thế, cháy rừng ở Indonesia còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường các nước láng giềng. Nhiều trường học ở Malaysia phải đóng cửa do lo ngại sức khỏe của học sinh bị ảnh hưởng bởi khói bụi do cháy rừng ở Indonesia lan sang và cuộc đua Công thức 1 tại Singapore cũng diễn ra trong khói bụi mù mịt. Liên hợp quốc đưa ra lời cảnh báo cháy rừng ở Indonesia đe dọa sức khỏe của khoảng 10 triệu trẻ em Đông Nam Á do ô nhiễm không khí và gây hiệu ứng nhà kính.
Chưa bao giờ, những vần thơ của John Donne, nhà thơ Anh từ nhiều thế kỷ trước: “Xin đừng hỏi chuông nguyện hồn ai, chuông nguyện hồn anh đó”, lại đúng đến thế khi mà hiểm họa môi trường, biến đổi khí hậu đã gây nên nỗi sợ hãi bao trùm, khiến “tình trạng khẩn cấp về khí hậu” trở thành cụm từ của cả năm 2019.
“Bẫy Thucydides”
Đáng buồn là thế giới 2019 không chỉ có duy nhất nỗi sợ hãi về biến đổi khí hậu!
Cuộc thương chiến Mỹ-Trung do Tổng thống Donald Trump khơi mào với việc áp thuế lên một lượng lớn các mặt hàng nhập khẩu của Trung Quốc xuất phát từ nỗi sợ hãi kinh điển của một cường quốc đang suy vi trước sự trỗi dậy của một cường quốc khác. Đó chính là điều mà một sử gia Hy Lạp cổ đại, Thucydides, đã nhận ra khi quan sát cuộc chiến giữa các thành bang Sparta và Athens vào thế kỷ 5 trước Công nguyên. Được tổng kết lại bằng thuật ngữ “bẫy Thucydides”, nó chỉ ra rằng tất yếu sẽ xảy ra đụng độ giữa hai cường quốc và trong trường hợp Mỹ-Trung là cuộc chiến thương mại.
Nhưng không chỉ gói gọn trong phạm vi thương mại. Sự trỗi dậy quá nhanh và nguy hiểm của Trung Quốc, với chương trình “Made in China 2025” đầy tham vọng còn khiến Mỹ lo sợ mất đi vị thế của một cường quốc công nghệ hàng đầu thế giới. Đó là lý do ẩn sau cuộc chiến thương mại là một cuộc chiến công nghệ, khi Mỹ nhằm vào các tập đoàn công nghệ hàng đầu của Trung Quốc như Huawei, ZTE như là những đối tượng “đe dọa an ninh” của Mỹ.
Khi Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh công bố tình trạng khẩn cấp quốc gia liên quan đến nguy cơ đối với công nghệ và dịch vụ thông tin-truyền thông thì đó chính thức là đợt tổng tấn công nhằm vào các tập đoàn công nghệ hàng đầu của Trung Quốc. Không hề nêu tên Huawei hay bất cứ công ty nào, thế nhưng sắc lệnh này khiến hàng loạt "ông lớn" công nghệ của Mỹ cũng như thế giới "nghỉ chơi" với Huawei. Tất cả đều nhằm cắt đứt việc cung cấp những công nghệ mang tính nền tảng, những thành phần công nghệ cao cho các sản phẩm của Huawei...
Nỗi lo ngại trước những hành vi gây hấn, bắt nạt các nước láng giềng của Trung Quốc ở Biển Đông cũng đẩy Mỹ tới việc xây dựng chiến lược “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở”, trong đó, khái niệm “tự do” được hiểu như thực thi tự do hàng không và hàng hải ở khu vực, bảo đảm an ninh và ổn định hàng hải ở tuyến đường biển thương mại quan trọng nhất thế giới này, nơi giao thương hàng hóa trị giá khoảng 5,3 nghìn tỷ USD/năm...
Như thế, xuất phát từ nỗi sợ hãi mang tên “bẫy Thucydides”, trong năm 2019, Mỹ và Trung Quốc đã sa chân vào những cuộc chiến tranh thương mại, chiến tranh công nghệ và cả những cạnh tranh địa chính trị dai dẳng, chưa biết bao giờ mới chấm dứt.
Sợ dân nhập cư
Nỗi sợ hãi có mang tính lan truyền không? Câu trả lời là có, ít nhất là trong trường hợp với dân nhập cư, dù trái phép hay không trái phép.
Mấy năm trước, nỗi sợ hãi dân nhập cư đã là một trong những yếu tố tạo nên chiến thắng không thể tin nổi của ông Donald Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Bị quyến rũ bởi viễn cảnh một bức tường ngăn người Mexico nhập cư trái phép, những điều luật thu hẹp cơ hội cho người nhập cư hợp pháp, không ít cử tri Mỹ đã bỏ phiếu cho nhà tỷ phú chưa có mấy kinh nghiệm hoạt động chính trị, tạo nên một trong những bất ngờ lớn nhất trong lịch sử các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Cũng chính nỗi sợ hãi dân nhập cư ấy đã là yếu tố quyết định để người dân Anh bỏ phiếu ủng hộ Brexit, dẫn tới một quá trình chia ly đầy trắc trở của nước Anh đối với phần còn lại của châu Âu mà suốt cả năm 2019, hai phía vẫn không tài nào giải quyết được một cách rốt ráo.
Nỗi sợ hãi ấy tiếp tục lây lan trong năm 2019. Cả năm, Mỹ chỉ tiếp nhận tối đa 30.000 người, mức thấp nhất kể từ khi Mỹ thông qua Đạo luật tị nạn năm 1980. Khi dòng người di cư từ Trung Mỹ đi bộ vượt qua hàng trăm dặm để tìm cách vào Mỹ, ông Donald Trump đã đe dọa áp thuế lên toàn bộ hàng hóa của Mexico nếu nước này không có các biện pháp quyết liệt chặn dòng người di cư.
Ở châu Âu, nỗi sợ hãi mang tên dân nhập cư tiếp tục phủ bóng lên các hội nghị, các cuộc bàn thảo liên miên về việc giải quyết vấn nạn dân nhập cư lậu qua con đường Địa Trung Hải. Nỗi sợ này lớn đến nỗi vấn đề dân tị nạn trở thành “con tin” để Thổ Nhĩ Kỳ đe dọa buộc các nước châu Âu phải có những nhượng bộ, đòi không được chỉ trích hành động Ankara mở cuộc tấn công vượt qua biên giới vào Syria sau khi Mỹ rút quân khỏi khu vực Đông Bắc nước này.
Mà bản thân chiến dịch tấn công này của Thổ Nhĩ Kỳ cũng nhằm hình thành một “vùng đệm” bên trong lãnh thổ Syria để Thổ Nhĩ Kỳ có thể tái định cư khoảng 3 triệu dân tị nạn Syria chạy trốn cuộc nội chiến đẫm máu ở nước này. Sau một thời gian tiếp nhận số lượng lớn người Syria chạy nạn, Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu lo sợ rằng đó sẽ là một gánh nặng mà nền kinh tế đang gặp hồi khó khăn của mình không thể chịu đựng nổi...
Như vậy, “tình trạng khẩn cấp về khí hậu”, nỗi sợ về những hậu quả tồi tệ do biến đổi khí hậu gây nên chỉ là một phần của tình trạng khẩn cấp tổng thể những vấn nạn lớn mà nhân loại phải giải quyết trong năm 2019 và sẽ còn tiếp tục phải đối mặt trong năm 2020.
YÊN BA