Ở Việt Nam, Tết Nguyên đán là mùa lạnh, nhưng nước Australia lúc này là mùa hè với rợp trời phượng tím. Brisbane-nơi tôi du học là thành phố lớn thứ ba của Australia, có con sông Brisbane uốn theo thành phố, quanh năm nước trong xanh, thơ mộng. Dịp Tết cổ truyền của Việt Nam, người dân Australia vẫn đi làm bình thường, còn học sinh, sinh viên chuẩn bị vào năm học mới. Nhưng với cộng đồng người Việt ở đây thì nhớ Tết quê hương đến nao lòng. Những khu chợ người Việt có đầy đủ kẹo, mứt, bánh chưng và các loại trái cây quê nhà phục vụ bà con sắm Tết.
Nhớ gia đình, nhớ quê hương, người thân, bạn bè là cảm xúc chung của mọi người khi xa nhà, đặc biệt là vào dịp Tết. Tuy nhiên, lần đầu tiên đón Tết ở một nơi xa cũng có những cái thú vị và háo hức khi được khám phá những lễ hội truyền thống diễn ra ở một nền văn hóa mới. Người Việt ở thành phố Brisbane chủ yếu sang định cư từ sau năm 1975 và họ đều một lòng hướng về quê cha đất tổ, luôn tâm niệm mình là người Việt Nam. Biết chúng tôi là du học sinh Việt Nam, bà con rất thân tình và giúp đỡ nhiều, nên chúng tôi cảm thấy như đang ở quê nhà.
 |
Bà con Việt kiều ở Brisbane (Australia) tổ chức hát múa vui Tết, đón xuân. |
Theo chị Minh Trang, một người Việt đến Australia từ năm 1995: Vào dịp Tết, bà con Việt kiều lại tụ họp, không kể quê quán, dân tộc, tôn giáo... cùng tổ chức các chương trình vui xuân, đón Tết hướng về Tổ quốc. Bà con dù xa quê hương nhiều năm nhưng vẫn giáo dục con cháu văn hóa, lịch sử, truyền thống của dân tộc, nói và giao dịch với nhau bằng tiếng Việt, mở các lớp dạy tiếng Việt để Tổ quốc luôn hiện hữu trong tâm hồn và cuộc sống.
Dịp Tết Việt, mặc dù vẫn phải đi làm bình thường nhưng cộng đồng người Việt dành những ngày cuối tuần chuẩn bị hội chợ xuân với đầy đủ hương vị quê nhà, có cả các tiết mục múa lân, trình diễn văn nghệ với những bài hát Việt Nam được nhiều thế hệ yêu thích. Chương trình biểu diễn thời trang với những chiếc áo dài Việt nhiều gam màu, nhiều kiểu dáng, tôn thêm nét duyên dáng cho người phụ nữ Việt nơi đất khách. Đặc biệt, các gian hàng ẩm thực với những món ăn độc đáo của cả 3 miền Bắc, Trung, Nam. Phở của người Bắc, nem lụi của miền Trung, chả giò, bún mắm của miền Nam và bao nhiêu món ăn hấp dẫn mang đậm hương vị quê hương. Hội chợ xuân là dịp để người Việt ở Australia gặp gỡ, trao nhau những lời chúc đầu năm, vì qua cuối tuần họ lại bận rộn đi làm nên không có thời gian để thăm hỏi nhau theo tục lệ Việt Nam.
Thời khắc Giao thừa ở Việt Nam thì ở Australia là 3 giờ sáng. Đêm Giao thừa, chúng tôi-những du học sinh quây quần bên nhau nói chuyện về quê hương, về gia đình và Tổ quốc, cùng hát những bài ca mừng xuân rồi cùng thưởng thức những món ăn Việt, như: Bún chả, nem rán Hà Nội, lẩu mắm miền Tây, bún bò Huế và cả phở khô Gia Lai nữa… Khi thời gian nhích dần sang phút Giao thừa thiêng liêng thì nỗi nhớ gia đình, quê hương lại nhân lên gấp bội, mọi người ai cũng gọi điện thoại về nhà chúc Tết. Nhớ, nhớ và rất nhớ quê hương, nhiều chị em ôm nhau khóc, khóc cho thỏa nỗi nhớ ba mẹ, chồng con... Rồi ngày mai, nhịp sống lại trở về như cũ. Một năm mới lại đến rồi.
Tôi chỉ học ở Australia theo chương trình đào tạo một năm rồi về nước tiếp tục công việc. Thêm bao nhiêu mùa xuân nữa đã qua được sống trên đất nước mình, được ngắm những cành mai, cành đào khoe sắc thắm, được ăn những chiếc bánh chưng gói với lá dong tươi, được cùng gia đình, bạn bè đón những cái Tết sum vầy. Cái Tết ở Australia năm nào trong cái nóng mùa hè của vùng nam bán cầu vẫn là một kỷ niệm khó phai. Nhớ những bạn bè cùng học, nhớ bà con người Việt dù sống xa Tổ quốc vẫn một lòng hướng về quê cha đất tổ.
Bài và ảnh: NGUYỄN THỊ THÚY ÁI