Đầu tháng 12-2011, Nguyệt san nhận được thư đề nghị đăng tin tìm thông tin và phần mộ của gia đình liệt sĩ Hoàng Trung Nhật (hay còn gọi là Nhựt). Thư do em trai liệt sĩ là đồng chí Đại tá Hoàng Duy Tập, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 83 Công binh Hải quân thay mặt gia đình, viết...
QĐND - Đầu tháng 12-2011, Nguyệt san nhận được thư đề nghị đăng tin tìm thông tin và phần mộ của gia đình liệt sĩ Hoàng Trung Nhật (hay còn gọi là Nhựt). Thư do em trai liệt sĩ là đồng chí Đại tá Hoàng Duy Tập, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 83 Công binh Hải quân thay mặt gia đình, viết: “Gia đình tôi có sáu anh em trai, đều phục vụ trong các đơn vị bộ đội và công an thuộc LLVT nhân dân góp phần giải phóng Tổ quốc, xây dựng đất nước. Khi chiến thắng trở về chỉ còn lại 5 người, người anh trai thứ 4 Hoàng Trung Nhật đã vĩnh viễn nằm lại vùng đất nào đó ở cực Nam Tổ quốc. Chúng tôi luôn canh cánh bên lòng sau gần 40 năm tìm kiếm đến nay vẫn không biết sự thực là anh trai tôi đã chiến đấu và hy sinh ở khu vực nào?
 |
Liệt sĩ Hoàng Trung Nhật.
|
Gia đình chúng tôi đã tìm và gặp được một số đồng chí như: Đại tá Cao Thanh, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 10 Rừng Sác, Đại tá Lê Bá Ước, nguyên Chính ủy Đoàn 10, đồng chí Xuyên (cán bộ tham mưu Tiểu đoàn 8), đồng chí Bàng (Chính trị viên Tiểu đoàn 8), Sáu Loan… là những người đã từng công tác và chiến đấu cùng đơn vị với liệt sĩ Nhật. Họ đã cung cấp cho gia đình chúng tôi biết một số thông tin về liệt sĩ Nhật như: thuộc Đoàn 10 đặc công Rừng Sác tăng cường cho Y4 (biệt động Sài Gòn-Gia Định) giai đoạn 1966-1970 (?); hy sinh tại xã Long Tân-Nhơn Trạch-Đồng Nai hay Suối Cả-Long Thành-Đồng Nai, C10-D8-PK4-B2 là phiên hiệu của đơn vị trực thuộc Đặc công Hải quân hay biệt động Sài Gòn-Gia Định. Song tất cả những gì chúng tôi thu thập được lại không chính xác và thống nhất.
Ngày 13-4-2006, trong bài viết “Có một ngôi đền thờ bộ đội đặc công” của tác giả Nguyễn Hoàng Dục đăng trên Báo Hải quân số Đặc biệt kỷ niệm 40 năm ngày truyền thống Bộ đội Đặc công Hải quân có nêu thông tin: Cuối tháng 11-1967 bộ đội đặc công nước đã tổ chức một trận đánh làm chìm một đoàn tàu kéo 8 sà lan với hàng nghìn tấn vũ khí của Mỹ-ngụy. Chỉ huy tổ đó là một đồng chí tên Nhật có những đặc điểm trùng hợp với liệt sĩ Hoàng Trung Nhật: Nhập ngũ 1963, quê Quảng Bình (liệt sĩ Nhật là Đại đội phó-đặc công nước thuộc Đội 8 Đặc công Hải quân, được Tư lệnh chiến khu Rừng Sác Lương Văn Nho (Hai Nhã) giao nhiệm vụ sang phối thuộc với Y4 - biệt động Sài Gòn, Gia Định. Tuy nhiên, danh sách ba liệt sĩ được thờ tại đền Long Tân mà gia đình tôi đến tận nơi tìm hiểu lại tên là Trần Văn Nhật, quê ở Hải Phòng (không giống như trong bài báo nêu).
Ngoài ra, theo giấy báo tử gửi về cho gia đình chúng tôi có ghi: Liệt sĩ Hoàng Trung Nhật được tặng thưởng 15 giấy khen và bằng khen cùng một số di vật của liệt sĩ nhưng không biết hiện tất cả đang lưu ở đâu mà đến nay gia đình vẫn chưa nhận được”.
Từ những chi tiết nêu trên, gia đình liệt sĩ Hoàng Trung Nhật kính mong các đồng chí, đồng đội cùng đơn vị và bạn đọc gần xa ai biết và có thể cung cấp thông tin về liệt sĩ Hoàng Trung Nhật (Nhựt), xin báo cho: Em trai Hoàng Duy Tập, số nhà 75 Trần Quang Khải-Thọ Quang- Sơn Trà-Đà Nẵng. Điện thoại: 05113920065-0913401978-0982289978.
Liệt sĩ: Hoàng Trung Nhật (hay còn gọi là Nhựt)
Sinh năm: 1943
Quê quán: Hải Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình
Nhập ngũ: Tháng 4-1963 thuộc Đội 8 Đặc công nước-Quân chủng Hải quân
Vào Nam chiến đấu: Tháng 1-1965
Đơn vị: C10-D8-PK4-B2
Chức vụ: Đại đội phó
Hy sinh: 3-11-1970 tại mặt trận phía Nam
|