Đại lão Hòa thượng

THÍCH THANH SAM

Phó pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN); nguyên Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam; nguyên Đại biểu HĐND tỉnh Bắc Ninh; nguyên Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bắc Ninh; nguyên Chánh thư ký Hội đồng Chứng minh GHPGVN; nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN; Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bắc Ninh; nguyên Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bắc Ninh; Viện chủ Tổ đình Vĩnh Nghiêm-Đức La Bắc Giang; Viện chủ Tổ đình Đại Thành, phường Kinh Bắc, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh.

Huân chương Độc lập hạng Nhất, Ba; Huân chương Kháng chiến hạng Nhì; Huy chương Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân; Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng; Bằng Tuyên dương công đức của GHPGVN và nhiều bằng khen, giấy khen của lãnh đạo tỉnh Hà Bắc, Bắc Ninh.

Hòa thượng Thích Thanh Sam.

Do niên cao lạp trưởng, Đại lão Hòa thượng đã thu thần viên tịch lúc 6 giờ 30 phút ngày 12-3-2018 tại Tổ đình Đại Thành, số 245 đường Lê Phụng Hiểu, phường Kinh Bắc, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Trụ thế: 90 năm: 69 Hạ lạp.

Lễ nhập kim quan chính thức cử hành lúc 14 giờ 30 phút ngày 13-3-2018. Kim quan Đại lão Hòa thượng được tôn trí tại Tổ đình Đại Thành, TP Bắc Ninh. Lễ viếng từ 16 giờ ngày 13 đến hết ngày 15-3-2018. Lễ truy điệu được cử hành lúc 8 giờ30 phút ngày 16-3-2018, sau đó phụng tống kim quan Đại lão Hòa thượng nhập Bảo tháp trong khuôn viên Tổ đình Đại Thành, phường Kinh Bắc, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh.

I. THÂN THẾ

Đại lão Hòa thượng Thích Thanh Sam, Phó pháp chủ Hội đồng Chứng minh GHPGVN, thế danh Hoàng Đăng Sam (Soang), pháp hiệu Viên Minh, sinh năm Kỷ Tỵ 1929, tại thôn Đông Bình, xã Xuân Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, trong một gia đình thuần nông vùng thôn quê thuần túy kính tín đạo Phật. Ngài là con thứ ba trong gia đình có 4 con trai, 3 con gái của cụ ông Hoàng Đăng Âm và cụ bà Nguyễn Thị Kỷ.

Tuổi ấu thơ ngài thường được cha mẹ cho đến chùa Làng, nên đã sớm có chí hướng mến mộ đạo Phật. Năm Nhâm Ngọ-1942 khi tròn 13 tuổi, với túc duyên hội đủ, được sự đồng ý của song thân, ngài đã xuất gia theo học tại chùa Đông Bình với Sư tổ Thích Thanh Hán.

 Sau ba năm chấp lao phục dịch hầu cận bên thầy, sớm khuya đèn sách, kinh kệ nỗ lực kiên trì tinh chuyên đạo hạnh, làm tròn phận sự của bậc sơ tâm, được thầy yêu mến, năm 15 tuổi, ngài được Sư tổ cho đăng đàn thụ giới Sa Di tại chốn tổ chùa Phúc Long, xã Phù Lãng, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh.

Hòa chung cùng dòng chảy lịch sử dân tộc của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ngài đã cùng Sư tổ Thích Thanh Hán chuyển từ chùa Đông Bình về tu tập tại chùa Mỹ Lộc, xã Cao Đức, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, Sư tổ viên tịch năm 1946, ngài tiếp tục ở lại chùa Mỹ Lộc cho đến năm 1949, ngài y chỉ vào Sư huynh là Tổ Thích Tâm Duyệt thụ giới Tỷ khiêu tại chốn tổ chùa Nhị Châu, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương.

II. NHỮNG ĐÓNG GÓP CHO ĐẠO PHÁP VÀ DÂN TỘC     

Khi mới chỉ là một vị Sa Di ở chùa, ngài đã tích cực hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1946. Ngài đã tham gia vào Ban Thuế xã Cao Đức, trực tiếp thu thuế nông nghiệp nuôi quân kháng chiến, đồng thời làm liên lạc cho Hội Phật giáo cứu quốc huyện Gia Bình. Vừa vận động nhân dân, tín đồ phật tử đóng góp sức người, sức của vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, vừa xây dựng tổ chức Hội Phật giáo cứu quốc huyện Gia Bình vững mạnh, tham gia hoạt động cách mạng, che giấu và bảo vệ cán bộ hoạt động bí mật tại xã Cao Đức.

Năm 1952, hòa thượng bị giặc Pháp bắt giam ba tháng. Ngài chỉ nhất tâm niệm Phật, không khai báo. Sau khi không có đủ chứng cứ buộc tội, giặc Pháp đã phải trả tự do cho hòa thượng.

Sau năm 1954, hòa thượng đã tham gia vào Ban Bình dân học vụ xã Cao Đức và trực tiếp tham gia dạy học bình dân học vụ xóa mù chữ cho nông dân.

Năm 1958, Hội Phật giáo thống nhất Việt Nam tại miền Bắc được thành lập, hòa thượng được bầu vào Ủy viên Trị sự Hội Phật giáo thống nhất Việt Nam, kiêm chức vụ Phó thư ký Chi hội Phật giáo thống nhất tỉnh Bắc Ninh. Khi Phật giáo tỉnh Hà Bắc được thành lập, hòa thượng giữ chức vụ Phó ban Thường trực kiêm Chánh thư ký Hội Phật giáo tỉnh Hà Bắc.

Từ năm 1958 đến 1961, hòa thượng làm Tổ trưởng Tổ Đổi công và Ban quản trị Hợp tác xã Nông nghiệp thôn Mỹ Lộc. Năm 1962, hòa thượng vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Năm 1966, hòa thượng được bầu làm Phó chủ tịch, rồi quyền Chủ tịch MTTQ xã Cao Đức.

Từ năm 1971 đến 1975, hòa thượng tham gia khóa học của Trường Tu học Phật pháp Trung ương, được tổ chức tại chùa Quảng Bá và chùa Quán Sứ, Hà Nội, nhận được sự truyền giảng của Đại lão Hòa thượng Thích Trí Độ, Hội trưởng Hội Phật giáo thống nhất Việt Nam, do Đại lão Hòa thượng Thích Đức Nhuận làm hiệu trưởng.

Năm 1975, hòa thượng được bổ nhiệm về công tác phật sự tại chùa Đại Thành-trụ sở của Tỉnh hội Phật giáo Hà Bắc, giữ chức vụ Phó trưởng ban Thường trực kiêm Chánh thư ký Tỉnh hội Phật giáo Hà Bắc. Sau khi Hòa thượng Trưởng ban Trị sự Phật giáo tỉnh viên tịch, hòa thượng được kế vị ngôi trụ trì tổ đình Đại Thành từ đó cho đến ngày viên tịch hôm nay.

Kể từ khi thành lập GHPGVN năm 1981, hòa thượng luôn là thành viên tích cực và tham gia vào Hội đồng Trị sự nhiều nhiệm kỳ với nhiều trọng trách tại các ban chuyên môn ở Trung ương, đồng thời ngài luôn là trụ cột trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo phật sự của Phật giáo tỉnh Hà Bắc.

 Năm 1997, hòa thượng được bầu làm Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bắc Ninh và được tấn phong lên hàng giáo phẩm Hòa thượng.

Năm 2002, tại Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ V (2002-2007), hòa thượng được Đại hội suy cử làm Phó chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN.

Năm 2007, tại Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VI (2007-2012) và Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VII (2012-2017), hòa thượng được đại hội suy tôn ngôi vị Phó pháp chủ kiêm Chánh thư ký Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh GHPGVN.

Năm 2017, tại Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII (2017-2022), hòa thượng tiếp tục được đại hội suy tôn ngôi vị Phó pháp chủ Hội đồng Chứng minh GHPHVN.

Từ năm 1980 đến nay, hòa thượng được thỉnh mời làm Giới sư, Tôn chứng sư, Hòa thượng Đàn đầu trong các giới đàn thụ giới của tỉnh Hà Bắc trước kia và tỉnh Bắc Ninh ngày nay, cũng như các tỉnh, thành phố ở miền Bắc như Hải Dương, Quảng Ninh…

Để đền đáp công ơn thầy tổ và trang nghiêm ngôi Tam Bảo, hòa thượng đã nhiều lần trùng tu chốn tổ chùa Đông Bình nơi hòa thượng sơ cơ xuất gia, đại trùng tu, xây dựng mới nhiều hạng mục chùa Đại Thành, trụ sở của GHPGVN tỉnh Bắc Ninh.

Với cương vị lãnh đạo của mình, hòa thượng còn đại diện cho GHPGVN giao lưu quốc tế, kết tập quần hiền, tham dự Hội nghị Phật giáo châu Á vì hòa bình được tổ chức tại Liên Xô (trước đây) và nước Cộng hòa Mông Cổ.

Hòa thượng đã tham gia HĐND tỉnh Bắc Ninh liên tục 5 khóa. Hòa thượng là thành viên của UBMTTQ tỉnh Hà Bắc (trước đây), Ủy viên UBMTTQ tỉnh Bắc Ninh 5 khóa liên tục, Ủy viên UBMTTQ thị xã Bắc Ninh 3 khóa liền.

Năm 2004, hòa thượng được bầu làm Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.