Vị trí phát hiện 21 HCLS nằm ở sườn thấp kéo lên lưng chừng núi độ cao 7-8m và trong các hang đá sâu từ 3 đến 5m. HCLS được bọc trong tăng và chôn cất ở độ sâu 0,2-0,5m, trên các phần mộ có nhiều viên đá nhỏ xếp chồng lên nhau, vị trí chôn cách nhau từ 1 đến 1,5m. Xung quanh vị trí phát hiện 21 HCLS có nhiều hang đá rộng từ 10 đến 20m.

21 HCLS được tìm thấy hiện còn nhiều xương cốt và các di vật như: Cúc áo, tăng, vải dù, bàn chải, kem đánh răng, nhẫn bằng dây điện thoại, lọ thuốc tiêm, hộp thịt hộp, khuy hộp lương khô, dây điện thoại, nhiều miếng nhôm, sắt, đạn súng AK, súng trường, vỏ và đạn 12,7mm, nhiều mảnh vỏ bom, lưỡi cuốc pháo công binh loại to, miếng thuốc nổ 400g...

Theo nguồn tin từ người dân cung cấp: Giai đoạn 1967-1972, tại vị trí phát hiện 21 HCLS là trọng điểm đánh phá ác liệt của máy bay Mỹ nhằm ngăn chặn đường hành quân chiến đấu của bộ đội ta. Do địch đánh phá ác liệt nên toàn bộ người dân sống trong các hang đá phải di chuyển qua tỉnh Quảng Bình và nhường lại cho một đơn vị bộ đội công binh tham gia khai thác đá, mở đường từ bản Cù Bai, xã Hướng Lập phục vụ các đơn vị bộ đội hành quân từ miền Bắc vượt Trường Sơn qua nước bạn Lào chi viện cho tuyến đầu đánh Mỹ, giải phóng miền Nam.

Hiện nay qua khảo sát, tìm kiếm, Đội Quy tập HCLS phát hiện thêm nhiều vị trí có khả năng có HCLS được chôn cất. Đối với các HCLS được tìm thấy, Đội tổ chức đưa về khu văn hóa tâm linh của huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị để hương khói, bảo quản. 

Để góp phần đẩy nhanh tiến độ tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính HCLS, từ những thông tin trên, các cơ quan, đơn vị, địa phương và nhân dân, ai biết thông tin liên quan đến các liệt sĩ trên, xin báo cho Thiếu tá Trần Khắc Thanh, Đội trưởng Đội Quy tập HCLS Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 337; điện thoại: 0968.797.456 hoặc Chuyên mục “Thông tin về mộ liệt sĩ”. 

Chuyên mục “Thông tin về mộ liệt sĩ”-Báo Quân đội nhân dân, số 7 Phan Đình Phùng, Hà Nội; điện thoại: 069.554119; thư điện tử: congtacdang@qdnd.vn.