Câu chuyện về chàng phi công trẻ Nguyễn Văn Thuận, Phi đội phó Phi đội 2, thực hiện chuyến bay 14.000km, qua 5 quốc gia để về nước cùng với chiếc thủy phi cơ DHC6 vào năm 2013 là niềm tự hào của đơn vị và mỗi phi công. Với Nguyễn Văn Thuận, anh hiểu đó là một chuyến bay mà cấp trên và các thầy giáo trao gửi tất cả niềm tin vào mình. Quỹ thời gian chỉ có 3 tháng, Thuận vừa học ngoại ngữ, vừa làm chủ các lệnh, cảnh báo trên máy bay... để thực hiện chuyến bay của người Việt Nam đầu tiên lái DHC6.
 |
Máy bay của Lữ đoàn 954 cất cánh từ tàu hải quân trong Diễn tập thực địa ADMM+ về an ninh hàng hải năm 2019. Ảnh: HUY QUANG
|
Với Thượng tá, Phi công cấp 1 Vũ Hải Nam, Phi đội trưởng Phi đội 1, anh vừa là người chỉ huy, vừa là người thầy có nhiều đóng góp trong huấn luyện-đào tạo với nhiều nội dung khó: Bay đơn cất hạ cánh trên tàu đang chạy; hạ cánh trên nhà giàn; bay cẩu cứu người trong thiên tai đối với máy bay K32... Hơn ai hết, mỗi giáo viên bay, người chỉ huy đơn vị phải là những người "truyền lửa" để phi công có thêm sự tự tin, tiếp thu kiến thức và kỹ năng bay. Ở đơn vị, nhiều tấm gương phi công tiêu biểu, như: Thượng tá, Phi công cấp 1 Vũ Hải Nam; Trung tá, Phi công Hoàng Văn Thuyên, Phó chính ủy lữ đoàn; Đại úy, Phi công Nguyễn Văn Thuận, Phi đội phó Phi đội 2; Đại úy, Phi công Hoàng Đại Hải; Đại úy, Phi công Vũ Quốc Huy... Hơn một thập kỷ qua, các anh luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bay trinh sát, tuần tiễu, chỉ thị các mục tiêu trên biển; bay phục vụ các nhiệm vụ quan trọng, đột xuất; bay cấp cứu bệnh nhân từ đảo Trường Sa về đất liền, tham gia bay tìm kiếm cứu nạn…
Về Lữ đoàn 954 đúng vào dịp cuối tuần, khi trời vừa chập choạng tối, chúng tôi thấy cả đơn vị đều bắt đầu vào việc học. Trong từng căn phòng sáng ánh đèn, những âm thanh luyện tiếng Anh phát ra khiến cả đơn vị như một giảng đường lớn. Phi công Vũ Hải Nam chia sẻ với chúng tôi: “Kiến thức không bao giờ đủ cả. Bạn có thể giỏi tiếng Anh chuyên môn, nhưng nếu không thông thạo tiếng Anh giao tiếp thì cũng gặp không ít khó khăn trong trao đổi, giao lưu. Ở đơn vị thường xuyên có các chuyên gia đến trao đổi, thảo luận, do đó, nếu mình không thông thạo ngoại ngữ thì sẽ rất khó làm việc. Thế nên chúng tôi phải cố gắng học tập để thành thục tiếng Anh giao tiếp”.
Cô giáo Bùi Bích Phương, giảng viên Học viện Hàng không, người trực tiếp giảng dạy tiếng Anh ở Phi đội 1 rất tin vào khả năng tiếp thu của học viên: “Tôi bắt gặp ở các anh sự học tập nghiêm túc, say mê. Hiện nay, khoảng cách giữa người lên lớp và người học đã rút ngắn lại. Cứ đà này các phi công sẽ nhanh chóng có đủ kiến thức trong công tác và chinh phục chứng chỉ hàng không ICAO”...
Trò chuyện với Đại tá, Phi công cấp 1 Trần Văn Vinh, Chính ủy Lữ đoàn 954, chúng tôi được anh cho hay: Từ việc tích cực tự học, tự đào tạo, từ tháng 7-2013 đến tháng 11-2019, đơn vị đã thực hiện tốt các nhiệm vụ, như: Bay huấn luyện gần 12.000 lần/chuyến, với gần 6.000 giờ bay; bay nhiệm vụ hơn 1.000 lần chuyến, với gần 1.500 giờ bay, đơn vị bảo đảm an toàn tuyệt đối... Đó là thành công lớn của cả một tập thể mà các anh luôn nâng niu, trân trọng.
NGUYỄN VĂN HẠNH