* Kêu gọi cựu chiến binh và đồng bào cả nước cung cấp thông tin về khu mộ tập thể vừa được cất bốc
QĐND - Chiều 5-9, tỉnh Quảng Trị tổ chức lễ truy điệu và an táng các liệt sĩ vừa quy tập tại thôn Cam Phú, xã Cam Thành (Cam Lộ, Quảng Trị). Trước đó, ngày 30-8, được tin báo của nhân dân về việc phát hiện hài cốt liệt sĩ tại ngôi mộ tập thể trên địa bàn, Bộ CHQS tỉnh phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị tiến hành tìm kiếm, quy tập được rất nhiều hài cốt liệt sĩ.
Cuộc trở về sau hơn 40 năm
Có mặt tại thôn Tân Phú - nơi tìm thấy hài cốt liệt sĩ, chúng tôi nhận thấy 74 tiểu sành phủ Quốc kỳ đỏ thắm, được xếp ngay ngắn sau bàn thờ liệt sĩ trang nghiêm. Các thầy cô giáo và các em học sinh Trường THPT Cam Lộ sau lễ khai giảng năm học mới đã mang vòng hoa đến viếng…
Đại tá Hồ Thanh Tự, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Quảng Trị cho biết: “Trong 74 tiểu sành đựng rất nhiều hài cốt liệt sĩ, hiện vẫn chưa xác định được danh tính, phiên hiệu đơn vị của các liệt sĩ”.
 |
Chiếc đồng hồ - di vật nằm cùng hài cốt các liệt sĩ.
|
Theo thông tin từ Bộ CHQS và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị, những yếu tố để khẳng định đây chính xác là hài cốt liệt sĩ, là vị trí khai quật mộ tập thể gần với địa chỉ theo tài liệu do Hội Cựu chiến binh Mỹ cung cấp: Họ đã chôn cất 158 liệt sĩ hy sinh ngày 27-1-1968 tại làng An Thái Thượng. Dựa trên tài liệu này, nhiều năm qua, Bộ CHQS tỉnh và Đoàn C68 đã tổ chức tìm kiếm nhưng chưa có kết quả. Điểm thứ hai, theo Biên niên sự kiện của Trung đoàn 64, Sư đoàn 320, Binh đoàn Tây Nguyên có ghi: Từ ngày 24-1-1968 đến ngày 27-1-1968, Trung đoàn 64 tổ chức trận đánh tiêu diệt địch, cắt đứt đường số 9 ở Động Mã và tập kích cao điểm 105. Đại tá Nguyễn Kiên Lợi, Phó chính ủy Sư đoàn 320 cho biết, trong thời gian chiến đấu trên, Trung đoàn 64 có 97 đồng chí hy sinh không lấy được thi hài. Điểm thứ ba, theo nguồn tin của nhân dân địa phương và một số cựu chiến binh cho rằng: Những năm 1967-1968, 1970-1971, trên địa bàn xã Cam Thành diễn ra một số trận đánh, bộ đội ta hy sinh bị Mỹ-ngụy đem chôn tập thể. Điểm thứ tư: Qua thực tế tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ tại hiện trường, các di vật được tìm thấy cùng hài cốt gồm 123 cúc áo quân phục Tô Châu của bộ đội ta, 9 miếng lót ni-lông vành mũ mềm bộ đội; một khóa thắt lưng bao xe, 5 khóa bao xe lựu đạn; một chăn dù và hai mét dù cùng nhiều di vật khác… Tất cả những di vật đó đều là những vật dụng bộ đội ta thường được trang bị và sử dụng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
13 giờ ngày 5-9, giữa cái nắng nóng oi nồng ở Quảng Trị, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh, Đoàn C68, công an, cựu chiến binh và nhân dân đã tụ về khu vườn nhỏ ở thôn Tân Phú, dự Lễ truy điệu các liệt sĩ. Điếu văn do đồng chí Nguyễn Đức Chính, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đọc tại buổi lễ đã nêu cao ý nghĩa sự hy sinh xương máu của các anh hùng liệt sĩ vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Cuộc chiến tranh xảy ra trên địa bàn Quảng Trị rất tàn khốc, nên sự hy sinh, mất mát của bộ đội ta là rất lớn. Cam Lộ là một địa bàn trọng điểm, nơi đây, kẻ thù tập trung nhiều binh, hỏa lực để quyết chiến với ta… Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, quân và dân Quảng Trị cùng các đơn vị đã từng chiến đấu trên địa bàn phối hợp tổ chức tìm kiếm, quy tập trên 60.000 phần mộ liệt sĩ hy sinh tại Quảng Trị và trên địa bàn tỉnh Sa Van Na Khệt (Lào) về 72 nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn tỉnh.
Rất nhiều các mẹ, các chị ở Cam Lộ đến viếng rưng rưng xúc động, đến bên từng chiếc tiểu sành đựng hài cốt các liệt sĩ; các mẹ, các chị đã khóc như khóc với những người thân của mình. Một mẹ già Cam Lộ nói với chúng tôi: “Cầu cho hương hồn các anh siêu thoát, về với cõi vĩnh hằng!”.
Sau Lễ truy điệu, các hài cốt liệt sĩ được chuyển về an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9. Các anh được nằm kề khu mộ 105 liệt sĩ của Trung đoàn 48, Sư đoàn 320, hy sinh ngày 2-2-1968 tại huyện lỵ Cam Lộ, được tìm thấy và an táng ngày 16-5-2005. 74 chiếc tiểu sành đựng hài cốt liệt sĩ chưa biết tên, nằm ngay ngắn, trang nghiêm trong đội ngũ của người chiến sĩ. Chúng tôi thả xuống nấm mồ chung của các anh một nắm đất đỏ ba-zan Cam Lộ. Sau hơn 40 năm xa đồng đội, người thân, hôm nay, các anh đã về trong ấm áp nghĩa tình và lòng tri ân của mọi người.
Nỗ lực tìm kiếm cao nhất
Đại tá Hồ Thanh Tự cho biết: “Sau khi khẳng định chắc chắn đó là khu mộ tập thể liệt sĩ, chúng tôi tổ chức lực lượng quy tập khoảng 100 cán bộ, chiến sĩ, dân quân, cựu chiến binh, tiến hành khai quật, mở rộng phạm vi tìm kiếm”.
 |
Thủ trưởng Bộ tư lệnh Quân khu 4 và lãnh đạo tỉnh Quảng Trị cùng nhân dân đưa hài cốt liệt sĩ về nơi an táng.
|
Kinh nghiệm của việc tổ chức quy tập mộ tập thể cho thấy, địch thường dùng xe ủi, ủi thành một rãnh lớn và hất thi thể bộ đội ta xuống... Lực lượng khai quật cũng đã tích cực tìm kiếm theo vệt, rạch mà ta phán đoán địch có thể tạo ra trong khắp 3.000m2 thuộc khu vườn nhà ông Trần Vĩnh, nhưng không phát hiện thêm điểm có hài cốt liệt sĩ.
Quá trình tìm kiếm, Bộ CHQS tỉnh Quảng Trị đã thường xuyên nhận được sự chỉ đạo sát sao từ phía lãnh đạo BTL Quân khu 4 và Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Trị. Tinh thần chỉ đạo là làm hết sức thận trọng, tỉ mỉ, kết luận kỹ địa bàn sau khi đã khai quật.
Rất cần thông tin về các liệt sĩ
Sau khi tổ chức lễ truy điệu và an táng chu đáo, vấn đề đặt ra với Bộ CHQS tỉnh Quảng Trị và các cơ quan chức năng là nhanh chóng xác định danh tính, phiên hiệu đơn vị của các liệt sĩ.
Thiếu tướng Nguyễn Chí Hướng, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Quảng Trị cho biết: “Cùng với khai quật khu mộ tập thể, chúng tôi đã tiến hành ngay các biện pháp ban đầu để xác định danh tính các liệt sĩ”.
Từ kết quả khai quật đã xuất hiện một số vấn đề cần làm rõ là:
Thứ nhất, theo tài liệu của phía cựu chiến binh Mỹ, khu mộ tập thể này có 158 bộ đội ta. Tuy nhiên, theo tài liệu chính thức của Trung đoàn 64, trong trận đánh ngày 27-1-1968, phía ta chỉ hy sinh 97 đồng chí. Thực tế ở khu mộ khai quật, do thi thể các hài cốt bị vùi lấp trong lòng đất lâu ngày, hầu hết đã phân hủy, chỉ còn một số xương tay, chân nên không xác định được số lượng hài cốt. (Bộ phận khai quật đã cho vào 74 tiểu sành để an táng chung). Sự chênh lệch về số lượng hài cốt trên tài liệu của hai bên là quá lớn.
Thứ hai, trong số di vật tìm được lại có khá nhiều di vật mà bộ đội đặc công thường sử dụng như: Tấm lót ni-lông vành mũ mềm đặc công; không tìm được di vật là giày, dép (khi tác chiến, bộ đội đặc công ít đi giày, dép). Đặc biệt, có một chiếc đồng hồ Đức, là loại đồng hồ mà một số cựu chiến binh cho biết - thường được các mũi trưởng đặc công sử dụng khi chiến đấu ở khu vực này.
Từ những lý do trên, hiện tại chưa thể khẳng định được ngôi mộ tập thể trên là các liệt sĩ thuộc Trung đoàn 64 hay của một đơn vị đặc công nào đó.
Bộ CHQS tỉnh Quảng Trị kêu gọi các đồng chí cựu chiến binh đã từng chiến đấu trên địa bàn huyện Cam Lộ, đồng bào cả nước và tất cả những ai có thông tin về ngôi mộ tập thể nói trên, tham gia làm rõ danh tính và phiên hiệu đơn vị của các liệt sĩ.
Mọi thông tin về khu mộ tập thể của các liệt sĩ thuộc thôn An Thái Thượng (trước đây), nay là thôn Cam Phú, xã Cam Thành (Cam Lộ, Quảng Trị) xin gửi về Phòng Chính trị (Bộ CHQS tỉnh Quảng Trị) hoặc chuyên mục: Thông tin về mộ liệt sĩ, Phòng Biên tập CTĐ, CTCT – Báo Quân đội nhân dân, số 7, Phan Đình Phùng, Hà Nội. Điện thoại: 069.554.119; 0974222274.
|
Bài và ảnh: Trần Hoài - Hồng Hải