Gia đình Duy có hoàn cảnh khó khăn vì bố mất sớm, một mình mẹ nuôi 4 anh em ăn học. Hồi còn học phổ thông, ngoài việc học, Duy tranh thủ thời gian phụ giúp mẹ làm ruộng vườn để có thêm thu nhập. Thấu hiểu mong muốn của mẹ, năm 2021, Hoàng Tùng Duy tình nguyện viết đơn thực hiện nghĩa vụ quân sự. Thực hiện lời hứa với mẹ lúc lên đường, Duy nhanh chóng làm quen môi trường quân ngũ, ra sức học tập, phấn đấu, không ngại khó, ngại khổ, luôn nhiệt tình, trách nhiệm trong công việc, tham gia tích cực vào các hoạt động của đơn vị, được chỉ huy và đồng đội tin yêu. Không chỉ vậy, Duy còn có ý thức tiết kiệm chi tiêu cá nhân để gửi phụ cấp về giúp gia đình.
 |
Binh nhất Hoàng Tùng Duy (thứ hai, từ phải sang) cùng đồng đội trao đổi, học tập. |
Binh nhất Hoàng Tùng Duy tâm sự: “Thu nhập chính của gia đình em chỉ trông vào mấy sào ruộng. Em rất thương mẹ và các em nên luôn cố gắng tiết kiệm chi tiêu để gửi tiền phụ cấp về giúp mẹ. Em sẽ cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao để mẹ thêm vui, vượt qua mọi khó khăn. Sau khi xuất ngũ, em sẽ học nghề để có việc làm phù hợp, thu nhập ổn định nhằm chăm lo cho mẹ và các em”. Trung úy Bùi Huy Thắng, Chính trị viên Đại đội 1 cho biết: “Binh nhất Hoàng Tùng Duy là chiến sĩ gương mẫu, trách nhiệm cao trong công tác, tiêu biểu cho tinh thần vượt khó vươn lên. Từ ngày nhập ngũ đến nay, Duy đã tiết kiệm được gần 5.000.000 đồng gửi về gia đình”.
Bài và ảnh: HOÀNG TRUNG
-----
Thôn đội trưởng là tỷ phú
Chịu thương chịu khó, dám nghĩ dám làm, bởi vậy, sau 11 năm xuất ngũ, anh Nông Văn Tuấn, Thôn đội trưởng thôn Tân Bắc, xã Ea Kênh, huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) đã có trong tay cơ ngơi, trang trại trị giá hàng chục tỷ đồng, là điển hình làm kinh tế giỏi của địa phương, được nhiều người tìm đến tham quan, học tập.
 |
Anh Nông Văn Tuấn tỉa hoa để sầu riêng cho năng suất, chất lượng cao. |
Năm 2008, vừa học hết phổ thông, anh Tuấn viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Suốt 3 năm công tác tại Sư đoàn 10 (Quân đoàn 3), trên cương vị tiểu đội trưởng bộ binh, anh luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và vinh dự được kết nạp Đảng. Quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương, sau khi xuất ngũ, anh đăng ký tham gia các lớp tập huấn khuyến nông rồi mạnh dạn vay vốn ngân hàng, trồng gần 1,5ha sầu riêng Thái Lan cơm vàng, hạt lép. Do chưa có kinh nghiệm chăm sóc nên thời gian đầu, vườn cây của gia đình anh phát triển chậm, thường xuyên bị rỉ sắt, khô đọt, thán thư... Không bỏ cuộc, anh lặn lội đến các nhà vườn ở miền Tây Nam Bộ để tìm hiểu, học tập kỹ thuật trồng và chăm sóc sầu riêng. Sau 4 năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, vườn cây bắt đầu cho quả...
Để tiếp tục phát triển kinh tế gia đình, năm 2015, vợ chồng anh đầu tư thêm gần 1 tỷ đồng xây chuồng nuôi lợn nái, lợn thịt và thỏ sinh sản. Cùng với đó, anh còn đi mua lợn sữa về quay và bỏ mối cho các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn. Vào dịp cao điểm lễ, tết, nhu cầu lợn quay của khách tăng đột biến, hay khi sầu riêng chuẩn bị trổ bông, cần nhiều công chăm sóc, anh phải thuê thêm hàng chục nhân công để phụ giúp. Thấy nhiều đồng đội cũ cuộc sống còn khó khăn, vất vả, anh tạo điều kiện giúp đỡ cả về vật chất, tinh thần, công việc... Hiện nay, mỗi năm gia đình anh Nông Văn Tuấn thu nhập gần 2 tỷ đồng, trở thành tấm gương sáng về tinh thần vượt khó vươn lên. Anh Tuấn chia sẻ: "Ai cũng có thể làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình. Quan trọng là phải chịu khó học hỏi các kiến thức, kinh nghiệm và chăm chỉ, quyết tâm cao".
Bài và ảnh: HÀ LÊ
------
Nắm chắc lợi thế, nhu cầu địa phương để tư vấn cho bộ đội
Hằng năm, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau đón hàng trăm quân nhân xuất ngũ về địa phương. Nhiều đồng chí băn khoăn không biết chọn nghề gì phù hợp do thiếu thông tin việc làm, vì vậy, Ban CHQS huyện là cầu nối giữa bộ đội xuất ngũ với các trung tâm giới thiệu việc làm, dạy nghề... nhằm định hướng cho thanh niên học nghề hoặc phát triển mô hình kinh tế gia đình phù hợp.
Trần Văn Thời là huyện trọng điểm về kinh tế biển của tỉnh Cà Mau, có điều kiện phát triển nông-ngư-lâm nghiệp, du lịch, vận tải sông, biển... nên địa phương luôn quan tâm huy động các nguồn lực, khai thác hợp lý tiềm năng này. Từ đó, khi tiếp nhận bộ đội xuất ngũ, Ban CHQS huyện khảo sát, nắm chắc nhu cầu, xu hướng nghề nghiệp, nguyện vọng học nghề để tuyên truyền, nâng cao hiểu biết cho anh em; định hướng phát triển kinh tế bằng các mô hình như: Nuôi trồng thủy sản, nghề thủ công, tôm-lúa... Thực tế cũng cho thấy, từ những kiến thức, kinh nghiệm tích lũy trong môi trường quân ngũ, nhiều quân nhân xuất ngũ tiếp cận khá nhanh với các mô hình này, một số đồng chí đã trở thành điển hình trong phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo tại địa phương.
Thiếu tá DƯƠNG VĂN ME
(Chính trị viên Ban CHQS huyện Trần Văn Thời, Bộ CHQS tỉnh Cà Mau)