Dự án tuyến đường sắt Yên Viên-Hạ Long-Cái Lân được triển khai từ năm 2004, dự kiến hoàn thành năm 2011 với tổng mức đầu tư 7.665 tỷ đồng từ nguồn trái phiếu Chính phủ.
Khi hoàn thành, tuyến đường sắt này sẽ rút ngắn thời gian chạy tàu từ ga Yên Viên tới Hạ Long xuống còn 1,5 giờ đến 2 giờ đối với tàu khách; 3 giờ đến 4 giờ đối với tàu hàng thay vì mất khoảng 7 giờ 30 phút từ ga Yên Viên (Hà Nội) chạy ngược lên ga Kép ở thị trấn Kép, huyện Lạng Giang (Bắc Giang) rồi mới xuống Hạ Long.
Đến năm 2011, dự án phải tạm dừng theo chủ trương cắt giảm đầu tư công theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ. Nhiều vật tư phải nằm phơi mưa, phơi nắng. Dọc tuyến đường sắt này, nhiều đoạn đường thi công dang dở, đứt đoạn.
 |
Một đoạn trên tuyến đường sắt Yên Viên-Hạ Long-Cái Lân bắc qua cao tốc Hà Nội-Bắc Giang. |
Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), trong số 4 tiểu dự án thành phần, chỉ có tiểu dự án Hạ Long-cảng Cái Lân dài 5,67km, vốn đầu tư 1.510 tỷ đồng hoàn thành; còn lại đều rơi vào cảnh dở dang, cầu chờ đường, đường chờ đổ đá, lắp ray… Ðến cuối tháng 10-2017, dự án đã được giải ngân 4.322 tỷ đồng (đạt 56%), các tiểu dự án Lim-Phả Lại, Phả Lại-Hạ Long và Yên Viên-Lim được giải ngân 3.085 tỷ đồng, toàn bộ dưới dạng bán thành phẩm...
Mới đây, Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT rà soát, báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định phương án triển khai dự án theo hướng tiếp tục, hoặc kết thúc. Bộ GTVT đang giao Viện Chiến lược và Phát triển GTVT và Ban quản lý Dự án đường sắt nghiên cứu, tính toán tổng nhu cầu vốn để Chính phủ xem xét khả năng cân đối vốn, báo cáo Quốc hội xem xét cuối năm nay. Nếu kịp, có thể giao kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025 để triển khai trở lại. Nếu không được bố trí vốn ngân sách, dự án sẽ phải “đắp chiếu” thêm nhiều năm nữa, con số thiệt hại, lãng phí sẽ ngày càng lớn.
Bài và ảnh: ĐỨC TUẤN