Sự kiện này đánh dấu bước phát triển về tư duy và hành động, củng cố thế vững của thành phố từ gốc, lấy bản sắc văn hóa dân tộc và truyền thống cha ông làm bệ đỡ, thúc đẩy phát triển nhanh, mạnh và bền vững, thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng đô thị "văn minh-hiện đại-nghĩa tình"…

Đầu tư, củng cố nền tảng văn hóa

Những ngày cận Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, một thông tin đáng chú ý đăng trên Mạng lưới người nước ngoài toàn cầu InterNations (văn phòng chính tại Đức) khiến những ai yêu mến Thành phố mang tên Bác đều dậy lên cảm xúc tự hào. Theo đó, InterNations đã tiến hành một cuộc khảo sát trong Mạng lưới người nước ngoài toàn cầu nhằm tìm kiếm những thành phố đáng sống cho du khách trong thời hiện tại. Kết quả, TP Hồ Chí Minh xếp thứ ba trong những thành phố đáng sống trên thế giới đối với người nước ngoài, sau Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc) và Kuala Lumpur (Malaysia).

Đây không phải là lần đầu tiên TP Hồ Chí Minh được tôn vinh bởi các tổ chức du lịch quốc tế. Trên bản đồ khu vực và châu lục, TP Hồ Chí Minh luôn là điểm sáng thu hút du khách. Thống kê của ngành du lịch thành phố cho thấy, lượng du khách đến thành phố du lịch, nghỉ dưỡng và tìm kiếm cơ hội đầu tư hằng năm đều tăng 10-15%. Riêng năm 2019, lượng du khách đến thành phố ước đạt khoảng 9 triệu lượt, tăng 14% so với năm 2018. Càng những tháng cuối năm và thời điểm đón Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, lượng du khách càng tăng mạnh. Ông Lê Cao Thế, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ mặt đất sân bay Việt Nam (VIAGS) cho hay: "Những tháng cuối năm và thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán, ngành dịch vụ mặt đất sân bay Việt Nam phải huy động lực lượng, phương tiện làm việc đến 300% khả năng, trong đó sân bay Tân Sơn Nhất là đầu mối trọng điểm. Mặc dù hạ tầng hàng không của Việt Nam đang quá tải, song với khả năng, năng lực phục vụ chuyên nghiệp, chất lượng dịch vụ mặt đất sân bay phục vụ khách quốc tế của chúng ta luôn được các hãng hàng không nổi tiếng trên thế giới xếp hạng tiêu chuẩn 4 sao, 5 sao".

Một góc bến tàu khách du lịch ở quận 1, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Hùng Khoa.

Điều cốt yếu khiến bạn bè quốc tế yêu mến, ấn tượng sâu sắc khi đến TP Hồ Chí Minh chính là trường nghĩa tình trong đời sống văn hóa. Thành phố là nơi hội tụ tinh hoa văn hóa của các vùng miền trên cả nước, nơi du nhập và tiếp biến những giá trị văn hóa đặc sắc của các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Bức tranh văn hóa đa sắc, đa dạng, thống nhất trong một chỉnh thể của nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc làm cho TP Hồ Chí Minh có sức hấp dẫn kỳ lạ đối với du khách và các nhà đầu tư quốc tế. Họ tìm thấy ở đây môi trường đầu tư ổn định, sự tin tưởng cao và triển vọng phát triển tốt. Môi trường ấy được kết tinh từ sự ổn định về chính trị, thân thiện, nghĩa tình về văn hóa. Chính vì vậy, kết quả kêu gọi đầu tư nước ngoài vào thành phố hằng năm đều tăng mạnh. Chỉ tính riêng năm 2019, thành phố đã thu hút gần 7 tỷ USD vốn FDI với gần 1.000 dự án, tăng 3,4% so với năm 2018. Rõ ràng, khi văn hóa là nền tảng, bệ đỡ vững chắc của đời sống xã hội, môi trường đầu tư, phát triển kinh tế sẽ theo đà tăng trưởng ổn định và bền vững.

Nhận thức sâu sắc vị thế, lợi thế đặc biệt của văn hóa trong hội nhập quốc tế, trong nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ TP Hồ Chí Minh xác định, xây dựng môi trường văn hóa là một trong những giải pháp chiến lược, là chương trình trọng điểm cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt. Bên cạnh từng bước hoàn thiện, hiện đại hóa hạ tầng, cơ sở vật chất văn hóa, lãnh đạo thành phố chú trọng chỉ đạo, triển khai các chương trình, cuộc vận động xây dựng nếp sống văn hóa, hành vi ứng xử văn hóa, bảo vệ môi trường, lan tỏa những mô hình, việc làm tình nghĩa trong đời sống cộng đồng. Về phương diện đối ngoại, các lễ hội văn hóa-nghệ thuật dành cho du khách và cộng đồng người nước ngoài sinh sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh được chú trọng đầu tư, không ngừng đổi mới hình thức, phương pháp tổ chức hằng năm. Điểm nhấn trong chuỗi 13 lễ hội văn hóa trọng điểm của TP Hồ Chí Minh hiện nay là "Lễ hội “TP Hồ Chí Minh-ngôi nhà của chúng ta” (trước đây, lễ hội này có tên gọi là "TP Hồ Chí Minh-phát triển và hội nhập"). Đây là lễ hội văn hóa dành cho người nước ngoài sinh sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh đón Tết Nguyên đán của dân tộc Việt Nam.

Mã định danh và hệ sinh thái văn hóa trong đô thị thông minh

Khi nói về vai trò của bản sắc văn hóa dân tộc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định: “Bản sắc văn hóa là một trong những yếu tố cốt lõi tạo nên bản sắc dân tộc. Dân tộc nào gìn giữ được bản sắc của mình thì dân tộc đó mãi mãi trường tồn… Văn hóa dân gian là mã định danh để mỗi dân tộc hội nhập với thế giới mà vẫn định dạng được mình…”. Cụ thể hóa quan điểm, đường lối của Đảng và những định hướng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong môi trường đô thị thông minh (ĐTTM), đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các địa phương và các ngành chức năng của thành phố phải xây dựng cho được hệ sinh thái văn hóa lành mạnh trong đời sống xã hội.

Ý kiến chỉ đạo nói trên của đồng chí Bí thư Thành ủy được đề cập và nhấn mạnh tại Hội nghị Hội đồng Lý luận phê bình văn học-nghệ thuật TP Hồ Chí Minh cuối năm 2019. Theo đồng chí Bí thư Thành ủy, trong môi trường hội nhập, phát triển kinh tế, chúng ta đã triển khai rất thành công các mô hình “Hệ sinh thái đầu tư”, “Hệ sinh thái khởi nghiệp”, “Hệ sinh thái nông nghiệp công nghệ cao”... Những mô hình đã tạo nên hệ thống vườn ươm tài năng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, kết nối, hợp tác khởi nghiệp sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế. Đã đến lúc chúng ta phải quan tâm toàn diện, đầu tư xứng đáng cho văn hóa để góp phần chấn hưng đạo đức xã hội, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong ĐTTM. Bên cạnh vai trò quản lý nhà nước với tư cách “bà đỡ” cho các vườn ươm văn hóa-nghệ thuật, lãnh đạo thành phố kêu gọi sự đồng hành, đồng thuận cao trong đội ngũ văn nghệ sĩ, hệ thống các trường, cơ sở đào tạo nguồn nhân lực cho văn hóa-nghệ thuật. Hệ sinh thái văn hóa chính là tạo môi trường, điều kiện để các giá trị văn hóa-nghệ thuật chân-thiện-mỹ trở thành dòng chảy chủ đạo, định hướng thị hiếu thẩm mỹ, bồi đắp đời sống tâm hồn con người trong môi trường văn hóa tiên tiến, hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc.

Từ khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh, môi trường đầu tư, phát triển kinh tế có những bước khởi sắc mạnh mẽ. Đề án xây dựng thành phố thông minh trên nền tảng phát triển công nghệ vi mạch hiện đại theo hướng "đi tắt đón đầu", đã làm thay đổi căn bản công tác quản lý, điều hành, cải cách thủ tục hành chính ở thành phố đông dân nhất cả nước. Cùng với tốc độ đô thị hóa và quá trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất mạnh mẽ của các huyện ngoại thành, sự can thiệp ngày càng sâu rộng, toàn diện của công nghệ thông minh làm cho nhịp sống đô thị diễn biến, thay đổi hết sức nhanh chóng. Nếu chúng ta mải mê cuốn theo tốc độ tăng trưởng kinh tế mà coi nhẹ chấn hưng văn hóa, đạo đức xã hội, sẽ không thể bảo đảm phát triển ổn định, bền vững. Mục tiêu xây dựng thành phố “văn minh-hiện đại-nghĩa tình” được Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra chính là tạo thế “kiềng ba chân” để phát triển thành phố bền vững. TP Hồ Chí Minh phải nhanh chóng bắt kịp xu thế khu vực và châu lục, trở thành một đô thị văn minh về diện mạo, hiện đại về hạ tầng kỹ thuật và nghĩa tình về lối sống, nếp sống. Nghĩa tình là cái lõi của môi trường văn hóa trong ĐTTM.

Năm 2020 là Năm Văn hóa của TP Hồ Chí Minh với hai chương trình trọng điểm: Đẩy mạnh các hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị. Các hoạt động văn hóa tiên tiến, hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc sẽ tạo nên hệ sinh thái văn hóa lành mạnh, lấn át những biểu hiện, xu thế lai căng, tạp nham, độc hại... Có được hệ sinh thái văn hóa lành mạnh, nếp sống văn minh đô thị sẽ khởi sắc từ hành vi, sự cảm thụ văn hóa-nghệ thuật và ứng xử văn hóa của cư dân đô thị.

Môi trường văn hóa lành mạnh, đậm đà bản sắc và lối sống nghĩa tình chính là mã định danh của ĐTTM trong môi trường hội nhập quốc tế. Năm Văn hóa 2020 cũng chính là năm Đảng bộ, quân, dân Thành phố mang tên Bác kính yêu thực hiện đợt sinh hoạt chính trị-văn hóa sâu rộng từ đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng. Với truyền thống năng động, sáng tạo, nghĩa hiệp, đây sẽ là những “Hội nghị Diên Hồng” của Đảng bộ, quân và dân thành phố; đồng trí, đồng lòng vạch ra hướng phát triển thành phố nhanh chóng, ổn định, bền vững. Đó cũng chính là môi trường hình thành, tỏa sáng các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc và của Đảng ta…

PHAN TÙNG SƠN