Trả lời: Theo Điều 17, Nghị định số 04/2021NĐ-CP ngày 22-1-2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, hành vi vi phạm quy định về hoạt động của văn phòng đại diện tổ chức giáo dục nước ngoài tại Việt Nam bị xử lý như sau:

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi vẫn tiếp tục hoạt động khi đã hết thời hạn cho phép hoạt động tại Việt Nam.

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Gian lận để được cho phép thành lập văn phòng đại diện;

b) Hoạt động không đúng nội dung trong quyết định cho phép thành lập văn phòng đại diện hoặc giấy chứng nhận đăng ký hoạt động.

3. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi hoạt động khi chưa được cấp phép thành lập hoặc cấp phép hoạt động tại Việt Nam.

4. Hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ hoạt động của văn phòng đại diện tổ chức giáo dục nước ngoài tại Việt Nam từ 3 tháng đến 6 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b, khoản 2 điều này.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc nộp lại và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi quyết định cho phép thành lập văn phòng đại diện đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a, khoản 2 điều này;

b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm b, khoản 2 điều này.

*Bạn đọc Nguyễn Thị Thúy ở phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng, hỏi: Việc cấp thẻ bảo hiểm y tế cho các đối tượng bảo trợ xã hội được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 9, Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15-3-2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội như sau:

1. Đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng được cấp thẻ bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.

2. Trường hợp đối tượng quy định tại khoản 1 điều này thuộc diện được cấp nhiều loại thẻ bảo hiểm y tế thì chỉ được cấp một thẻ bảo hiểm y tế có quyền lợi bảo hiểm y tế cao nhất.

QĐND