Cuối chiều ngày cận Tết Nguyên đán, điện thoại của Chuyên mục “Thông tin về mộ liệt sĩ” bỗng reo vang. Đầu giây bên kia ngập ngừng: “Cho tôi xin được cung cấp thông tin tìm mộ liệt sĩ”. Cuộc điện thoại là của Đại úy Cao Thị Bích Hường, giảng viên Khoa CTĐ, CTCT, Trường Đại học Nguyễn Huệ (Trường Sĩ quan Lục quân 2), là cháu nội liệt sĩ Cao Danh Hưng.

Qua điện thoại, chị Hường nghẹn ngào nói:

- Tôi thật may mắn được sinh ra khi đất nước đã hòa bình, thời khắc mưa bom lửa đạn chỉ còn lại trong những thước phim, qua lời kể của bà, bố mẹ, của cha anh một thời đi chiến đấu kể lại, nhưng tôi đã thấy được sự ác liệt của chiến tranh và sức trỗi dậy mãnh liệt của dân tộc Việt Nam.

Bà nội tôi năm nay gần 90 tuổi. Mái tóc đã bạc trắng đầu. Ngày nào bà cũng đứng trước bàn thờ, chắp tay nguyện cầu “linh hồn ông có thiêng hãy về báo mộng cho các con, các cháu để chúng mau tìm thấy hài cốt của ông!”.

Lần về thăm quê mới đây, tôi thấy bà già, yếu đi nhiều. Tôi khẽ dụi đầu vào bên nội, vòng đôi tay bé nhỏ khẽ ôm nội và cùng nghe nội tâm sự về cuộc đời, về ước nguyện giản dị mà với nội đó là một niềm khát vọng lớn lao.

Bà kể: Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông đã lên đường nhập ngũ, tình nguyện vào Quảng Bình – nơi trọng điểm ác liệt làm nhiệm vụ san lấp hố bom, ứng cứu, giải tỏa và bốc chuyển hàng hóa bảo đảm an toàn cho xe ra mặt trận chiến đấu. Ngày tiễn ông vào Nam chiến đấu, trái tim bà run lên vì dự cảm rằng ông sẽ không trở về. Nhưng bà không thể ngăn ông ra đi vì một lẽ giản dị: Nếu ai cũng sợ chết thì làm sao giải phóng được đất nước. Ông đi rồi đêm nào bà cũng ngồi bên chiếc đài cũ kỹ, lắng nghe tin tức chiến sự. Bất cứ địa danh nào có bước chân của ông đi qua, sao nội thấy gần gũi, thân thiết, máu thịt.

Kể tới đó tôi thấy bà run run rồi trầm hẳn, điệu trầm tựa như ngắt nghỉ của số phận cuộc đời. Ngước lên nhìn nội tôi thấy nơi khóe mắt nội đỏ nhòe, những giọt nước mắt rơi trên hai gò má sạm đen vì vất vả sương gió.

Rồi bà kể tiếp: “Vào một ngày khi cả dân tộc đang chuẩn bị đón năm mới. Cái Tết là ngày đoàn tụ, sum họp gia đình… Nào ngờ bà nhận được giấy báo tử do đơn vị gửi về, ghi: “Liệt sĩ Cao Danh Hưng; quê quán: Xã Nam Lâm, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An; hy sinh: năm 1952, tại xã Quảng Trạch, huyện Quảng Xuân, tỉnh Quảng Bình…”.

Lúc đấy như sét đánh bên tai nhưng bà đã gượng đứng lên, đau nỗi đau mất chồng, bà đã đến với những bà mẹ mất chồng, mất con khác để nhận ra nỗi đau của mình hòa trong nỗi đau và nước mắt của hàng triệu bà mẹ đã âm thầm khóc chồng, con trong cuộc trường chinh giữ nước.  

Giờ đây, bà tôi đã bước sang tuổi gần đại thọ. Nhưng trong lòng nội luôn dồn nén nỗi đau là chưa tìm ra mộ ông. Bố tôi, hai cô, anh em họ hàng đã lặn lội hết tỉnh này qua tỉnh khác, lần theo sự chỉ dẫn, mách bảo của bạn bè, đồng đội mong tìm được mộ ông, nhưng rồi đành thất vọng. Nỗi đau, niềm cô quạnh của nội và đại gia đình tôi đâu dễ nguôi ngoai, hằng ngày nội đến bên bàn thờ trước tấm bằng “Tổ quốc ghi công”, cầu nguyện trước khi nhắm mắt tìm thấy mộ ông. Nhìn tấm bằng “Tổ quốc ghi công” của ông – đó là minh chứng giàu lòng yêu nước, lòng tự hào nhưng ẩn chứa bên trong lớp lớp nỗi đau. Đó là cái quý giá cần thiết để đổi lấy độc lập, tự do cho dân tộc và đất nước.

Hằng năm vào mùa xuân tôi lại cắt phép về bên bà, trái tim bé bỏng của tôi vẫn luôn ước mong một ngày sớm tìm thấy hài cốt của ông để ước nguyện cuộc đời còn lại của nội sớm trở thành hiện thực.

Các cựu chiến binh, nhân dân, ai biết phần mộ liệt sĩ Cao Danh Hưng ở đâu, xin báo cho Chuyên mục "Thông tin về mộ liệt sĩ" ; hoặc về địa chỉ: Cao Danh Long, giáo viên Trường THPT Nam Đàn 1, tỉnh Nghệ An; điện thoại: 038.3 822 692; 01697257448.

Chuyên mục “Thông tin về mộ liệt sĩ” – Báo Quân đội nhân dân, số 7 - Phan Đình Phùng, Hà Nội. Điện thoại: 069.554119; 04.37478610; 0974.2222.74.Thư điện tử: chinhtriqdnd@yahoo.com.vn