Điểm p khoản 1 Điều 46 BLHS năm 2009 quy định: "Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải" nhưng điểm S khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015 lại quy định thêm một chữ "Người phạm tội thành khẩn khai báo "hoặc" ăn năn hối cải". So với quy định đang thực hiện, mặc dù chỉ thay dấu phẩy bằng chữ  "hoặc" nhưng sẽ xảy ra những bất cập khi áp dụng tình tiết này, bởi lẽ theo ngôn ngữ của tiếng Việt khi sử dụng từ “hoặc” là đặt một sự kiện nào đó ở trong trường hợp có mối quan hệ lựa chọn: Có A thì thôi B và ngược lại. Ví dụ, người lao động làm việc ngày Chủ nhật thì được hưởng 200% lương cơ bản hoặc được nghỉ bù. Như vậy không thể có trường hợp nếu làm việc ngày Chủ nhật vừa được nghỉ bù vừa được hưởng 200% lương cơ bản; hay vật liệu lợp nhà có thể dùng tôn “hoặc” ngói; hành khách đi từ Hà Nội vào thành phố Huế có thể sử dụng phương tiện tàu hỏa “hoặc” máy bay...

Nếu áp dụng hình phạt cho người phạm tội theo quy định như điểm S khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015 thì gây bất lợi cho họ. Ví dụ, anh A không có giấy phép lái xe, khi điều khiển xe trong trạng thái uống rượu không làm chủ tốc độ lấn sang phần đường người đi bộ nên va quyệt xe làm ông B bị ngã, anh A vội xuống xe gọi taxi đưa nạn nhân đi cấp cứu nhưng do bị chấn thương sọ não, ông B chết. Sau khi gây tai nạn, anh A lo toàn bộ mai tang phí và bồi thường các khoản thiệt hại về vật chất, tinh thần cho gia đình ông B; day dứt về hành vi phạm tội của mình, anh A cai hẳn rượu, chịu mọi chi phí cho cháu C, con ông B đến năm 18 tuổi, học nghề cơ khí và cam kết lo việc cho cháu sau khi ra trường.

Với các tình tiết trên, mặc dù được gia đình bị hại xin miễn trách nhiệm hình sự nhưng A vẫn bị truy tố theo khoản 2 Điều 202 BLHS, có khung hình phạt từ ba năm đến mười năm với 2 điểm định khung tăng nặng: Không có giấy phép lái xe và sử dụng rượu bia quá mức khi điều khiển phương tiện giao thông.

Tuy nhiên, đối chiếu BLHS năm 2009, thì A có 3 tình tiết được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại các điểm b, p Khoản 1 Điều 46  đó là: Người phạm tội bồi thường thiệt hại; người phạm tội thành khẩn khai báo và người phạm tội ăn năn hối cải.

Theo hướng dẫn áp dụng hình phạt trong trường hợp của A khi xét xử, sau khi đối trừ các tình tiết tăng nặng hay tình tiết định khung với các tình tiết giảm nhẹ, thì A có đủ điều kiện để Tòa án áp dụng Điều 47 BLHS - Quyết định hình phạt nhẹ hơn quy định của BLHS, nghĩa là A được áp dụng nhiều loại hình phạt quy định tại khoản 1, Điều 202 BLHS như phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm. Nhưng nếu áp dụng điểm S khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015, thì A không có cơ hội được chuyển khung hình phạt, vì theo quy định của điều luật, Tòa án chỉ được áp dụng 1 trong 2 điểm: Người phạm tội thành khẩn khai báo hoặc người phạm tội ăn năn hối cải.

leftcenterrightdel
 

Có lẽ nhà làm luật đã phát hiện thấy sự bất hợp lý khi có chữ “hoặc” trong một số quy định của BLHS năm 2009 nên đã khắc phục. Chẳng hạn đối với tội "Cố ý gây thương tích", hoặc "gây tổn hại sức khỏe" cho người khác quy định tại điểm i khoản 1 Điều 104 BLHS, khi người thực hiện hành vi gây thương tích nếu thuộc trường hợp “có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm” là yếu tố định tội hay định khung tăng nặng, nhưng người phạm tội phạm hai tình tiết này, song khi áp dụng hình phạt vì có chữ “hoặc” nên Tòa án chỉ được áp dụng một trong hai tình tiết định tội hay định khung, nếu áp dụng “côn đồ” thì thôi “tái phạm nguy hiểm” và ngược lại. Như vậy đã để lọt tình tiết định tội hay định khung tăng nặng song “tuy vi phạm nhưng không sai”. Bởi vậy, sự bất cập này đã được khắc phục bằng cách bỏ chữ “hoặc” mà quy định thành 2 điểm riêng biệt tại các điểm m, n khoản 1 Điều 134 BLHS năm 2015.

Qua nội dung phân tích trên, chỉ một chữ “hoặc” đã làm xấu hậu quả pháp lý đối với người phạm tội, vì lẽ đó tôi đề nghị bỏ chữ “hoặc” trong điểm S Điều 51 BLHS năm 2015, giữ nguyên quy định này như  điểm p khoản 1 Điều 46 BLHS Năm 2009.

Nhân đây, từ thực tế áp dụng luật, tôi đề nghị bổ sung tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với những người phạm tội, nhưng trước hay sau khi phạm tội đó họ đã từng hiến tạng, hay nhiều lần hiến máu; quy định này nhằm thể hiện tính nhân văn của luật pháp đối với người đã có nghĩa cử.

Luật sư NGUYỄN THÀNH MINH-Công sự Văn phòng Luật sư Bùi Lan - ĐLS, tỉnh Tuyên Quang