QĐND - Trong lá thư dài 7 trang giấy học sinh gửi đến Chuyên mục "Thông tin về mộ liệt sĩ" cựu chiến binh (CCB) Huỳnh Hoàng Phương (thị xã Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp; điện thoại: 0938.019814) viết: “Đầu năm 1967, tôi có an táng một anh bộ đội trên sườn quả đồi nằm dưới chân dốc An Toàn trên dãy Trường Sơn, thuộc huyện An Lão, tỉnh Bình Định. Người liệt sĩ ấy tên là Nguyễn Viết Tứ, quê Vĩnh Phúc...

Hôm đó vào khoảng 4 giờ chiều một ngày đầu năm 1967, đứng trên đỉnh đồi nhìn sang đồi bên kia, tôi thấy có anh bộ đội vai khoác ba lô và một quả đạn pháo tách khỏi đội hình hành quân tạt lên đồi đến chỗ cái chòi của đồng bào dân tộc H’rê dựng lên để trông giữ lúa nằm trên lưng chừng đồi. Vào phía trong chòi, anh bộ đội bình thản mắc võng rồi nằm nghỉ. Do khoảng cách giữa chỗ tôi đứng và chòi canh lúa của đồng bào chưa đầy 100m, nên tôi nhìn thấy rất rõ mọi hành động của anh bộ đội. Quả thật, ngày đó, trường hợp mắc võng nằm nghỉ trên đường hành quân là chuyện hết sức bình thường, nên tôi không quan tâm nhiều lắm đến những hành động của anh bộ đội. Nhưng lạ thay đến sáng hôm sau, tôi cũng đứng ở bên này nhìn sang chòi canh lúa vẫn thấy chiếc võng và anh bộ đội nằm đó. Linh cảm có chuyện không lành, tôi vội chạy qua phía chòi canh lúa coi thử thực hư ra sao. Khi đứng bên võng, tôi bàng hoàng thấy anh bộ đội đã... hy sinh!

Tôi trở về đơn vị báo cáo với thủ trưởng. Thủ trưởng hỏi rất kỹ rồi phân công tôi và hai đồng chí trong đơn vị lo việc an táng cho anh bộ đội. Vị trí chúng tôi an táng anh bộ đội cách chòi canh lúa khoảng 2m. Chúng tôi gói thi hài anh bằng chiếc võng đang nằm, bên ngoài là tấm ni-lông. Huyệt được chúng tôi đào sâu 0,8m, có hình cong theo độ cong của người đã mất do nằm võng. Chiếc ba lô của anh cũng được chúng tôi an táng cùng thi thể của liệt sĩ.

Ba ngày sau, một đồng chí sĩ quan tìm đến gặp tôi nói:

- Tôi nói với đồng chí và tất cả anh em có mặt tại đây là cuộc chiến này có ngày sẽ kết thúc, nhưng chưa biết tới bao giờ – 5 năm, 10 năm hoặc lâu hơn nữa. Vì thế, nếu bây giờ tôi nói nhiều quá thì sau này khó mà nhớ được. Vậy, tôi xin nói là người vừa hy sinh mà đồng chí đã an táng bên đồi kia tên là Nguyễn Viết Tứ, quê tỉnh Vĩnh Phúc. Nhớ khi đất nước hết giặc rồi thì thông báo giùm đến thân nhân đồng chí ấy nhé. Tôi nhắc lại đó là đồng chí Nguyễn Viết Tứ, quê Vĩnh Phúc...”.

Trong những năm tham gia chiến đấu, tôi đã trực tiếp an táng nhiều đồng đội, nhưng nhớ nhất là trường hợp của liệt sĩ Nguyễn Viết Tứ. Vì thời kỳ đó, đơn vị chúng tôi đóng quân tại khu vực trên khá lâu. Thậm chí cho tới bây giờ tôi vẫn hình dung rất rõ từng con suối, từng vách đá trên địa bàn đơn vị đóng quân ngày đó…

Sau chiến tranh, tôi đã nỗ lực tìm mọi cách để báo thông tin cho gia đình liệt sĩ nhưng không đạt được kết quả. Chỉ tới khi tôi viết thư đăng tải những thông tin liên quan đến liệt sĩ Nguyễn Viết Tứ qua Chuyên mục "Thông tin về mộ liệt sĩ", tôi mới tìm được thân nhân của liệt sĩ. Theo dự kiến, tôi cùng gia đình liệt sĩ sẽ trở lại chiến trường xưa để tìm kiếm và đón anh Tứ về với quê mẹ trong một ngày gần nhất.

Chuyên mục “Thông tin về mộ liệt sĩ” – Báo Quân đội nhân dân, số 7 - Phan Đình Phùng, Hà Nội. Điện thoại: 069.554119; 04.37478610; 0974.2222.74.Thư điện tử: chinhtriqdnd@yahoo.com.vn.