Liên quan đến vấn đề này, mặc dù trong Điều 36, Điều 37 của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP (Nghị định 99) do Chính phủ ban hành có hiệu lực từ ngày 10-12-2015 đã quy định rõ, nhưng đến nay, việc chủ đầu tư tại nhiều dự án chây ỳ, không hợp tác, không chịu bàn giao hoặc nộp chậm, nộp không đầy đủ, trục lợi… từ quỹ bảo trì đã gây ra những bức xúc và tranh chấp kéo dài nhiều năm giữa cư dân với chủ đầu tư. Có tình trạng này bởi lẽ lâu nay, 2% phí bảo trì tòa nhà chung cư người mua đều nộp trực tiếp vào tài khoản đã ghi trong hợp đồng mua bán; hoặc nộp cho chủ đầu tư để chủ đầu tư chuyển vào tài khoản kinh phí bảo trì. Tuy nhiên, chính hình thức nộp tiền này dẫn đến tình trạng nhiều chủ đầu tư đã tự ý sử dụng trước khi bàn giao cho ban quản trị.
Theo tôi, một phần gây nên tình trạng này là do trong Nghị định 99 chỉ quy định cưỡng chế chủ đầu tư vi phạm bàn giao quỹ bảo trì chung cư cho các ban quản trị một cách chung chung, thiếu cụ thể, dẫn đến việc chính quyền các địa phương, các cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn khi áp dụng, tổ chức triển khai thực hiện.
 |
2% giá trị một căn hộ nhưng khi nhân lên toàn bộ căn hộ trong một chung cư sẽ là con số không nhỏ. Ảnh minh họa: TTXVN |
Để khắc phục tình trạng này, mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị định số 30/2021/NĐ-CP (Nghị định 30) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 99 quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều Luật Nhà ở 2014. Trong đó, đáng chú ý là sửa đổi, bổ sung Điều 37 thủ tục cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư. Quy định tại điểm d khoản 1 Điều 37 của Nghị định 30 cũng nêu rõ trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày nhận được quyết định cưỡng chế của UBND cấp tỉnh, tổ chức tín dụng đang quản lý tài khoản tiền gửi kinh phí bảo trì có trách nhiệm chuyển kinh phí này sang tài khoản do ban quản trị nhà chung cư lập để quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về nhà ở. Đặc biệt tại khoản 2, khoản 3 của Điều 37 cũng quy định cụ thể thủ tục cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì từ tài sản kinh doanh của chủ đầu tư trong trường hợp chủ đầu tư không còn tiền hoặc còn tiền nhưng không đủ để bàn giao và thủ tục cưỡng chế kê biên tài sản của chủ đầu tư đối với trường hợp không có kinh phí để bàn giao...
Tôi cho rằng, việc Chính phủ ban hành Nghị định 30 lần này đã cụ thể hơn so với Nghị định 99 trước đây. Với những quy định mới, cụ thể sẽ tạo cơ sở pháp lý rõ ràng, có chế tài đủ mạnh cho các cơ quan chức năng, cho chính quyền địa phương trong quá trình triển khai cưỡng chế, thu hồi, bàn giao kinh phí bảo trì cho các ban quản trị chung cư đối với các trường hợp chủ đầu tư cố tình chây ỳ, vi phạm, trục lợi từ quỹ bảo trì.
Để Nghị định 30 đi vào cuộc sống, góp phần giải quyết những bức xúc, tranh chấp giữa người dân và chủ đầu tư tòa nhà, theo tôi, các cơ quan quản lý và chính quyền các địa phương cần phải tổ chức quán triệt, thực hiện các quy định mới ban hành này thật nghiêm minh, hiệu quả theo đúng quy định của pháp luật. Qua đó, cũng cảnh báo, răn đe và xử lý nghiêm các chủ đầu tư vi phạm để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho người mua nhà; đồng thời giải quyết tình trạng tụ tập khiếu kiện của người dân gây mất an ninh trật tự xã hội.
HOÀNG LAN (Hoàng Mai, Hà Nội)