Theo đó, thời điểm năm 2012, ông Long là Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Kinh tế-Kỹ thuật công nghiệp, tiến hành bảo vệ luận án Tiến sĩ chuyên ngành Thương mại với đề tài: "Hoàn thiện chính sách thương mại nhằm phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam". Tuy nhiên, tại mục 3.4.2.1 của luận án, ông Long sao chép nguyên văn 2/3 bài đăng trên báo của một lãnh đạo cấp cao mà không trích dẫn nguồn. Không những thế, ông Long còn chép nhiều trang chuyên đề của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương và cuốn “Giáo trình Kinh tế Ngoại thương” của GS, TS Bùi Xuân Lưu do Nhà xuất bản Giáo dục xuất bản năm 2002.

Theo thống kê, nước ta có nhiều tiến sĩ nhất Đông Nam Á. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là không ít tiến sĩ trong số này lại đi “vay mượn” kiến thức, rồi từ những bằng cấp không tương xứng với năng lực, họ được bổ nhiệm vào nhiều vị trí lãnh đạo quan trọng như trường hợp ông Trần Hoàng Long, gây bức xúc trong dư luận, làm hoen ố môi trường giáo dục và đào tạo. Điều này gây nên sự bất công trong xã hội, đồng thời làm cản trở sự phát triển của đất nước. Do đó, cùng với việc xử lý nghiêm các "tiến sĩ giấy", các cơ quan, bộ, ngành cần nghiên cứu việc tuyển dụng, bổ nhiệm qua phẩm chất và năng lực là chủ yếu, chứ không nên quá coi trọng bằng cấp như hiện nay.

VÕ HƯƠNG GIANG (Học viện Báo chí và Tuyên truyền)